Cuộc chiến chuột di cư

07/08/2010 23:17 GMT+7

Cứ độ tháng 7-8 hằng năm, nông dân tại huyện lúa Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lại phải chống chọi với đàn chuột hàng ngàn con. Chuột từ đồng này tràn sang đồng khác, tấn công từng thửa lúa chín rộm.

Trung tâm sản sinh chuột

Những ngày đầu tháng 7, nông dân các xã như Hồng Thủy, Thanh Thủy, Liên Thủy của huyện Lệ Thủy nô nức thu hoạch lúa tái sinh với tâm trạng hết sức phấn khởi. Theo Phòng Nông nghiệp huyện thì diện tích lúa tái sinh năm nay khoảng trên 6.800 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha. Đây là tin vui, bởi trong thời điểm khắp nơi đối mặt với khô hạn, nắng cháy thì bà con nông dân Lệ Thủy vẫn được mùa. Lúa tái sinh là sau khi thu hoạch vụ đông-xuân, người dân giữ gốc rạ lại chăm bón tiếp cho sinh trưởng như lúa mới gieo trồng. Lúa tái sinh dù năng suất không cao bằng vụ chính nhưng do mức đầu tư ít, bán được giá hơn nên bà con vẫn có lãi.

Thế nhưng chỉ ở những vùng trũng của huyện mới làm được lúa tái sinh, bởi khi gặt vụ đông-xuân xong thì nước trên các chân ruộng vẫn còn ứ đọng rất nhiều, kéo dài tới mấy tháng sau nên từ gốc rạ lại sinh trưởng thành cây con. Ở những vùng đó lại không thể sản xuất lúa vụ hè-thu được vì vào thời điểm gần độ thu hoạch và thu hoạch thì mưa đổ nước ngập trắng đồng. Khi lúa chín rộ thì nước đã đầy mênh mông, người dân phải ngâm mình trong nước mà gặt, năm nào cũng mất mùa. Ngày trước, sau khi thu hoạch vụ đông-xuân, nông dân chỉ để không ruộng đồng. Sau này, chính quyền và người dân hiểu ra, tổ chức sản xuất lúa tái sinh đem lại nguồn thu không nhỏ cho mỗi gia đình.

Cũng chính ở vùng trũng này, vì đặc điểm sinh thái như thế mà sản sinh ra rất nhiều chuột đồng. Cứ đến mùa nước nổi, thì chuột "đông như kiến". Dân địa phương đập bắt mang bán và chế biến nhiều món ăn nhậu khác nhau nhưng không thể hết được. Vì thế, xác chuột trôi nổi đầy đồng, bị xe cán đầy đường. Chuột cũng tấn công lúa tái sinh. Anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, ở xã Hồng Thủy) nói: “Người dân ở đây dùng đủ mọi cách rồi nhưng không thể tận diệt được đàn chuột. Nó phá hoại mùa màng kinh khủng, nếu không bị chuột tấn công thì năng suất lúa tái sinh còn cao hơn mấy tạ một ha nữa”.


Thu được hàng trăm con chuột sau một đêm - Ảnh: T.Q.N

Nỗi sợ chuột di cư

Cùng thời điểm này, lúa hè-thu trên cánh đồng các xã Xuân Thủy, Mai Thủy, Dương Thủy… đang ở “thì con gái”. Bây giờ, nỗi lo chuột tấn công đã hiện hữu trên từng gương mặt người nông dân. Chuột không sinh ra ở những vùng đồng cao này. Ở thời điểm giữa 2 vụ lúa, đồng ruộng khô hạn khiến chuột cũng thoái trào, một là chết, hai là tìm đi nơi khác. Lũ chuột tấn công lúa khiến người dân lo chính là chuột di cư từ các địa bàn vùng trũng đến. Khi nó gặm nhấm xong lúa tái sinh thì tràn đi các vùng khác tìm kiếm cái ăn và để tránh mùa nước nổi lênh láng ruộng đồng.

Người dân thôn Xuân Bồ (Xuân Thủy) vẫn còn ám ảnh hình ảnh trong mùa nước nổi năm ngoái, khi từng đàn chuột di cư nối đuôi nhau từ các cánh đồng của xã Liên Thủy vượt sông Kiến Giang sang phá hoại ruộng lúa quê mình. Các chân ruộng sắp thu hoạch ở vùng ven sông như Bà Cơ, Vườn Giếng trở thành “chiến trường”. Sau khoảng 2 đêm, từng cọng lúa bị bẻ gãy rồi vặt trụi trông xơ xác như vừa bị đội quân hùng hậu nào đó oanh tạc. Việc đẩy mạnh sản xuất lúa tái sinh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân vùng trũng. Thế nhưng lại phát sinh vấn đề mới cho người dân vùng khác, đó chính là đàn chuột. Khoảng thời gian 2 tháng giữa 2 vụ lúa đã tạo điều kiện cho chuột di cư, sinh sôi nảy nở. Báo cáo tổng hợp kết quả thăm đồng vụ hè-thu năm 2009 của Phòng Thống kê huyện Lệ Thủy cho thấy, trong tổng số 2.832 ha diện tích gieo cấy có đến 687,8 ha bị thiệt hại do sâu bệnh và chuột. Trong đó, số diện tích do chuột phá hoại là 666,8 ha, chiếm 96,9%.

Chiến dịch đánh chặn


Cứ đến vụ hè-thu, bạt ni-lông lại giăng khắp các cánh đồng - Ảnh: T.Q.N

Để giải bài toán diệt chuột bảo vệ mùa màng, Trạm Bảo vệ thực vật Lệ Thủy đã có văn bản đề ra phương án phòng trừ chuột hại lúa hè-thu 2010, qua đó chỉ đạo các địa phương và bà con nông dân thực hiện nhiều biện pháp kết hợp như cơ lý và bẫy, bả thuốc… Trong đó, biện pháp lập hàng rào chắn chuột di cư bằng bạt ni-lông được xem là tối ưu và có lợi cho môi trường sinh thái. Theo đó, các xã, địa phương gieo cấy vụ hè-thu còn lại như Xuân Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy… được UBND huyện hỗ trợ vốn, công cụ, thiết bị (bao gồm bạt ni-lông, dây cước…) để tổ chức diệt chuột.

Thôn Uẩn Áo (Liên Thủy) và Mỹ Lộc Thượng (An Thủy) là hai địa phương được thí điểm đầu tiên vào năm 2009. Thế nhưng theo anh Hoàng Cảnh Uynh - Chủ nhiệm HTX Uẩn Áo thì hiệu quả của những biện pháp này cũng không ăn thua. Cụ thể, năng suất vụ hè-thu năm 2009 của HTX chỉ đạt hơn 15 tạ/ha, trong khi bình quân hằng năm của địa phương là 45 tạ/ha, chỉ chiếm 33,3%. Năng suất tụt giảm đến vậy nên vụ hè-thu năm nay, HTX phải chuyển sang sản xuất lúa tái sinh để trùng dịp với những địa phương khác, mặc dù điều kiện tự nhiên không phù hợp.

Xã Dương Thủy được xem là một trong những nơi tổ chức đánh chặn chuột thành công nhất. Đi trên những con đường chạy xuyên qua các vựa lúa, mùi thơm từ cây lúa thời làm đòng đã ngào ngạt lắm rồi. Xa xa, những hàng rào bạt ngăn chuột bảo vệ lúa được nông dân thôn Bình Minh dựng chắc chắn. Gặp chúng tôi, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Minh Võ Lục Quân đã mở ngay câu chuyện cuộc chiến diệt chuột. Vụ hè-thu năm nay, Bình Minh gieo cấy 85 ha, và điều mừng là diện tích bị chuột tàn phá ngày càng giảm. Qua đó mới hiểu mồ hôi, nước mắt của bà con nông dân đổ ra ngày càng nhiều để quyết giữ ruộng lúa. Phong trào diệt chuột bảo vệ lúa ở Bình Minh được nâng lên thành chiến dịch với những đêm trắng canh lúa. Từ đầu vụ đến nay, HTX Bình Minh đã phát động 5 đợt đào bắt, rải thuốc với trên 1.000 người tham gia, thu được hơn 5.000 con chuột.

Đỉnh cao của chiến dịch diệt chuột tại thôn Bình Minh là HTX đã tạo một hàng rào bằng bạt ni-lông có chiều cao khoảng 1m và dài hơn 600m dọc quanh sông Đâu Giang để chặn chuột tràn về. Dưới chân hàng rào, người dân đào hố sâu cách từng đoạn để khi lũ chuột tìm cách thoát qua bên kia hàng rào sẽ bị rơi xuống. Với biện pháp này, nông dân vừa chặn được chuột xâm nhập ruộng, vừa có nguồn thu. Bởi tính theo giá thị trường hiện nay, 1 kg thịt chuột được 20.000 đồng. Nổi bật trong chiến dịch diệt chuột năm rồi là xã viên Nguyễn Sĩ Hải, chỉ khoảng 20 ngày anh đã bắt gần 1.000 con nên được bà con phong là “vua bắt chuột”.

Các địa phương khác thành lập hẳn đội diệt chuột. 2 đội với 4 người ở HTX Uẩn Áo đã thu hoạch được hơn 800 kg thịt chuột thành phẩm. 4 đội với 20 người ở HTX Mỹ Lộc Thượng thu được hơn 1.500 kg. Tiền bán thịt chuột cũng lên đến hàng triệu. 

Tuy  nhiên đó cũng chỉ là những biện pháp đường cùng. Bí thư Đảng ủy xã Dương Thủy Võ Xuân Bình trăn trở: “Về lâu dài phải tìm cho được biện pháp gì đó thật hữu hiệu để ngăn chặn sự sinh sôi và di cư của đàn chuột. Chứ năm nào cũng phải căng sức ra tổ chức diệt như thế này thì khổ bà con”.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.