Nguyễn Nhật Ánh xuất ngoại

06/02/2011 10:03 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Các chuyến công tác, du lịch nước ngoài luôn được Nguyễn Nhật Ánh ghi nhận lại dưới góc nhìn vừa bay bổng của một nhà văn, vừa sắc sảo của một nhà báo. Hãy cùng du lịch một vòng từ Đông sang Tây cùng nhà văn thiếu nhi hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Bangkok không còn xa lạ với du khách Việt Nam. Nhưng nghe nói chuyến sang thăm Thái Lan hồi tháng 11 để nhận giải thưởng văn học ASEAN của anh là cuộc hội ngộ “đa văn hóa”?

Lần ấy tôi đã được gặp nhiều đồng nghiệp các nước ASEAN. Nhờ thế mới phát hiện ra ở Đông Nam Á có nhiều quốc gia sử dụng chung một loại ngôn ngữ hoặc có ngôn ngữ rất gần với nhau. Hai nhà thơ Lào và Thái Lan gặp nhau nói chuyện rôm rả vì tiếng Lào và tiếng Thái cùng một hệ Tai-Kadai; cách viết, ngữ pháp có thể khác nhưng khi nói chỉ như giọng miền Bắc với miền Nam. Còn khi các đồng nghiệp Brunei, Malaysia, Singapore gặp nhau thì… thôi rồi, họ tha hồ mà nói tiếng Bahasa, ngôn ngữ chính thức của các nước này và Indonesia. Nhà thơ Malaysia nói tiếng Bahasa “dễ học nhất thế giới” và còn xúi tôi về học thử để lần sau có giao lưu thì cả bọn nói chuyện bằng tiếng Bahasa chơi. Nói chung trong số các nhà văn, nhà thơ được Hoàng gia Thái Lan mời sang, chỉ có tôi và nhà thơ Philippines Marjorie Evasco là mù tịt cả Tai-Kadai lẫn Bahasa.

Năm 2009, anh từng được Thư viện Quốc tế thuộc hệ thống Thư viện thành phố Stockholm (Thụy Điển) mời dự hội thảo về văn học thiếu nhi và tiện thể ghé chơi Paris (Pháp), Venice (Ý). Cùng một lúc tham quan cả Bắc, Tây  và Nam u, anh nhận xét thế nào về châu lục này?

Tại những vùng đất tôi đã đi qua, người châu u nhìn chung rất lịch sự, tử tế nhưng họ không vồn vã như người Mỹ. Dân Mỹ chỉ cần gặp bạn lần đầu ngoài phố là có thể tay bắt mặt mừng, “good morning” um sùm, rồi hỏi thăm sức khỏe, thấy mình hút thuốc họ còn khuyên bỏ thuốc, thấy mình có vẻ lúng túng họ niềm nở “Cần giúp đỡ gì không?”. Còn người châu u phải thật thân thiết mới chịu bày tỏ cảm xúc thật của họ. Và khi đã “thâm giao” đến mức ấy thì thật tuyệt vời, họ cũng tình cảm lắm! Có vài kỷ niệm vui vui khi ghé Paris và Venice. Như việc người Pháp đi thang cuốn sẽ chia chỗ hẳn hoi: ai đứng yên, vui lòng “dạt” hết sang bên phải để chừa bên trái lại cho những người vội vã đi qua. Người Ý và Thụy Điển không vậy. Trong ba quốc gia này, người Pháp tất bật nhất, người Thụy Điển nhàn nhã nhất, người Ý thì... nằm ở giữa. Có một kinh nghiệm “đau thương” tại Ý: nếu bạn chỉ ăn vội một ổ bánh mì, nhớ mua đem về, đừng dại dột ngồi lại đó. Chỉ cần họ phục vụ bạn một cái đĩa đựng mẩu bánh mì con con, giá sẽ “đội” lên từ 1 đến 2 euro (25.000 - 50.000 đồng). Rồi chuyện ở Pháp và Ý, thùng rác rất nhiều nhưng nhà vệ sinh công cộng thì lại khó kiếm... Trong những lúc “cấp bách” quá thì ghé tạm các tiệm thức ăn nhanh McDonald là giải pháp hàng đầu.


Kính vạn hoa
Mắt biếc được giới thiệu trang trọng tại Thư viện Quốc tế ở Stockholm

Các thư viện ở Stockholm thật là “thiên đường hạ giới”! Thư viện Quốc tế với đủ loại sách bằng hơn 120 thứ tiếng trên thế giới. Thư viện dành cho người khiếm thị thì rộng mênh mông, với những quyển sách chữ Braille dày cui, được in ấn cực đẹp. Tôi nhớ hoài thư viện dành cho thiếu nhi, có cả khu vực dành cho các bé từ... 1 ngày tuổi đến 8 tháng tuổi. Các bé được cha mẹ ẵm đến đây để nghe cô phụ trách đọc một đoạn truyện ngăn ngắn bằng giọng thật du dương, êm ái hoặc nghe hát các bài dân ca dành cho trẻ em. Thư viện thiếu nhi có một tầng rất đông khách. Các nhà quản lý đã cho lắp đặt một cột đèn tín hiệu, giống như đèn giao thông ngay bên bức tường kiếng của tầng này. Đèn xanh là thư viện còn trống, đèn đỏ là thư viện kín chỗ. Cha mẹ dẫn con đi đọc sách có thể quan sát từ xa để... biết tình hình. Nếu thấy thư viện hết chỗ thì ghé sang tiệm kem, chờ đèn đỏ chuyển sang xanh.

Từng nhiều lần sang thăm Mỹ, anh có thể chia sẻ với bạn đọc một điểm đến gây cho anh nhiều ấn tượng?

Một lần sang Mỹ, em trai tôi rủ “tháp tùng” người bạn đến Las Vegas để biết thế nào là bài bạc hạng sang. Anh này là “dân chơi cao cấp”, tiếng “chuyên môn” gọi là “high roller”, đánh một “cây” khoảng 6.000 USD nên được các sòng bài ở Las Vegas săn đón dữ lắm. Lâu quá không thấy anh là họ mua sẵn vé máy bay khứ hồi cho hai người gửi đến tận nhà. Tuy “trụ cột” ở sòng bài chỉ mình anh bạn high roller nhưng cả nhóm 6 người đều được hưởng cùng một tiêu chuẩn. Chỉ tốn tiền mua vé máy bay. Vừa xuống phi trường đã có ngay một chiếc Limousine sang trọng chờ sẵn, cứ như đang đợi một nguyên thủ quốc gia. Ở khách sạn 5 sao. Ăn trong nhà hàng sang trọng có món ăn của tất cả các nước trên thế giới, bàn tiệc có 4 người phục vụ đứng 4 góc. Tất cả đều miễn phí!

Cảm giác của anh khi chơi bài ở “chiếu bạc hạng sang”?

Các trò đánh bạc ở Las Vegas rất đơn giản. Ban đầu tôi cứ nghĩ, quái, sao “đặc khu cờ bạc” mà chơi những trò chẳng “trí tuệ” gì cả. Sau đó mới biết, vì thông thường khách ghé Las Vegas chỉ chơi từ vài bữa đến một tuần nên các trò cờ bạc phải dễ chơi, dễ hướng dẫn. Người không biết chơi chỉ cần nhìn qua là đã có thể tham gia ngay. Có vậy mới dễ móc hầu bao của khách. Một điều đặc biệt là trần nhà ở sòng bài Las Vegas luôn được thiết kế và sử dụng ánh sáng sao cho nhìn lúc nào cũng như đang 5 giờ chiều. Khách chơi vì thế sẽ rất dễ quên thời gian, chơi đến 3-4 giờ sáng lúc nào không biết.

Thật ra, chơi kiểu như tôi ở Las Vegas chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Sau một tuần lễ “ăn chơi xả giàn”, tôi thua chưa đến 300 USD, vẫn lời to! Chả trách mấy người bạn đi cùng bình luận: “Đi Las Vegas một tuần mà thua dưới 500 USD là... đại thắng trở về”.

Chuyện bài bạc ở Mỹ cũng “nhiêu khê” lắm. Las Vegas là nơi duy nhất của nước này được phép mở sòng bạc ở... trên cạn. Còn lại, theo luật các cơ sở kinh doanh bài bạc phải nằm trên mặt nước và ở cách bờ ít nhất 1 dặm. Vì vậy tại Mỹ có rất nhiều “casino boat”, tạm dịch là “tàu đánh bạc”. Khách muốn chơi sẽ phải canh giờ mua vé sẵn, đợi tàu cập bến đưa ra “khơi”. Riêng khu đánh bạc do người da đỏ đứng tên ở Louisiana được du di hơn nhiều. Họ chỉ cần xây một dạng nhà thủy tạ, một nửa trên bờ, một nửa nằm trên sông. Miễn sao... có nước bên dưới là được. Có anh còn khôn lỏi, xây nhà trên đất liền nhưng đào cái ao ở giữa nhà cho đúng luật. Nghe nói cảnh sát hăm he hoài: “Tụi tui thấy ao cạn mà ông quên đổ nước vô là... biết tay!”.

Xin cảm ơn anh và chúc anh một năm Tân Mão nhiều thành công.

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.