Đông Dương du ký - Bài 1: Lái chó xuyên quốc gia

08/09/2010 11:07 GMT+7

Sang tỉnh Boli Khamxay của Lào ở ngã ba Namthon, tôi chú ý đến những chiếc xe tải, trên thùng ngăn thành nhiều tầng, trong đó lèn đầy chó, rầm rập đổ về hướng thị trấn Lạc Sao. Đó là những lái chó xuyên quốc gia, họ gom chó từ Thái Lan, Lào, tập kết bên bờ sông Mê Kông, sau đó vận chuyển qua thị trấn Lạc Sao, vượt cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) về Việt Nam.

Kỹ nghệ lái chó

Nói đến lái chó, tôi chợt nhớ đến ông chủ quán Nhà sàn ở phố Trần Quốc Hoàn, Hà Nội. Chủ quán này chừng ngoài bốn mươi. Tôi nhận ra ông quê Thái Bình bởi giọng nói. Khi nói, ông uốn lưỡi chữ “R” và gọi thịt chó là thịt chóa:

- Thịt chóa muốn ngon, trước hết phải tìm được con chóa ngon.

- Làm sao ông biết được con chó nào ngon hay không ngon? -Tôi hỏi.

- Sờ cái biết ngay chứ. Con nào béo nhưng bụng nhèo nhẽo, đùi nhão nhão là chó quý tộc, chó thành thị, bỏ qua!. Con nào đùi rắn chắc, bụng thon, là chó trung du, chó đồng rừng. Loại này ngọt thịt, ít mỡ, mua!

Con nào mặt đần đần, mắt dài dại là chó Lào; con nào lông hung hung, trên lưng có xoáy tròn là chó Thái; con nào to béo, mặt dữ dằn hung ác là chó của nhà giàu; con nào gầy, nước mắt nó chứa chan nhìn mình như oán trách là chó nhà nghèo nông thôn…

...Câu chuyện của ông chủ quán ở phố Trần Quốc Hoàn hôm ấy khiến tôi chú ý đến đường dây lái chó xuyên quốc gia và muốn tìm hiểu việc gom chó, vận chuyển chó từ Thái, Lào sang Việt Nam như thế nào? Để thực hiện được ý đồ này, tôi đề nghị ông Nguyễn Trọng Đáng, Giám đốc Vinacomin Lào cho tôi được ở cùng phòng với ông Bun Hiêng.

Công nghiệp mộc tồn

Ông Bun Hiêng gần sáu mươi tuổi, học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện m nhạc Quốc gia) từ năm 15 tuổi; là học trò của Nhạc sỹ Đinh Quang Hợp. Suốt mấy chục năm trong đoàn văn công của Lào, ông Bun Hiêng theo đoàn đi biểu diễn khắp nước Lào và cả nhiều nước trên thế giới.

" Sờ cái biết ngay chứ. Con nào béo nhưng bụng nhèo nhẽo, đùi nhão nhão là chó quý tộc, chó thành thị, bỏ qua!. Con nào đùi rắn chắc, bụng thon, là chó trung du, chó đồng rừng. Loại này ngọt thịt, ít mỡ, mua! Con nào mặt đần đần, mắt dài dại là chó Lào; con nào lông hung hung, trên lưng có xoáy tròn là chó Thái; con nào to béo, mặt dữ dằn hung ác là chó của nhà giàu; con nào gầy, nước mắt nó chứa chan nhìn mình như oán trách là chó nhà nghèo nông thôn… "

Ông nói tiếng Việt như người Việt Nam nhưng không phân biệt được cách xưng hô với chị em. Là con gái, đáng tuổi em thì phải gọi là cô, hay em, đằng này ông gọi tuốt là “con”.

Ông khoe, thời học ở Nhạc viện Hà Nội, ông đã yêu hai “con”; một “con” quê Nam Định, một “con” nhà ở Cửa Nam. Năm ngoái, về hưu, ông hợp đồng lái xe cho Công ty Vinacomin Lào.

Bun Hiêng đi nhiều nên không lạ gì cảnh gom chó, vận chuyển chó sang Việt Nam. Ông giải thích, sở dĩ chó ở Lào, chó Thái Lan rẻ là bởi, dân các nước này họ không ăn thịt chó. Họ còn coi khinh, lên án những người buôn bán, giết thịt chó. Nhưng, theo ông Bun Hiêng, ở Lào hiện nhiều người đã biết ăn thịt chó. Nhưng họ không biết chế biến nên chỉ mỗi món duy nhất là nướng.

Trước đây, người Việt sang Lào, sang Thái gom chó chủ yếu là đổi chó lấy xà phòng, thuốc đánh răng, xoong nồi; nếu mua thì giá cũng rất rẻ. Ở bên Thái, giá chó còn rẻ hơn ở Lào. Người Thái bán chó theo con; con nhỏ dăm cân hay con to hàng yến đều đổ đồng dăm, bảy chục nghìn một con (quy ra tiền Việt). Những con chó mang đổi, hoặc bán cho người Việt là chó hư, hay cắn người, cắn gà, chạy rông hoặc chó già, mắc bệnh, thậm chí cả bệnh dại.

Những năm gần đây, người Việt đổ xô sang Lào, sang Thái mua chó nên giá chó ở Lào và Thái không còn rẻ như trước. Làng Ta Rae, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan nằm gần biên giới Thái –Lào, là vùng sâu, vùng xa nay nổi tiếng về ngành công nghiệp thịt chó. Tại Ta Rae, nuôi chó, lái chó và trộm chó trở thành phong trào.

Ở Thái, chó lang thang khắp làng mạc, đường sá. Ngày ngày, luôn có đội quân săn lùng chó khắp nơi. Thậm chí, họ còn rao mua chó trên loa phóng thanh. Gom được chó, số chó khỏe mạnh được chuyển tới các trại bên bờ sông Mê Kông, để chuẩn bị xuất cảnh sang Việt Nam.

Số chó ốm yếu, giết thịt, phơi khô, bày bán khắp nơi.


Một chủ quán cầy tơ đang chuẩn bị thực đơn 7 món . Ảnh: S.T

Những người tham gia đường dây thu gom và “xuất khẩu” chó lang thang ở Thái Lan, muốn đưa sang Việt Nam thường phải “lót tay” cho những quan chức địa phương ở nước này để đưa hàng đi không mất lệ phí, không phải làm thủ tục hải quan, và không bị kiểm tra giấy phép.

Hoạt động gom chó, trộm chó xuất khẩu ở Thái Lan được nhiều quan chức địa phương làm ngơ vì… giúp cho địa phương tống đi được một lượng chó lang thang khá lớn, vừa bớt được chi phí thu gom chó cho chính quyền địa phương, vừa giảm thiểu được nguy cơ lây lan bệnh dại.

Trạm trung chuyển xuyên quốc gia

Tại các trạm trung chuyển chó để chuẩn bị xuất cảnh sang Việt Nam nằm dọc sông Mê Kông, biên giới giữa Lào và Thái Lan, chó lại được phân loại. Con nào khỏe, được đưa lên xe, cho xuất cảnh ngay. Con nào yếu, nằm tại trạm, hưởng chế độ điều dưỡng.

Theo điều tra của cảnh sát Thái Lan, mỗi đêm có khoảng 1.000 con chó được thu gom, bí mật vận chuyển qua Lào. Như vậy, mỗi tháng làng Ta Rae xuất khoảng 30.000 con chó sang Lào, sau đó quá cảnh sang Việt Nam.

Hầu hết xe chở chó tại các trạm trung chuyển ở Lào đều gắn biển số 36 H … Sau này tôi mới biết, những chiếc xe chở chó mang biển số Thanh Hóa này đều tập kết tại làng Sơn Đông (xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Hơn 10 năm nay, Sơn Đông trở thành trạm trung chuyển chó lớn nhất miền Bắc, với số lượng lên tới hơn 100 tấn chó/tháng. Tại đây, chó có đủ các thành phần, mang quốc tịch Lào, Thái Lan, Campuchia và chó thu gom từ các tỉnh trong nước.

Đến khu tập kết, chó lại được phân loại. Con nào khỏe, mang ra Hà Nội, sang Trung Quốc tiêu thụ; con nào ốm yếu được hưởng chế độ điều dưỡng; con nào chết hẳn, thịt luôn.

Ước tính, hiện nay, cả làng có tới hơn 30 hộ đi buôn chó, thu hút khoảng 300 nhân công. Ai có vốn thì mở trại, nhà nào túng bấn hơn thì cho vợ con đi nấu cơm thuê, đi bắt chó, dọn chuồng.... Dọc tuyến đường liên xã, rất nhiều những ngôi nhà cao tầng, nguy nga. Đó là nhà của những người lái chó.

Để tổ chức nghề lái chó lại một cách quy củ, đầu năm 2005, xã Thành Lộc đã quy hoạch 1,1 ha khu chuồng nhốt chó tập trung, xây dựng hệ thống xử lý chất thải tách biệt với khu dân cư để chính quyền tiện trong việc quản lý, ban hành các quy định về an ninh, trật tự, giữ gìn vệ sinh trong hoạt động buôn bán chó.

Tôi viết bài này đúng vào lúc căn bệnh rối loạn mỡ máu, bệnh gút đang hoành hành và người ta gọi là bệnh nhà giàu. Bác sỹ kết luận, đó là hậu quả do tôi ăn quá nhiều thực phẩm giàu đạm như thịt chó, lòng lợn tiết canh. Bất chợt, tôi rùng mình khi nhớ lại những quán thịt chó, quán lòng lợn tiết canh khắp đất nước này mà tôi đã ăn uống lu bù suốt những tháng năm qua..

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.