Menezes thoát khỏi bẫy?

13/08/2010 10:02 GMT+7

Thường thì các HLV tuyển Brazil kết thúc nhiệm kỳ làm việc sau các World Cup, kể cả thành công như Parreira năm 1994, Zagalo 1998, Scolari 2002 hay thất bại như Parreira 2006 và mới đây nhất là Dunga 2010.

Thường thì các HLV tuyển Brazil kết thúc nhiệm kỳ làm việc sau các World Cup, kể cả thành công như Parreira năm 1994, Zagalo 1998, Scolari 2002 hay thất bại như Parreira 2006 và mới đây nhất là Dunga 2010.

Trong lịch sử bóng đá Brazil, chỉ có duy nhất một HLV có nhiệm kỳ kéo dài 6 năm là ông Flavio Costa (1944-50). Ông Costa ở lại lâu như thế là vì sau Thế chiến thứ 2, phải đến năm 1950, World Cup mới được tổ chức trở lại.

Nếu đúng theo thông lệ bất thành văn này thì tân HLV Mano Menezes của tuyển Brazil sẽ ở lại với đội bóng Vàng-Xanh cho đến kết thúc World Cup 2014? Không, thực tế là nhiều người Brazil đang cho rằng Menezes bị rơi vào bẫy.

Trước khi bổ nhiệm Menezes thay Dunga, LĐBĐ Brazil (CBF) coi Menezes chỉ là ứng viên số 3 cho chiếc ghế HLV tuyển Brazil. Xếp trên Menezes là HLV Ramalho và Scolari. Ramalho đã dẫn dắt Sao Paulo giành 3 chức VĐQG Brazil liên tiếp các năm 2006, 2007, 2008 còn Scolari là HLV từng dẫn dắt tuyển Brazil đến vinh quang ở World Cup 2002.

Ramalho từ chối nhận chiếc ghế Dunga để lại với lý do CLB Fluminense không chịu nhả ông ra, hợp đồng của ông với CLB này kết thúc năm 2012. Đây là chuyện khá buồn cười, bởi nếu Ramalho muốn thì CBF sẵn sàng đền bù hợp đồng cho Fluminense để giải phóng ông. Ông chủ tịch CBF Texeira là một người hét ra lửa trong làng bóng đá Brazil, Fluminense dám không nghe lời?

Mặt khác, làng bóng đá Brazil vốn có thói quen thay HLV như thay áo. Năm 2009, chính Ramalho bị Sao Paulo sa thải. Ông đến làm cho Palmeiras chỉ 6 tháng rồi cũng bị CLB này sa thải. Chắc gì ông còn là HLV của Fluminense cho đến năm 2012 nếu đội bóng này chơi không tốt?

Scolari từ chối CBF với lý do ông đã nhận lời làm việc cho Palmeiras trước World Cup 2010. Trường hợp của Scolari, cũng như Ramalho, CBF hoàn toàn có thể can thiệp được nhân danh lợi ích quốc gia.

Thật ra, Ramalho và Scolari không nhận lời làm việc cho tuyển Brazil lúc này là có ý đồ chiến thuật. Họ biết rằng World Cup 2014 được tổ chức ở Brazil nên yêu cầu đặt ra với đội bóng này từ công chúng rất cao, vì thế sức ép sẽ rất lớn. Từ giờ đến năm 2014, HLV tuyển Brazil sẽ phải trải qua 3 cuộc sát hạch: Olympic London 2012, giải Vô địch thế giới U.20 và Copa America 2011.

Nếu “thi trượt” 1 trong 3 cuộc sát hạch trên, vị HLV này sẽ bị sa thải. Nhiều HLV tuyển Brazil trước đây đã bị trảm theo kiểu này, như Luxemburgo thất bại tại Olympic 2000 hay Emerson Leao ở Copa America 2001. Chính Scolari đã nói sau khi ông từ chối CBF: “Tôi thích bắt đầu công việc vào năm 2012 hơn, đợi 4 năm dài quá”. Scolari là người thay Leao làm HLV Brazil năm 2001 và một năm sau, ông đưa đội bóng lên ngôi vô địch World Cup 2002.

Bởi vậy, cả Ramalho và Scolari có nhã ý nhường khúc xương cho Menezes gặm để chờ Menezes thất bại rồi họ tính đường trở lại như người hùng. Ngoài ra, thời gian này họ dùng để quan sát Menezes xây dựng đội bóng ra sao và chơi bài “cốc mò cò xơi”.

Song Menezes đã ra mắt quá ấn tượng trong trận Brazil hạ chủ nhà Mỹ 2-0 cách đây vài ngày. Ông chỉ gọi 4 cầu thủ dự World Cup qua vào đội tuyển nhưng các cầu thủ mới của ông chơi bóng như thể họ đã chơi bên nhau từ rất lâu. Tất cả dư luận, truyền thông Brazil phải vỗ tay hoan hô ông. Vẫn còn sớm để đoán Menezes có vượt qua các cuộc sát hạch hay không nhưng trước hết là hãy cho ông điểm 10 vì sự dũng cảm. Và hy vọng Pato, Neymar, Robinho, Ganso, David Luiz, Ramires... sẽ giúp Menezes thoát khỏi cái bẫy đang được giăng sẵn.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.