Không nên xuất khẩu tài nguyên giá trị gia tăng thấp

08/06/2010 02:21 GMT+7

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á 2010 vừa kết thúc ở TP.HCM chiều 7.6, tăng trưởng xanh, doanh nghiệp xanh là những khái niệm được nhắc đến nhiều nhất.

Vấn đề của VN

Ông Frederick Neumann - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC - cho rằng, đối với một nước đang phát triển như VN, vấn đề quan trọng là phải có ngoại tệ để cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Nhưng để tìm ngoại tệ trong xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên có hàm lượng giá trị gia tăng thấp là một sai lầm. Bởi nó không tạo được việc làm, không nâng cao được mức sống của người dân và nghiêm trọng là đối mặt với những vấn đề như tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường xuống cấp. Ông Neumann nhận định VN sẽ phải điều chỉnh chiến lược xuất khẩu trong thời gian ngắn sắp tới.

“Khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến các nhà đầu tư chuyển quan tâm qua các thị trường khác nên VN mất dần sự chú ý. Cho nên WEF Đông Á lần này là sự kiện quan trọng để "nhắc nhở" nhà đầu tư về thị trường VN” - Ông Frederick Neumann, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC

Thêm nữa, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp (DN) chế biến sâu khoáng sản, tạo ra giá trị gia tăng cao của VN vẫn chưa thật sự rõ ràng. Năm 2009, nhà máy sản xuất xỉ titan có vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng với máy móc thiết bị hiện đại, có thể chế biến xỉ titan với hàm lượng lên tới 93% (theo quy định chỉ cần hàm lượng titan 52% là được xuất khẩu) của Công ty khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) đi vào hoạt động. Nhưng đến nay thì vận hành cầm chừng bởi không thể xuất khẩu được do thuế quá cao. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT SQC, cho biết: “Thuế xuất khẩu hiện nay 18% và sắp tới giảm còn 15% là không đáng kể. Tính toán của Hiệp hội Titan VN và các DN thì mức thuế 5% mới phù hợp. Còn mức thuế suất hiện nay, nếu xuất khẩu phải chấp nhận lỗ”, ông Tâm nói. Theo ông Tâm, chính sách thuế của VN hoàn toàn không khuyến khích các DN tham gia chế biến sâu tài nguyên thiên nhiên, tạo ra giá trị gia tăng cao, đặc biệt là titan. Cho nên Nhà nước phải tính toán đến chính sách khuyến khích chế biến tài nguyên thiên nhiên có giá trị gia tăng cao hơn và có biện pháp chế tài khắt khe hơn những DN vi phạm.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng ngày 7.6 đã có cuộc gặp gỡ với báo chí trong nước. Thứ trưởng nhấn mạnh WEF Đông Á 2010 là sự kiện đặc biệt khi lần đầu tiên được diễn ra ở một nước đang phát triển sau 19 lần tổ chức và VN đã thành công trong vai trò chủ nhà của mình. Thành công của WEF Đông Á 2010 được ghi nhận ở các khía cạnh thu hút sự quan tâm của quốc tế, trong đó có nhiều lãnh đạo chính phủ, đặc biệt là cộng đồng DN; chủ đề của diễn đàn phù hợp với tình hình thực tế khi đề cập đến phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng và vai trò của các nền kinh tế trong khu vực Đông Á...

Cần có mô hình DN mới

Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Yoon Jong Soo cho biết nước này hằng năm dùng 2% GDP cho nghiên cứu phát triển và khuyến khích những DN sử dụng công nghệ xanh, mục tiêu đến năm 2020 cắt giảm 30% lượng khí thải CO2. Để khuyến khích tăng trưởng xanh, nhiều quốc gia đã miễn giảm thuế cho các DN sử dụng năng lượng tái tạo, như ở Đức. Trên thực tế, sử dụng các loại năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời có thể giảm chi phí cho DN xuống 50%.

Theo các chuyên gia, VN nói riêng và các nước châu Á cần phải tạo ra những mô hình DN mới cho tăng trưởng sạch và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự hợp tác giữa các nước châu Á nên được đẩy mạnh hơn trong việc thừa nhận sản phẩm và dịch vụ xanh, đồng thời thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và nhân viên trong quá trình sử dụng và bảo tồn năng lượng, bao gồm những khuyến khích về nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh (phát triển bền vững, bảo vệ môi trường...).

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.