Ngôi sao hay nô lệ?

04/07/2010 10:23 GMT+7

Vì sao nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc tự tử? Đó là cái giá phải trả cho sự nổi tiếng khi đa số các nghệ sĩ đều có hợp đồng ràng buộc với các công ty đào tạo và khai thác. Các nghệ sĩ đôi khi như con rối trong tay các ông chủ... >> Ngôi sao của Bản tình ca mùa đông tự tử

Làng giải trí Hàn Quốc những ngày qua đau buồn trước cái chết của ngôi sao Park Yong Ha.  Việc tìm đến cái chết để giải thoát mình trước áp lực cuộc sống và công việc của ngôi sao này một lần nữa khiến dư luận giật mình khi nghĩ đến nhiều cái chết tương tự của sao Hàn trước đó và về cái giá phải trả của sự nổi tiếng.

Ngôi sao và con rối
 
Các diễn viên, ca sĩ tại Hàn Quốc phần lớn thuộc quyền quản lý của một công ty giải trí nào đó. Công ty là nơi đào tạo, lăng xê vì vậy khi đã thành “sao”, công ty ra sức tận thu để bù đắp chi phí đào tạo hàng triệu won đã bỏ ra.
 
Công chúng có thể choáng ngợp khi nghe ca sĩ A., diễn viên B. đóng một tập phim được trả mấy chục triệu won nhưng thực tế, nghệ sĩ không được hưởng hết mà phải chia phần trăm cho công ty. Xì-căng-đan ba thành viên của nhóm DBSK đã đệ đơn kiện Công ty quản lý SM Entertainment hồi năm ngoái về những bất công trong bản hợp đồng ký kết 13 năm giữa họ với công ty này, trong đó có chuyện ăn chia lợi nhuận không thỏa đáng là một vụ điển hình.
 
Vụ kiện của DBSK đã làm lộ diện “hợp đồng nô lệ” trong làng giải trí mà kẻ nắm đằng chuôi là những công ty quản lý. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy có 20 công ty giải trí ký những hợp đồng độc quyền bất công với 230 nghệ sĩ. Có khoảng 91 điều khoản bất công trong hợp đồng và được gọi là “hợp đồng nô lệ”.
 
Trong số những điều khoản đó có việc phải trình báo với cơ quan quản lý khi nghệ sĩ muốn đi đến đâu và không được quyền giải nghệ nếu công ty chưa đồng ý. Tất cả các hoạt động của nghệ sĩ đều bị công ty quản lý can thiệp, công ty còn có quyền sửa đổi và ký kết thêm các điều khoản trong hợp đồng. Nhưng nếu nghệ sĩ vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho cơ quan quản lý.
 
Một thành viên của nhóm TVXQ than thở: “Nếu muốn đầu quân sang công ty khác, tiền bồi thường hợp đồng rất lớn, chúng tôi không thể kham nổi. Thù lao của nhóm phải chia cho 13 thành viên nên mỗi người nhận được chẳng nhiều như mọi người nghĩ”. Tóm lại, đã gia nhập công ty thì nghệ sĩ như con rối trong tay các ông chủ, quyền tự do phát biểu, tự do riêng tư hoàn toàn không có, không khác gì nô lệ. 
 
Quá đáng hơn là có khoảng 10 cơ quan thực hiện hợp đồng miệng chứ không thông qua giấy tờ. Nữ diễn viên Jang Ja Yeon cũng từng phải ký hợp đồng “nô lệ” này với những điều khoản bất công nên không loại trừ đây là nguyên nhân khiến cô tự tử. Ngoài ra, vụ cô đào Jang Ja Yeon tự tìm đến cái chết còn hé lộ mặt trái kinh hoàng hơn trong làng giải trí, đó là việc những nữ diễn viên trẻ bị lạm dụng tình dục.
 
Di thư của cô đã tố cáo thế lực vô hình của ngành công nghiệp giải trí xứ Hàn bằng nhiều thủ đoạn ép buộc diễn viên quan hệ tình dục. Kết quả là Kim Sung Hun - giám đốc công ty quản lý cũ của Jang Ja Yeon-đã bị bắt và  đưa ra xét xử vào tháng 9-2009.
 
40% ngôi sao từng muốn tự tử
 
Ngoài việc bị đối xử bất công, áp lực công việc cũng là một gánh nặng đối với các ngôi sao. Tần suất làm việc dày đặc đến mức không có thời gian nghỉ ngơi, yêu đương, cuộc sống luôn bị dòm ngó... là những lý do khiến các ngôi sao luôn cảm thấy cô đơn, mệt mỏi. Công chúng luôn  có xu hướng  “tôn thờ” các thần tượng nên từ  đó luôn khắt khe, xét nét họ mà không hề nghĩ nghệ sĩ cũng là người bình thường. 
 
Không có ai  để chia sẻ, khi gặp thất bại, trái tim nghệ sĩ vốn nhạy cảm càng dễ bị tổn thương nặng nề. Chỉ cần một vai diễn bị chê, bộ phim đạt tỉ suất người xem không cao hay một album doanh số phát hành không như ý cũng khiến các ngôi sao mất ăn mất ngủ.
 
Gia đình diễn viên Lee Eun Joo (tự tử năm 2005) suy đoán nguyên nhân tự tử là do cô rơi vào trạng thái trầm cảm, mất ngủ sau khi đóng những cảnh khỏa thân quá táo bạo trong phim The Scarlet Letter. Chuyên gia tâm thần học Oh Kang-Seob, làm việc tại Bệnh viện Kangguk Samsung, nói các ngôi sao điện ảnh thường bị suy nhược nặng sau khi dành quá nhiều tâm lực cho các vai diễn.
 
Nhẹ thì mất ngủ, nặng hơn là trầm cảm. Tháng 4 vừa qua, luận văn thạc sĩ của nữ diễn viên Park Jin Hee bảo vệ tại Đại học Yeonsi cho thấy 40% diễn viên Hàn Quốc từng có ý tự tử. 
 
Luận văn cho biết sự căng thẳng tột bậc nhằm duy trì được sức hút với công chúng khiến nhiều diễn viên không ổn định về tâm lý và đẩy họ đến với những lựa chọn bi kịch. Theo luận văn này, hầu hết các hội chứng đó đều xuất phát từ “tình trạng bấp bênh” trong cuộc sống. Những người này cho rằng vị thế của mình không vững chắc và tài năng chưa được công chúng thừa nhận.
 
Công chúng  thường nghĩ rằng “các nghệ sĩ giải trí sống xa hoa và hạnh phúc”, trong khi thực tế thì rất khắc nghiệt, cũng là nguyên nhân khiến nhiều diễn viên bị giày vò tinh thần.
 
Kim Jeong-Il, một chuyên gia tâm thần học, nói: “Nhiều người làm trong ngành giải trí Hàn Quốc, nhất là những nữ diễn viên hàng đầu, đang bị trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau. Nữ diễn viên ở Hàn Quốc dễ bị stress hơn ở các nước khác. Lý do theo ông, là vì định kiến xã hội. Trong văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, những người làm việc trong ngành giải trí thường bị xã hội coi rẻ, nghề diễn viên bị cho là một nghề  thấp kém.
 
Hồi năm 2005, một hồ sơ mật dài 113 trang đã bị tung lên mạng internet, bao gồm hàng loạt tin đồn về ngành giải trí Hàn Quốc, từ những mối quan hệ bí mật, những đứa con hoang, dùng ma túy... đến quan hệ tình dục bừa bãi. Tài liệu này vốn do một công ty quảng cáo lớn của Hàn Quốc thống kê nhằm đánh vào 99 ngôi sao có thu nhập cao nhất nước này, trong đó có cả Lee Eun Joo, đã khiến dư luận càng công kích, coi khinh các nghệ sĩ.

Khổ luyện thành sao

Để có được vị trí như hiện tại, các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc phải trải qua quá trình đào luyện khắc nghiệt.

Những tài năng tương lai trong âm nhạc hoặc phim ảnh sau khi ký kết hợp đồng với công ty quản lý sẽ được nhận vào thực tập. Tại đây, họ phải trải qua 4 - 5 năm đào tạo với cường độ luyện tập từ 10 đến 12 giờ/ngày và liên tục 7 ngày trong tuần.

Công ty có quyền yêu cầu ngôi sao tương lai sống tập trung tại một nơi với các đồng nghiệp hoặc đối thủ, tuân theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, kiểm tra cân nặng thường xuyên và luyện tập hơn 10 giờ/ngày.

Khổ luyện như vậy nhưng các học viên chẳng thể biết bao lâu mình mới có thể hành nghề. Park, người quản lý của nhóm Beast ở Công ty Cube Ent, nói: “Không ai biết sẽ mất bao lâu mới được huấn luyện xong, điều đó phụ thuộc vào chính bản thân họ”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.