Chơi đồ chơi truyền thống là sự trao truyền văn hoá

20/09/2010 14:26 GMT+7

Sự kết tinh văn hoá trong đồ chơi truyền thống tuy không thể phủ nhận, song đang bị lãng quên khi những đồ chơi, trò chơi này đang được ít chơi dần trong xã hội.

Chúng tôi trao đổi với GS-TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian - về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đưa trò chơi, đồ chơi truyền thống vào đời sống gia đình, xã hội. 

Có một xu hướng là, ngay cả nhiều người có ý thức về việc lựa chọn đồ chơi trẻ em cũng không lựa chọn đồ chơi truyền thống, trò chơi truyền thống. Thay vào đó, họ mua đồ chơi hiện đại, kể cả các đồ chơi bạo lực. Ông đánh giá hiện tượng này như thế nào?

- Ý nghĩa văn hoá của đồ chơi dân gian thể hiện bản sắc dân tộc. Còn về khía cạnh trí tuệ, đồ chơi dân gian truyền thống cũng kết tinh trí tuệ, kết tinh lối tư duy rất rõ. Tôi còn nhớ từng có giải Nobel Kinh tế, mà khi viết tác phẩm đó tác giả chịu ảnh hưởng rất nhiều của lý thuyết trò chơi. Điều đó chứng tỏ trong trò chơi, người ta được học cách tư duy rất nhiều. Liên hệ và suy cho cùng những trò chơi của dân gian ta cũng có thể ứng dụng trong làm ăn kinh tế. Chẳng hạn, mèo vờn chuột, bịt mắt bắt dê rồi những trò giả như dương đông kích tây... Lối tư duy đó chính là những kết tinh trí tuệ. Nên chơi không còn đơn thuần là chơi nữa, mà chính là học tư duy.

Còn nữa, về góc độ xã hội, có thể thấy rất rõ tính độc lập của trẻ em nước ta còn yếu. Một phần có thể do các bà mẹ ôm ấp con quá nhiều và trẻ còn yếu về kỹ năng làm việc nhóm nữa. Và nếu nối với những đồ chơi, trò chơi truyền thống ta sẽ thấy việc thiếu thốn những kỹ năng trên cũng là do những bài học sống còn chưa đủ. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu cho trẻ chơi những trò chơi dân gian, đồ chơi truyền thống thường xuyên thì những yếu kém này có thể khắc phục được. Những trò chơi như rồng rắn, chồng nụ chồng hoa, ô ăn quan... hoàn toàn có thể giúp hoàn thiện sự linh động của bản thân bên cạnh sự phối hợp nhóm. Rước đèn ông sao cũng vậy, trẻ đi thành đoàn...

Chưa kể, đồ chơi truyền thống, trò chơi truyền thống còn rẻ tiền hơn những đồ chơi hiện đại rất nhiều.

Và chơi đồ chơi truyền thống còn là sự tiếp nối truyền thống, bản sắc văn hoá nữa. Xin ông phân tích kỹ hơn về điều này?

- Khi một đứa trẻ sinh ra, bé phát triển rồi nhập thân, học nói, học thích nghi với tập quán... Đó chính là quá trình trao truyền văn hoá. Tới tuổi trưởng thành nó tiếp nhận được nền văn hoá của dân tộc: Từ đường ăn đến nết ở. Đó chính là sự nhập thân văn hoá - từ đó văn hoá dân tộc mà cha ông đã truyền lại để truyền tiếp cho thế hệ sau - điều này vô cùng quan trọng.

Cách đây chục năm, tôi được dự một hội thảo quốc tế với chủ đề lúc đó vô cùng lạ: Dân tộc học trẻ em. Hội thảo cảnh báo hiện tượng trẻ em của xã hội hiện đại có nguy cơ chưa trở thành dân tộc đã bị quốc tế hoá, chưa kịp thấm nhuần văn hoá dân tộc đã bị hòa lẫn vào thế giới rồi. Điều đó rất nguy hiểm. Hội thảo khuyến nghị khi giáo dục trẻ nên đưa càng nhiều càng tốt yếu tố dân tộc vào, vì quốc tế hoá chỉ lành mạnh khi dựa trên nền tảng dân tộc.

Quay lại câu chuyện đồ chơi truyền thống - nó là một khía cạnh thôi, nhưng nó nói lên câu chuyện lớn hơn là giáo dục truyền thống cho trẻ. Một đứa trẻ lơ mơ về văn hoá của chính dân tộc mình sẽ bị những làn sóng văn hoá quốc tế cuốn đi. Đó là một cảnh báo trong thế giới  hiện đại. Bởi đồ chơi không chỉ là câu chuyện chơi thuần túy, mà chính là chuyện trao truyền văn hoá, nhập thân văn hoá. Chưa kể nhờ đó, khi chơi, trẻ học dần cách làm theo luật lệ. Tất cả những điều đó sẽ hình thành nhân cách trẻ.

Theo ông, chúng ta phải làm gì để giữ gìn trò chơi, đồ chơi truyền thống?

- Trẻ em khi đi nhà trẻ đã có thể học chơi những đồ chơi dân gian ngay được rồi. Đó là một môi trường tốt và đương nhiên cần sự hợp tác giữa gia đình - nhà trường. Chủ trương của Nhà nước là rất quan trọng. Hiện nay, việc chơi trò chơi truyền thống, đưa vào hay không vẫn là chuyện tùy trường. Nhưng điều này rất nguy hiểm bởi nó dễ dẫn đến đứt gãy văn hoá. Đằng sau đồ chơi còn những chuyện nghiêm túc hơn. Vấn đề nằm ở chỗ nhiều người có trách nhiệm như giáo viên, nhà quản lý chỉ nghĩ đấy là trò chơi mà chưa ý thức được vấn đề đó. Tôi nghĩ, thay đổi bắt đầu từ việc những người có quyền quyết định nhận thức lại về tầm quan trọng của những trò chơi này.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.