Nụ hôn bất tử

27/08/2010 18:55 GMT+7

(TNTS) Vào ngày 14.8 vừa qua, nhiều nước trên thế giới đã kỷ niệm 65 năm ngày kết thúc Thế chiến II. Một trong những biểu tượng của ngày vui này là bức ảnh Nụ hôn của nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt…

Khoảnh khắc lịch sử

Chiến tranh có nhiều gương mặt. Nhờ nghệ thuật nhiếp ảnh mà chúng được lưu giữ trong ký ức của nhân loại, có khi còn lâu bền hơn hàng trăm những bộ sách lịch sử dày cộp. Thế chiến II về khía cạnh nào đó trở thành “chiến tranh của những nhà nhiếp ảnh”. Nhiều người trong số đó trở về nhà với hàng trăm tấm ảnh và trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên bức ảnh nổi tiếng nhất khi Thế chiến II kết thúc lại được chụp tại thành phố New York thanh bình, vào ngày mà Nhật Bản chuẩn bị ký văn kiện đầu hàng. Nhờ có nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt, mà ngày 14.8.1945 thế giới đã có tuyệt phẩm Nụ hôn, trở thành biểu tượng kết thúc chiến tranh.

Ngày 14.8.1945, phát xít Nhật chấp nhận điều kiện đầu hàng. Tin tức loan truyền nhanh chóng đến Mỹ. Hàng triệu người mừng vui đổ ra khắp các đường phố ăn mừng. Alfred Eisenstaedt khi đó đang là phóng viên ảnh của Tạp chí Life tại New York. Sau này Eisenstaedt kể lại là vào ngày đó ông đến quảng trường Thời Đại (Times Square), chụp rất nhiều người, tuy nhiên có một chàng thủy thủ gây sự chú ý đặc biệt với ông.


Nụ hôn ở tòa thị chính của Robert Doisneau

“Anh ta chạy dọc phố, ôm tất cả những phụ nữ mà anh ta nhìn thấy. Không quan trọng đó là phụ nữ già hay trẻ, gầy hay béo. Cầm chiếc máy ảnh Leica, tôi chạy trước anh ta, xoay xở và liên tục chụp, nhưng không kiểu nào tôi cảm thấy thích. Và đột nhiên, như ánh chớp, tôi thấy anh ta ôm một bóng áo trắng. Tôi quay lại rồi bấm máy, đúng vào lúc anh ta hôn một nữ y tá. Nếu như cô ấy mặc quần áo màu sẫm, chắc hẳn tôi sẽ không bao giờ chụp họ”, Alfred Eisenstaedt nhớ lại.

Alfred Eisenstaedt sinh năm 1898 tại Dirschau, Tây Prussia (nay là Đức) trong một gia đình Do Thái. Năm 1935, Eisenstaedt chuyển từ châu u sang Mỹ sinh sống và làm việc cho Tạp chí Life. Ông là tác giả các bức ảnh nổi tiếng như, cuộc gặp gỡ của Hiller với Mussolini (1934), hay bức chụp trùm phát xít Goebbels… Eisenstaedt có hơn 60 năm gắn bó với Tạp chí Life. Ông mất ngày 24.8.1995.

Eisenstaedt chụp 4 kiểu ảnh trong khoảnh khắc này (bởi sau chiến tranh không thể có nụ hôn ngắn ngủi). Ông còn có thời gian để cân chỉnh máy ảnh. Theo ông, những tấm ảnh được chụp bằng phim Kodak Super Double X, tốc độ 1/125 giây và ống kính mở giữa khẩu độ 5,6 và 8. Tuy nhiên tấm ảnh ông chọn để đăng trên Life là đạt nhất.

Suốt một tuần sau đó, Nụ hôn được đăng lại trên nhiều tạp chí, báo, trong không khí mừng chiến thắng khắp nước Mỹ. Hơn thế, Nụ hôn trở thành biểu tượng của hòa bình, là biểu tượng của văn hóa và được đưa vào sách giáo khoa ngành nhiếp ảnh. Càng nhìn vào bức ảnh này, bất cứ ai biết chút ít về nghệ thuật nhiếp ảnh đều thấy trong đó tất cả rất hoàn hảo. Trung tâm bức ảnh là đôi nam nữ mà ngay từ cái nhìn đầu tiên đã gây sự chú ý. Nụ hôn nồng cháy của chàng thủy thủ “đen” và cô y tá “trắng” khá bạo liệt, nhưng lại tạo nên sự đồng điệu tuyệt vời. Phía sau hai người là con phố mở ra, tạo chiều sâu cho bức ảnh. Những ánh nhìn thiện cảm, trìu mến, vui vẻ của những người xung quanh đôi trai gái cho thấy không khí lễ hội của ngày này… Đây đích thực là một tác phẩm nghệ thuật. Ngay cả khi đặt bức ảnh của Victor Jorgensen cũng chụp đôi trai gái này bên cạnh, người ta cũng dễ dàng nhận thấy Nụ hôn của Eisenstaedt có đẳng cấp, tầm vóc lớn hơn nhiều. Và nếu như so sánh Nụ hôn với bức ảnh tương tự Nụ hôn ở tòa nhà thị chính của nhiếp ảnh gia người Pháp - Robert Doisneau, sự khác biệt về nghệ thuật càng thấy rõ. Hơn nữa, sau này người ta còn biết thêm một chi tiết: Bức ảnh của Robert Doisneau có sự dàn xếp.

Cũng giống như bất kỳ tuyệt tác nghệ thuật nào, hình tượng chàng thủy thủ - nữ y tá dễ dàng vượt qua ranh giới của một bức ảnh. Người ta in nó trên những áo phông, rồi làm cả Lego để đặt trên bàn làm việc… Năm 2005, Tạp chí Life còn in lại bức ảnh trên trang bìa của mình. Trong năm này, kỷ niệm 60 năm ngày kết thúc Thế chiến II, tại quảng trường Thời Đại người ta còn làm bức tượng màu, tái hiện hình ảnh bức ảnh của Eisenstaedt.  

Tìm nhân vật trong ảnh 

Trong khi bức ảnh được cả thế giới biết đến, thì trớ trêu thay, không ai biết thông tin về hai nhân vật chính trong đó. Lỗi đầu tiên thuộc về  Eisenstaedt. Bởi trong ngày mà cả quảng trường Thời Đại tràn ngập người hoan hỉ ấy, nhà nhiếp ảnh đã không kịp hỏi tên, tuổi, địa chỉ đôi trai gái. Tuy nhiên, vào cuối thập niên 1970, một phụ nữ bất ngờ lên tiếng và nhận mình là “nữ y tá đang hôn”. Đó là bà Edith Shain, 60 tuổi, là cư dân của Log Angeles. Bà Shain đọc trên báo địa phương bài phỏng vấn Eisenstaedt và sau đó quyết định viết thư cho nhà nhiếp ảnh, khẳng định mình chính là nhân vật trong bức ảnh đó.


Nụ hôn của Victor Jorgensen

Đọc lá thư, trong đó Edith Shain xin ông một bản sao của bức ảnh gốc, Eisenstaedt đã kể lại câu chuyện này trên Life. Ban Biên tập Life quyết định đăng câu chuyện này và ngỏ ý muốn tìm chàng thủy thủ kia. Đến tháng 10.1980, đã có 11 người tự nhận mình chính là chàng thủy thủ trong bức ảnh. Ngoài ra, còn hai phụ nữ khác cũng nhận mình là “nữ y tá”. Dù  cả hai người này cũng có mặt tại quảng trường Thời Đại hôm đó và cũng hôn những chàng trai trẻ mặc sắc phục thủy thủ, nhưng họ không chứng minh được các chi tiết phù hợp về vụ việc.

Với “chàng thủy thủ” chuyện phức tạp hơn nhiều. Trong số 11 người, có 3 người luôn khẳng định mình chính là nhân vật đó. Trong ba người đó, Edith Shain cho rằng “thủy thủ” mang tên Carl Muscarello chính là người đã hôn bà. Hai người còn đồng ý gặp lại nhau sau hơn nửa thế kỷ xa cách để thực hiện lại nụ hôn. Tuy nhiên, sau đó Edith Shain nói rằng, bà không chắc chắn Muscarello chính là “người ấy”. Dù vậy, Muscarello lại có cơ sở khẳng định mình là nhân vật trong ảnh. Mẹ của ông khi đó đã mua tờ Life có đăng ảnh bìa Nụ hôn. Sau đó bà gọi cho con trai nói: “Con làm sao thế? Con không hiểu là không được hôn cô gái lạ?”.

Sau đó một thời gian, lại xuất hiện người cạnh tranh với Carl Muscarello. Đó là cựu lính thủy Glenn McDuffie. Ông này chứng minh “thân phận” của mình bằng cách yêu cầu giám định hàng trăm bức ảnh mà ông đứng trong tư thế đang hôn (giống như bức của Eisenstaedt), chỉ khác thay cho nữ y tá là ông đang ôm chiếc gối. Tuy nhiên cuối cùng vụ việc lại đi vào ngõ cụt.

Còn Edith Shain thì sao? Sau thế chiến, nữ y tá trở thành cô nuôi dạy trẻ ở thành phố Beverly Hills. Về già bà thường nhớ đến ngày ấy ở New York. Bà kể với các nhà báo: “Tôi làm việc trong bệnh viện. Tôi và người bạn nghe đài rằng, Thế chiến II đã kết thúc và đi ra phố. Ngoài phố là cả một biển người. Tất cả diễn ra rất náo nhiệt, hào hứng. Mọi người quay cuồng, ôm nhau và hôn nhau. Một lính thủy ôm lấy tôi và hôn rất lâu. Sau đó tôi quay lại và đi về hướng khác. Chúng tôi không nói gì với nhau. Tôi thậm chí còn không biết anh ấy có nhìn tôi không nữa. Có thể có, có thể không”.

Sau 65 năm, Edith Shain, 91 tuổi đã qua đời tại nhà riêng vào ngày 20.6.2010. Bà có 3 người con, 6 người cháu và 8 người chắt. Với bà có lẽ nụ hôn dài nhất trong cuộc sống còn sống mãi. Đó là một nụ hôn chỉ có duy nhất một ý nghĩa: Chiến tranh đã kết thúc.

Hoàng Hoài Sơn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.