Nỗ lực cứu dân trong lũ dữ

05/10/2010 14:17 GMT+7

*32 người chết và mất tích * Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên kêu gọi cứu trợ * Báo Thanh Niên cứu trợ khẩn cấp các gia đình có người tử vong

(TNO) Ngày 5.10, một số nơi ở khu vực miền Trung vẫn bị nước lũ chia cắt, nhiều nơi lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận được. Theo thống kê đã có 32 người chết và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập trong nước lũ...

Đã có 9 người chết do mưa lũ tại Hà Tĩnh

Trong mấy ngày Hà Tĩnh chìm trong biển nước, hàng vạn hộ dân tại các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quan bị cô lập, mọi phương tiện đi lại tê liệt, người dân thấp thỏm chờ cứu trợ.


Các xã: Hương Giang, Hương Thủy, Phương Mỹ… chìm ngập trong nước

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh, mực nước lũ đang có

Tính đến 21 giờ 30 ngày 5.10, đã có 32 người chết và mất tích. Cụ thể:

+ Hà Tĩnh: 9 người chết
+ Quảng Bình: 11 người chết và mất tích 
+ Quảng Trị: 3 người chết
+ Thừa Thiên - Huế: 1 người chết
+ Nghệ An: 8 người chết

hiện tượng dâng cao ở các vùng miền núi, mưa to gây lũ lớn và nhấn chìm 5 xã của huyện Cẩm Xuyên, các con đường lớn ở TP Hà Tĩnh bị ngập sâu. Hiện mưa lũ ở tỉnh này đang diễn biến phức tạp.

Đến sáng 5.10, ở H.Hương Khê vẫn còn 17/22 xã, gần 17.000 người dân bị nước lũ chia cắt, cô lập. Công tác cứu trợ đang được triển khai ở mức độ cao nhất. Riêng các xã: Hương Thủy, Hương Giang, nhất là Phương Mỹ bị cô lập (90% dân cô lập). Hàng ngàn thùng mì tôm, nước uống đã được cứu trợ gấp đến người dân.


Toàn bộ gần 2.500 nhân khẩu xã Hương Giang, huyện Hương Khê đang ngóng chờ cứu trợ

Cũng trong sáng nay, lực lượng cứu trợ: Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tập trung nhân lực, tàu thuyền, mì tôm, nước uống... đến chi viện cho 17/22 xã bị cô lập. Theo đó, mỗi xã cơ bản nhận được từ 1.000 thùng mì tôm/mỗi chuyến. Nhiều thôn xóm như xóm 1, 3, 6, xã Phương Mỹ nhiều nơi tàu, thuyền vẫn không thể đến cứu trợ tận tay cho người dân.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên, tối qua đến chiều nay 5.10, 5 xã bị cô lập gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vinh, Cẩm Vịnh, Cẩm Mỵ; gần 4.000 dân có nhà ngập sâu trong nước. Công tác di dời dân ở 5 xã trên đang được triển khai khẩn trương. Tuyến đường cứu hộ cứu nạn hồ Kẻ Gỗ qua xã Cẩm Mỵ bị ngập sâu từ 3-5m.


Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực hết mình cứu trợ cho người dân hai xã: Phương Mỹ, Hương Giang

Sáng 5.10, ở Hà Tĩnh lại có một trường hợp ở huyện Đức Thọ chết do bị lũ cuốn, nâng số người chết do mưa lũ lên 8 người. Trước sự nỗ lực tìm kiếm của các chiến sĩ ở Tỉnh đội Hà Tĩnh, 7 giờ sáng nay, xác của anh Đoàn Trọng Giáp đã được tìm thấy; thi thể cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên trường Mầm non xã Hương Thủy cũng đã được tìm thấy.

Tính đến 21 giờ hôm nay, số người chết ở Hà Tĩnh đã lên 9 người.

Tại huyện Vũ Quang, 7/12 xã với hơn 800 hộ dân ngập hoàn toàn, 1.800 hộ dân đang bị cô lập. Công tác cứu trợ, khắc phục lũ đang được huyện này triển khai. Theo người dân nơi đây, mối lo ngại lớn nhất là cứu trợ về lương thực, họ bị biệt lập hoàn toàn với điều kiện bên ngoài.

Đến sáng nay, hồ thủy điện Hố Hô đã xả lũ được cửa số 1 và số 3, còn cửa số 2 thì hệ thống thủy lực bị hư hỏng nặng đang được tiến hành khắc phục.

Để khắc phục khó khăn trong lũ, UBND huyện Hương Khê đang đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cấp 10 tấn mì tôm, 1.000 thùng nước, 150 lít thuốc khử khuẩn, 2 tấn CloraminB... (Trương Hoa)

Ngay trong ngày hôm qua, Đoàn Công tác xã hội Báo Thanh Niên đã có mặt tại Quảng Bình để triển khai công tác cứu trợ. Trước mắt, Báo Thanh Niên giúp đỡ cho gia đình mỗi người bị thiệt mạng trong trận lũ này 3 triệu đồng. Trong ngày hôm nay, lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS HCM và Đoàn Công tác xã hội Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN VN các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh tìm mọi cách tiếp cận để cứu trợ những vùng khó khăn nhất.

Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên thiết tha kêu gọi quý bạn đọc, những đơn vị, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương” cùng nhau chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua hoạn nạn này.

Mọi đóng góp xin vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM: 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM, ĐT: (84.8) 38394046 - 39322026 - 38332955

- Tòa soạn tại Hà Nội: Tầng 2, số nhà 17, ngõ 167 Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội, ĐT: (84.4) 38570981 - 62755310

- Văn phòng đại diện đông Bắc Bộ: 41B Cát Cụt, Q.Lê Chân, TP Hải Phòng, ĐT: (031) 6256625

- Văn phòng đại diện khu vực bắc Trung Bộ: 1 Nhà Thờ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ĐT: (037) 3855748

- Văn phòng đại diện miền Trung: 144 Bạch Đằng, TP Đà Nẵng, ĐT: (0511) 3824231

- Ban đại diện khu vực Tây Nguyên và nam Trung Bộ: 22 Hùng Vương, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ĐT: (063) 3827807

- Văn phòng đại diện khu vực trung Trung Bộ và bắc Tây Nguyên: 133 Lê Lợi, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ĐT: (056) 3824142

- Văn phòng đại diện tại Nha Trang: Nhà A3, chung cư 26 Hai Bà Trưng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ĐT: (058) 3819306

- Ban đại diện đồng bằng sông Cửu Long: 99 Trần Văn Hoài, TP Cần Thơ, ĐT: (0710) 3825244

Báo Thanh Niên sẽ nhanh chóng chuyển đến tận tay bà con vùng lũ tấm lòng quý báu của bạn đọc gần xa.

Thanh Niên

Ngừng chạy 6 chuyến tàu Thống Nhất xuất phát từ ga Hà Nội

Trước tình hình mưa lớn kéo dài gây ngập và sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngày 4 và 5.10, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (TCTĐSVN) đã quyết định ngừng chạy 6 chuyến tàu Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và sẽ hoàn trả 100% tiền mua vé cho khách hàng.

 
Sơ tán dân - Ảnh T.Q.Nam

Ông Vũ Đình Rậu - Trưởng ga Hà Nội cho biết, ngày 4.10, TCTĐSVN đã ngừng chạy 2 chuyến tàu mang số hiệu SE7, SE5 (có giờ xuất phát tại Hà Nội lần lượt vào lúc 5 gio 15, 12 giờ 25). Đến ngày 5.10, TCT tiếp tục ngừng chạy 4 chuyến tàu mang số hiệu SE5, SE7, SE3 (khởi hành lúc 23 giờ), HN1 (khởi hành lúc 19 giờ 30) và chuyển giờ khởi hành của tàu SE1 vào lúc 19 giờ sang chạy lúc 23 giờ đêm nay. 

Tính đến 16 giờ ngày 5.10, mưa lũ đã làm 14 người chết, trong đó Nghệ An 4 người (2 người bị lũ cuốn trôi, 2 người bị sét đánh); Hà Tĩnh 2 người bị lũ cuốn trôi; Quảng Bình 5 người bị lũ cuốn trôi; Quảng Trị 3 người (1 cháu bé chết do gia đình bất cẩn dẫn đến rơi xuống nước bị chết đuối, 2 người lớn là vợ chồng bị nước xói lở gây sập nhà chết). Số người mất tích 5 (Nghệ An 3 người do tàu bị chìm, Hà Tĩnh 2 người); bị thương 4 người (Hà Tĩnh 1, Quảng Trị 2, Quảng Bình 1) và gần 62.000 ngôi nhà bị ngập. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã di dời 5.154 hộ dân từ các vùng ngập sâu, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo TCTĐSVN, từ ngày 2 - 5.10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với vùng áp thấp và nhiễu động gió đông trên cao đã gây ra mưa to và rất to tại khu vực miền Trung, làm nhiều đoạn đường sắt bị hỏng nặng. Điển hình nhất là vào lúc 16 giờ 10 ngày 4.10, mưa lớn đã làm sạt mái ta luy, khoảng 20m3 đất, đá đã lấp đoạn đường sắt tại km 520+200 (thuộc khu gian Phúc Tự - Đồng Hới).

Sau đó, mưa to khiến sạt lở toàn bộ kè chắn đá và đường sắt tại km 478 + 050 đến km 478 + 080 (khu gian Lệ Sơn - Minh Lệ). Nước lũ đã cuốn trôi đá 1 cầu ray, gây ngập trên đỉnh ray từ km 506 + 500 đến 506 + 800 (khu gian Thọ Lộc - Hoàn Lão) trên 1.000 mm. Ngành đường sắt phải cấm tàu chạy qua khu vực này. Tại km 489 + 900 (khu gian Ngân Sơn - Thọ Lộc), khoảng 30m ta luy bị sạt lở vào đường sắt, có điểm cao đến 1m, lượng đất đá đổ vào đường sắt khoảng 40m3...


Người dân mang vật dụng ra khỏi vùng ngập - Ảnh T.Q.Nam

Đến rạng sáng 5.10, mưa to tiếp tục gây ngập và sạt lở hơn 10 điểm đường, nhiều điểm bị trôi ray trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Toàn bộ giao thông đường sắt và đường bộ trong khu vực mưa lũ bị tắc nghẽn, không thể lưu thông.


Nhiều căn nhà nước ngập lên tới gần mái - Ảnh T.Q.Nam

Hiện nay, các đơn vị đường sắt đang huy động nhân lực, vật tư thiết bị tập trung cứu chữa, khắc phục các điểm hư hỏng để có thể thông tàu sớm nhất. Đối với các hành khách bị mắc kẹt tại các ga do tắc đường, ngành đường sắt đã dự trữ đủ thức ăn, nước uống để cung cấp cho hành khách. Ngành đường sắt cũng chuẩn bị đủ ôtô để sẵn sàng chuyển tải hành khách, nhưng do QL1A và đường Hồ Chí Minh cũng đang ngập, đe dọa mất an toàn nên chưa thể thực hiện ngay. (TTXVN)

Quảng Bình: Huy động trực thăng cứu hộ nhưng bất thành

Hôm nay, lực lượng cứu nạn huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) tiếp tục gồng mình dưới mưa gió và lũ cuộn để cứu người dân.

Theo báo cáo của UBND huyện Quảng Trạch, toàn bộ 34 xã, thị trấn chìm trong nước lũ, nhiều nơi nước ngập tới nóc nhà.

Đặc biệt là thị trấn Ba Đồn cũng ngập chìm trong biển nước, người dân ở đó cho biết, lần ngập này chưa từng thấy trong lịch sử.

Một người dân ở xã Quảng Tiên vẫn mất tích, có 3 tàu cá và 1 xà lan bị chìm.


Tiếp ứng cứu dân - Ảnh: T.Q.Nam

Do không lường trước sự bất thường trên, nên hầu hết người dân đều bị bất ngờ. Hiện hàng ngàn người không có nước uống, thức ăn.

Phòng trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện cho hay, trong đêm 4 rạng ngày 5.10 có rất nhiều cuộc điện thoại kêu cứu của người dân và chính quyền địa phương vùng lũ và từ các tỉnh thành khác gọi đến nhưng không có cách nào khác, chỉ động viên bà con chịu đựng, do phương tiện có hạn trong khi mưa gió mạnh và nước chảy xiết.


Người dân bấu víu vào mái nhà chờ cứu hộ

Sáng nay, PV Thanh Niên Online đã có mặt trên xuồng cứu nạn của Ban Chỉ huy Quân sự huyện đến vùng ngập lũ Quảng Phong.

Cả xã chìm trong biển nước. Xuồng bật còi hụ để báo động cho bà con biết mà ra hiệu cho lực lượng cứu nạn. Hàng trăm cánh tay chấp chới giơ lên, nhiều người phải trèo lên mái nhà chờ đợi.

Trước đó, tình hình quá nguy cấp nên huyện đã cầu cứu lên trên. Phương án dùng máy bay trực thăng nhanh chóng được triển khai nhưng sau khi khảo sát tìm địa điểm thì đành bất lực bởi sân vận động Ba Đồn chìm trong nước, và cũng không có một vị trí nào có thể đậu.


Hai ông bà già được tìm thấy trên mái nhà đang được lực lượng cứu hộ ứng cứu


Đưa người dân về thuyền cứu hộ


Đường phố Ba Đồn, H.Quảng Trạch biến thành sông

Thêm nữa trời mưa gió rất to. Lãnh đạo huyện Quảng Trạch cho biết, có thể xe lội nước sẽ được điều động để cứu dân.

Được biết, một đoàn công tác của Quân khu 4 cũng bị mắc kẹt trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Quảng Hưng. (Trương Quang Nam)


Lực lượng cứu hộ dầm mình trong nước lũ giúp dân

Quảng Trị đề nghị hỗ trợ gạo khẩn cấp 

Từ rạng sáng đến hơn 12 giờ trưa nay (5.10), trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã không còn xảy ra mưa lớn, mực nước ở các sông Ô Lâu, Bến Hải, Thạch Hãn đang rút chậm nhưng vẫn ngấp nghé báo động II.

Theo tính toán của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh thì lượng mưa trên địa bàn trong 5 ngày qua bằng với lượng mưa trong 9 tháng đầu năm.

Hiện vẫn còn 52 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt với số lượng trên 10.000 hộ dân (trong đó ngập từ 0,5m đến trên 1m là 6.922 hộ).

Hiện đã có 4.000 hộ dân được sơ tán đến nơi an toàn và chỉ còn chờ nước rút hết để về nhà.

Cũng vì lý do ngập lụt, nhiều học sinh trong địa bàn tỉnh phải nghỉ học, nhiều nhất là ở huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị…


Nước ở các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rút rất chậm

Theo thống kê lúc 9 giờ sáng nay toàn tỉnh có 50 ngôi nhà dân, nhà công cộng bị sụp đổ, tốc mái; 550 ha lúa bị thiệt hại; 1.500 ha hoa màu bị ngập úng…

Về giao thông, từ đêm 4.10, tất cả những tuyến quốc lộ như đường 9, đường 14 (nối H.Đakrông và H.A lưới, Thừa Thiên - Huế) đã cơ bản thông. Ông Hồ Văn Ngơn, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt - xã gần cuối tuyến đường thuộc địa phận Quảng Trị - xác nhận thông tin này.

Tuy vậy, ông Ngơn cũng cho biết thêm, đường thông nhưng do khối lượng đất đá quá lớn nên chỉ mới được gạt sang một bên và chưa giải tỏa đường được 100%. 

Riêng tuyến đường Hồ Chí Minh (từ H.Hướng Hóa ra Quảng Bình), đặc biệt tại đoạn qua đèo Sa Mù và đường từ xã Tà Rụt vào xã A Vao vẫn chưa có biến chuyển gì mới, tức là những người dân sống ở các khu vực này còn đang bị cô lập với bên ngoài.


Đến sáng 5.10, tại phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, nhiều nhà dân vẫn còn bị ngập

Tại xã Triệu Nguyên (H.Đakrông), sau gần 2 ngày bị cô lập với bên ngoài vì nước lũ thì đến sáng 5.10, đoàn kiểm tra của UBND huyện cũng đã vào được trong xã theo đường bộ.

Riêng “chiến khu xưa” Ba Lòng, ông Cao Xuân Ga, Chủ tịch UBND xã cho biết qua điện thoại rằng: “Khoảng trong chiều nay là có thể thông đường, nhưng điều đáng lo nhất là lượng bùn đổ về quá kinh khủng, có nơi lên tới 0,5m nên việc dọn dẹp sẽ gặp khó khăn”.


Ông Lê Văn Sỹ (trú khu phố 1, phường Đông Giang, TP Đông Hà) dọn dẹp lại nhà cửa khi nước bắt đầu có dấu hiệu rút

Để sớm khắc phục những hậu quả do bão lũ gây ra, đồng thời nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, Phó Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh vừa gửi văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư trình Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Quảng Trị 1.500 tấn gạo và 3.000 áo phao cứu sinh. Đây là số hàng có thể nói là “quý hơn vàng” với người dân vùng lũ Quảng Trị lúc này.

Trong khi đó, công tác cứu trợ vẫn đang được các cơ quan hữu quan bàn bạc và có thể sẽ triển khai thực hiện trong chiều nay hoặc ngày mai. (Nguyễn Phúc)

Hà Tĩnh: Hàng vạn học sinh phải nghỉ học

Ngày 5.10, ông Lê Ngọc Minh, Trưởng phòng giáo dục huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: Phòng giáo dục huyện Hương Khê đã cho khoảng 3 vạn học sinh và hàng ngàn giáo viên nghỉ học, chờ khi nào nước lũ rút mới tiến hành cho học sinh đến trường lại.

Trong những ngày qua, diễn biến mưa, lũ bất thường đã làm cho huyện Hương Khê chìm trong biển nước. Toàn huyện có hơn 20 xã bị ngập nước, các trường tiểu học, THCS đóng trên địa bàn xã đều bị ngập sâu trong nước.

Theo thống kê của Phòng giáo dục huyện, đã có 23 trường học bị ngập lụt, hàng trăm mét tường rao bao quanh trường bị đổ sập, nhiều trường học nước ngập sâu hơn 4m, toàn bộ các thiết bị, sách vở, đồ dùng dạy học của các trường học đều bị nước làm ngập và hư hỏng nặng.

Tại xã Phương Mỹ, hai trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS nước ngập sâu hơn 5m làm sập và hư hỏng hệ thống tường rào bao quanh và làm hư hỏng hoàn toàn đồ dùng, dụng cụ, đồ mỹ thuật các trường mầm non...

Tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Thạch Hà mưa lớn cũng đã làm ngập nhiều trường học và làm hư hỏng hệ thống tường rào, đồ dùng giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Thầy Trần Sỹ Quyền, Trưởng Phòng giáo dục huyện Vũ Quang nói: Mưa to kèm theo lũ đã làm ngập 13 trường học trong toàn huyện, nước ngập sâu đã làm sập nhà ăn trường mầm non xã Đức Bồng. Rất nhiều trường hệ thống nhà xe, tường rào bao quanh đều bị đổ. Hiện nay, Phòng giáo dục huyện Vũ Quang chỉ đạo gần 6.000 học sinh và hàng ngàn giáo viên tạm thời nghỉ học chờ nước rút mới đến trường.

Áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa từ Nghệ An đến Quảng Trị

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hồi 10 giờ sáng nay 5.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,7 đến 18,7 độ vĩ bắc; 109,6 đến 110,6 độ kinh đông, cách bờ biển Quảng Trị - Thừa Thiên Huế khoảng 280km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển rất chậm về phía bắc.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kết hợp với đới gió đông bắc mạnh nên vùng biển vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

T.Dũng

>> Tiếp tục cập nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.