Chưa thể vay vốn rẻ

09/09/2010 05:20 GMT+7

Dự báo cuối năm, nhu cầu vay vốn sẽ sôi động hơn nhưng khả năng vay vốn cũng vẫn khó hơn năm ngoái vì đã chấm dứt chính sách kích cầu.

Cuối quý III là thời điểm doanh nghiệp (DN) chuẩn bị tính chuyện vay vốn cho mùa sản xuất, kinh doanh sôi động nhất trong năm. Đây là thời điểm kinh tế phục hồi sau khủng hoảng, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt chỉ tiêu đề ra là trên 6,7% nên dự kiến nhu cầu vốn cuối năm sẽ sôi động hơn.

Cung - cầu không gặp nhau
 
Nhưng trái ngược với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng lại khá chậm trong 6 tháng đầu năm và đến nay chưa thấy dấu hiệu tăng tốc. Tính đến ngày 31-7, tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống mới đạt 12,97%, trong khi hạn mức tín dụng cả năm là 25%.
 
TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước, phân tích: Nhu cầu vốn trong thực tế có tăng nhưng tăng trưởng tín dụng thấp vì cung - cầu chưa khớp nhau. Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, nguồn vốn tín dụng ít trong khi nhu cầu vay vốn tăng cao. Thứ hai, có những DN cần vay vốn nhưng không được đáp ứng vì không đủ điều kiện cho vay. Thứ ba, DN đủ điều kiện vay, NH cũng sẵn sàng vốn nhưng DN không vay vì lãi suất cao. Cho nên nguồn vốn cuối năm căng thẳng không chỉ do thiếu vốn cục bộ chỗ này chỗ kia mà còn do lãi suất cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất chưa thể giảm xuống mức 10%/năm huy động và 12%/năm cho vay vì thị trường vẫn lo ngại lạm phát. Người gửi chờ lãi suất tăng, người vay lại chờ lãi suất giảm mới giao dịch. Vì thế, dòng tiền vẫn luẩn quẩn, chưa chịu vào ngân hàng.

 
Liên tục từ năm 2009 đến nay, đường cong lãi suất vẫn chưa trở về bình thường vì kỳ hạn huy động ngắn áp đảo kỳ hạn dài. TS Kiêm nhấn mạnh: Điều này phản ánh hiện tượng méo mó hoạt động của NH trên thị trường và trong chính sách tiền tệ, làm giảm tác dụng của đòn bẩy lãi suất. Chính sách tín dụng của các NH vẫn mang tính chất tình thế nhiều hơn, khó huy động thì đưa lãi suất kỳ hạn ngắn lên cao để “vơ” được vốn đáp ứng tính thanh khoản. Trong cơ cấu tiền gửi, tỉ lệ không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn luôn áp đảo kỳ hạn dài nên NH buộc phải dự trữ thanh toán lớn hơn. Do đó thiếu chủ động nguồn vốn cho vay dài hạn, chỉ có thể cho vay ngắn hạn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, NH phải lấy vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ tiềm ẩn rủi ro cao khi người gửi đồng loạt rút tiền.
 
Dòng tiền luẩn quẩn
 
Từ tháng 6 đến nay, sức ép giảm lãi suất cho vay ngày càng rõ, kể cả theo mệnh lệnh hành chính của Thủ tướng Chính phủ và theo nhu cầu vốn của các DN. Thế nhưng lãi suất vẫn chưa giảm như kỳ vọng. Theo NH Nhà nước, tính đến thời điểm tháng 8 vừa qua, lãi suất huy động bình quân của NH thương mại Nhà nước là 10,56%/năm, của NH thương mại cổ phần là 10,86%. Một số NH còn áp dụng các hình thức khuyến mãi để thu hút tiền gửi như tiết kiệm dự thưởng, bốc thăm trúng thưởng, tặng thẻ cào... Lãi suất cho vay bình quân của hai khối này tương ứng là 13,2% và 14,25%/năm. Cuối tháng 8, lãi suất huy động trên thị trường còn có xu hướng nhích lên đến mức hơn 11%/năm kèm nhiều chương trình khuyến mãi.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất chưa thể giảm xuống mức 10%/năm huy động và 12%/năm cho vay vì thị trường vẫn lo ngại lạm phát. Người gửi chờ lãi suất tăng, còn người vay lại chờ lãi suất giảm mới giao dịch. Vì thế, dòng tiền vẫn luẩn quẩn, chưa chịu vào NH.
 
Một số chuyên gia kinh tế dự báo: Có thể lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới vì đến thời điểm này đã đủ cơ sở để dự báo CPI cả năm chỉ dừng ở 7% đến dưới 8%, thấp hơn mức dự báo từ đầu năm. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế khác cũng đều thuận lợi: nhập siêu giảm, dự kiến cả năm đạt mức 18%-19% so với kim ngạch nhập khẩu, bội chi ngân sách giảm nhẹ cũng là yếu tố tác động để giảm lãi suất. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng khả năng giảm mạnh là rất khó vì thực tế vừa qua cho thấy nhiều NH nhỏ đã tăng lãi suất huy động so với mặt bằng chung nhưng vẫn không huy động được nhiều vốn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.