Bí ẩn chiếc J-20 của Trung Quốc

19/01/2011 13:05 GMT+7

(TNTS) Trong vài ngày qua, hình ảnh chiếc J-20, được cho là chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Trung Quốc lộ diện, khiến cư dân trên mạng internet và các phương tiện truyền thông bàn tán khá nhiều.

Thực hư những bức ảnh

Báo điện tử Newsru, Nga ra ngày 6.1.2011 viết: Theo một vài nguồn tin, Trung Quốc đã tự chế tạo hình mẫu chiếc máy bay thế hệ thứ năm, ứng dụng công nghệ Stels (tàng hình). Chiếc máy bay này có thể cất cánh trong nay mai.

Trên trang nhất của mình, báo Vzglyad, Nga còn đưa tin cụ thể hơn: Trung Quốc đã chế tạo xong chiếc Stels tiêm kích J-20, hình mẫu của máy bay thế hệ thứ năm. Đây là thông tin mà ông Adrei Chan, Tổng biên tập báo Kanwa (Hồng Kông) chuyên về phân tích thông tin quân sự khẳng định. Theo Vzglyad, chiếc J-20 hiện ở tại khu vực Đô Giang, tỉnh Tứ Xuyên và đang được tiến hành thử nghiệm trên mặt đất. Nếu thời tiết thuận lợi nó sẽ cất cánh trong vài ngày tới.

Cũng cần nói thêm, những hình ảnh đầu tiên của chiếc máy bay tàng hình (cách gọi khác của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm) đã xuất hiện trên internet vào cuối tháng 12.2010. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ nguồn gốc của các bức ảnh này và tính xác thực của chúng. "Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận gì về những bức ảnh gây chấn động này", báo Vesti, Nga viết.

Newsru bình luận, trong khi Trung Quốc kiểm soát các phương tiện truyền thông của mình khá nghiêm ngặt, còn hình ảnh chiếc J-20 được một vài website của Trung Quốc đăng tải khá cởi mở, thì dường như là sự cởi mở đó có chủ đích. Một số nhà quan sát quân sự cũng đồng ý với bình luận này.

Còn ấn bản The Wall Street Journal của Mỹ tiến hành một cuộc thăm dò với một số chuyên gia quân sự và nhận được câu trả lời: Các hình ảnh đó dường như là thật. Một vài chuyên gia sau khi xem kỹ các tấm ảnh còn nói: Thông qua các dấu hiệu trong đó có thể thấy chỉ trong vài tuần nữa là chiếc J-20 cất cánh, thậm chí là chỉ trong vài ngày tới. Song các chuyên gia quân sự Mỹ cũng khẳng định, đây mới chỉ là mô hình thử nghiệm máy bay thế hệ thứ năm, còn để thiết kế hoàn chỉnh chiếc tiêm kích "Stels" thì với Trung Quốc còn phải mất thêm nhiều năm nữa.


Ảnh chiếc J-20 được phát tán trên mạng internet

Dù có thế nào đi nữa, các hình ảnh được cho là chiến đấu cơ thế hệ thứ năm cũng gây sự quan ngại cho thế giới, đặc biệt là Nga và Mỹ - hai cường quốc đã và đang hoàn chỉnh các máy bay cùng loại của mình. "Rất có thể Trung Quốc sẽ sớm giành ưu thế quân sự tại phía khu vực Tây của Thái Bình Dương", báo The Guardian, của Anh viết. Việc quân đội Trung Quốc được trang bị vũ khí khí tài công nghệ cao sẽ là "trở ngại lớn" cho hạm đội của Mỹ mỗi khi muốn biểu dương sức mạnh tỏ ý ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) và tại một số khu vực khác lân cận với đất nước đông dân nhất thế giới.

The Guardian viết: Trong ảnh là hình mẫu chiếc J-20 ở thời điểm đang đậu trên đường băng và cho thấy chiếc chiến đấu cơ này của Trung Quốc sẽ cất cánh sớm hơn so với các dự báo trước đây". Rất có thể ảnh được trích xuất từ máy quay của truyền hình gần với học viện hàng không tại Đô Giang. Không ai rõ tác giả của bức ảnh, nhưng nó xuất hiện vào thời điểm khá nhạy cảm, khi mà ông Obama và ông Hồ Cẩm Đào chuẩn bị gặp nhau để thu hẹp những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, The Guardian bình luận.  


T-50

Thực chất là thế hệ 4+

Ông Adrei Chan, Tổng biên tập báo Kanwa còn cho phóng viên hãng thông tấn ITAR-TASS Nga biết, chiếc J-20 do Trung Quốc tự thiết kế và sử dụng động cơ WS-10 cải tiến do chính nước này sản xuất. Máy bay có các tính năng "rất ấn tượng" và điều này cho thấy trong một thời gian ngắn, ngành thiết kế máy bay của Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ rất lớn.

Theo mô tả của ông Andrei Chan, tuy thông tin bàn tán về chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, nhưng chiếc J-20 "chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của chiếc T-50 (Sukhoi PAK-FA của Nga) hay chiếc F-22 Raptor (Mỹ)". Những điểm yếu của J-20 mà Chan nêu ra gồm có: Động cơ chưa đủ mạnh nên chưa thể đạt đến tốc độ siêu thanh. Hệ thống radar chưa hoàn thiện và công nghệ Stels (tàng hình) chưa đáp ứng với yêu cầu. Theo đánh giá của ông Chan, chiếc J-20 thực chất mới đạt tầm của chiến đấu cơ thế hệ 4+. Sau đó nếu hoàn thiện, cải tiến được động cơ, hệ thống radar… thì mới có thể nâng cấp nó lên thế hệ thứ năm. Dù vậy, chiếc chiến đấu cơ mới của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất chiến đấu cơ của Nga trên thị trường thế giới. Bởi, Trung Quốc thường có giá thành sản xuất thấp hơn của Nga.


F-22

Đây không phải lần đầu tiên sự cạnh tranh nêu trên được đề cập. Bởi trong 10 năm qua Trung Quốc đã tiếp cận với công nghệ quân sự của Nga và nhanh chóng sản xuất vũ khí, tích cực xuất khẩu cho các nước đang phát triển. Hơn thế, sự phát triển nhanh về quân sự của Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân quân sự tại hàng loạt các điểm nóng trên thế giới. Đây là nhận định mà The Wall Street Journal đưa ra cách nay hơn một tháng khi phân tích chính sách công nghệ và những kết quả bước đầu của Trung Quốc. Chẳng hạn, tại Triển lãm hàng không Airshow China vào tháng 11.2010, Nga hầu như không ký được hợp đồng quân sự có giá trị nào, trong khi nhóm Sherdils của Pakistan lại thu hút sự chú ý khi trình diễn trên các máy bay có nguồn gốc Nga do Trung Quốc và Pakistan sản xuất.

Có được điều này là do phía Trung Quốc không ngại ngần khi mô phỏng các hình mẫu của Nga. Báo Newsru cho rằng, chiếc chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc rất giống với chiếc Su-27 của Nga. Điều đáng nói hơn là chiếc J-11 bắt đầu được xuất khẩu qua một số nước và đương nhiên ảnh hưởng đến thị phần của các nhà sản xuất vũ khí Nga.

Xem ra, nếu như J-20 cất cánh thành công, thì trong một tương lai không xa, đây sẽ là đối thủ cạnh tranh với chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ năm T-50 (PAK FA) của Nga. Cần nhắc lại rằng, chiếc T-50 của Nga cất cánh lần đầu tiên vào ngày 29.1.2010. Và nhờ thế Nga là quốc gia thứ hai sau Mỹ thiết kế, sản xuất thành công lại máy bay tàng hình và biên chế cho quân đội nước mình. 

Với Mỹ, thông tin về chiếc J-20 có vẻ như không làm họ "bận tâm". Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ - Dave Lapan nói: "Việc Trung Quốc đang phát triển máy bay thế hệ thứ tư chẳng có gì lạ. Nước này hiện còn gặp nhiều khó khăn với chiến đấu cơ thế hệ thứ tư chứ chưa nói đến thế hệ thứ năm". Tuy phát triển nhanh, nhưng thực tế nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc nói chung và hàng không nói riêng hiện vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với Mỹ và Nga về công nghệ, đặc biệt là động cơ phản lực.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.