Bóng rổ Mỹ xâm nhập Ấn Độ

05/08/2010 09:21 GMT+7

Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) đã tổ chức một trung tâm đào tạo bóng rổ miễn phí ở Ấn Độ và chọn ra 8 VĐV tiềm năng mang sang Mỹ đào tạo.

Các trận bóng rổ của giải nhà nghề Mỹ luôn khiến người xem hứng thú - Ảnh: AFP

Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) đã tổ chức một trung tâm đào tạo bóng rổ miễn phí ở Ấn Độ và chọn ra 8 VĐV tiềm năng mang sang Mỹ đào tạo.

Những người điều hành giải bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ đang vạch ra một lộ trình để từng bước chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ, thị trường khổng lồ với dân số 1,1 tỷ người. Mục tiêu bước đầu trong kế hoạch của NBA là đưa bóng rổ thay thế vị trí của bóng đá tại Ấn Độ hiện nay, tức trở thành môn thể thao được ưa chuộng thứ 2 tại nước này sau môn cricket. “Đó là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của NBA và chúng tôi tự tin có những nền tảng vững chắc để thành công”, giám đốc bộ phận phát triển quốc tế của NBA, bà Heidi Ueberroth, khẳng định.

Cở sở vững chắc mà bà Heidi nhắc ở đây là sự chuyển biến tích cực trong nền kinh tế-xã hội của Ấn Độ. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu và ứng dụng kinh tế quốc gia Mỹ trong năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế Ấn Độ, số hộ gia đình có thu nhập cao nhiều hơn số hộ gia đình có thu nhập thấp với 62% số hộ gia đình được xếp vào nhóm trung lưu. “Khi đời sống khá hơn, người dân sẽ có nhu cầu tìm đến nhiều loại hình thể thao và giải trí mới mẻ hơn”, bà Heidi phân tích.

Cơ sở thứ 2 giúp NBA tự tin sẽ thắng lớn ở Ấn Độ là vì trước đây họ từng thành công ở thị trường Trung Quốc bằng mô hình “thâm nhập từ gốc”. Người Trung Quốc lần đầu biết đến bóng rổ là năm 1979, khi NBA mang những đội bóng rổ của mình đến đây biểu diễn. Đến nay bóng rổ và giải NBA đã nằm trong danh mục các môn thể thao được ưa thích hàng đầu tại nước này. NBA hiện có 30.000 cửa hàng bán dụng cụ bóng rổ ở Trung Quốc. Năm ngoái, doanh số bán ra của các cửa hàng này tăng 100% so với năm 2008.

Mô hình “thâm nhập từ gốc” của NBA rất đơn giản, họ đầu tư kinh phí để đào tạo lớp trẻ Trung Quốc làm quen với bóng rổ, xây hàng loạt học viện và tổ chức các giải trẻ. Tiếp theo, biến những sản phẩm của bóng rổ Trung Quốc như cầu thủ Yao Ming thành thần tượng tại NBA, qua đó khuếch trương ảnh hưởng của môn thể thao này.

Một lần nữa, NBA đang lặp lại các bước đi này tại Ấn Độ. Tháng 4 vừa qua, NBA đã phối hợp với một tỉ phú Ấn Độ, ông Mahindra, tổ chức một giải bóng rổ trẻ (lứa tuổi từ 14-17) có tên Mahindra NBA Challenge, diễn ra tại 3 thành phố lớn của Ấn Độ là Mumbai, Bangalore và Ludhiana. 3.500 VĐV bóng rổ đã đăng ký dự giải.

Song song đó, NBA còn phối hợp với học viện thể thao IMG Academies ở Florida tổ chức một trung tâm đào tạo bóng rổ miễn phí ở Ấn Độ và đã chọn ra được 8 VĐV tiềm năng (4 nam và 4 nữ) mang sang Mỹ đào tạo. “Tôi thường tự hỏi bao giờ sẽ có VĐV Ấn Độ chơi bóng rổ ở NBA. Và tôi luôn tự trả lời rằng chẳng có gì ngăn cản chuyện đó, vấn đề chỉ là thời gian”, bà Heidi kết luận.

Nguyễn Chính
 
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.