Cả nhà giúp người vừa mổ tim

22/02/2011 09:13 GMT+7

Người bệnh N.T.P., 52 tuổi, được người nhà đưa vào cấp cứu với tình trạng nôn ói nhiều, lơ mơ. Người bệnh có tiền căn mổ thay van tim hai lá đang dùng thuốc chống đông, được chẩn đoán xuất huyết não do thuốc chống đông.

Sau đó bệnh nhân được điều chỉnh đông máu và phẫu thuật lấy máu tụ trong não. Sau mổ bệnh nhân tiếp tục được hồi sức ba hôm sau thì tỉnh lại và xuất viện sau hai tuần điều trị.

Một bệnh nhân sau khi mổ tim cần có một số kiến thức nhất định để tự theo dõi, đồng thời cần sự quan tâm theo dõi của gia đình rất nhiều vì nếu không được đưa vào viện kịp thời thì tính mạng bệnh nhân sẽ nguy hiểm

Mổ tim hở là một sự kiện tác động đến bệnh nhân, vợ chồng, con cháu và những người khác trong gia đình. Nó tương tự như tác động một hòn sỏi bỏ xuống ao sẽ tạo nên những cơn sóng lan tỏa xung quanh chứ không chỉ ở điểm hòn sỏi rơi xuống, nơi trước đó hoàn toàn phẳng lặng.

Thêm vào đó, ngoài hồi phục về thể chất cho bệnh nhân, có những khía cạnh tâm lý mà người bệnh cũng như gia đình cần quan tâm.

Ảnh hưởng đến cả nhà

Đối mặt với những thay đổi trong lối sống là một điều không dễ dàng. Một vài sự thay đổi có thể thực hiện ngay như thay đổi chế độ ăn hay bỏ hút thuốc lá. Những thay đổi khác phải từ từ, như xây dựng và duy trì chế độ tập luyện thể lực hay chế độ điều trị phức tạp, kéo dài.

Quan trọng là bệnh nhân phải kiểm soát được ngay từ đầu và duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe. Đây là trách nhiệm của bệnh nhân. Vợ chồng, con cháu và những người quan trọng khác thường phải đương đầu với nhiệm vụ khó khăn là không để bệnh nhân đi lạc hướng trong điều trị và tập luyện. Hãy nhớ những người xung quanh chỉ có thể hỗ trợ hay động viên, còn bệnh nhân mới là người thực hiện.

Nhiều thay đổi lối sống sau mổ tim hở có ảnh hưởng đến cả nhà. Khi bệnh nhân bị bắt buộc phải thay đổi lối sống vì lý do sức khỏe, kể từ đó mọi người trong gia đình cũng bắt đầu nghĩ về sức khỏe của chính họ. Điều này đúng khi trong gia đình cũng có người có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành như bệnh nhân.

Do đó, nếu bệnh nhân phải bỏ hút thuốc lá, những người trong nhà tự nhiên có động cơ bỏ hút thuốc lá. Khi chuẩn bị bữa ăn theo chế độ ăn tốt cho tim mạch thì những người trong nhà cũng được hưởng chế độ ăn đó hay có thông tin về việc ăn uống để bảo vệ tim mạch.

Thời kỳ hồi phục sau mổ tim hở tạo nên thay đổi vai trò tạm thời và trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Khi bệnh nhân vừa trở về nhà, họ có những hạn chế về thể lực tạm thời và rất cần sự hỗ trợ của người khác. Người chồng sẽ phải đi chợ và mang vác giúp vợ vì vợ chưa thể tự lái xe hay xách đồ. Người con sẽ cắt cỏ hay đem rác đi đổ, vì người cha bây giờ còn đang hồi phục sức khỏe.

Ngay lúc này, gia đình cần hợp tác để giúp bệnh nhân hồi phục, vì thế họ cần tạo điều kiện cho bệnh nhân tăng dần tính tự lập và lấy lại sự tự tin. Đây là một vấn đề rất tế nhị vì có thể gây hiểu lầm, xích mích trong gia đình. Tuân theo những hướng dẫn điều trị của bác sĩ mà vẫn tạo sự thoải mái cho bệnh nhân đòi hỏi sự hợp tác, tuân thủ của bệnh nhân và sự giúp đỡ của gia đình.

Trao đổi nhiều hơn

Sự hồi phục của bệnh nhân sau mổ tim hở là một thách thức cho chính bệnh nhân và cả gia đình. Đó sẽ là chuỗi ngày phải hoạt động nhiều và mệt nhọc, phải đạt mục tiêu điều trị, có những lúc vui buồn, căng thẳng, lúc lạc quan, khi chán nản... xảy ra trong suốt quá trình hồi phục thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân.

Dưới đây là một số mẹo giúp hồi phục thành công:

- Khuyến khích mọi người bày tỏ và thảo luận về cảm xúc của họ. Nói chuyện với nhau nhiều sẽ hạn chế hiểu lầm. Tìm kiếm sự hỗ trợ bằng cách nói chuyện với những người có kinh nghiệm trong tình huống tương tự.

- Thay đổi quá nhiều thói quen một lúc sẽ khó thực hiện. Nên tạo thành một nhóm có cùng thói quen rồi hướng dẫn, giúp đỡ lẫn nhau để thành công. Phải biết rõ tình trạng của mình.

- Hãy học hỏi, tham dự các buổi báo cáo, tư vấn, thảo luận để có thêm kiến thức. Khi biết rõ thì giảm lo lắng.

- Bắt đầu ngay và duy trì chế độ tập luyện để khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Luyện tập chung với người khác để có thêm động lực. Nếu bạn cảm thấy quá tải, nên xin ý kiến các chuyên gia.

Hãy nhớ sự hồi phục cần có thời gian. Tất cả vấn đề sẽ được điều chỉnh tùy theo khả năng thích ứng với lối sống mới và vai trò mới. Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn và thảo luận mọi vấn đề thì giai đoạn này sẽ dễ dàng hơn.

Tránh nâng vật nặng hơn 4,5kg

Sau khi mổ tim có một số việc bạn được làm và không nên làm là:

Trong khi xương ức đang lành, tránh nâng vật nặng hơn 4,5kg hay các hoạt động kéo, đẩy bằng tay. Được tắm bằng vòi sen nhưng tắm bồn chỉ được khuyến khích vào 4-6 tuần sau hay đến khi vết thương lành. Bạn có thể rửa nhẹ nhàng (không chà xát) vết mổ với xà bông. Không được dùng kem hay sữa tắm cho đến khi vết mổ lành.

Tránh lái xe hơi 4-6 tuần sau mổ vì phản ứng của bạn vẫn còn chậm do còn yếu, mệt mỏi, và/hoặc do thuốc. Không được bắt chéo chân khi nằm hay ngồi. Điều này sẽ tạo sức ép lên các tĩnh mạch dưới gối và làm máu chảy chậm. Nếu chân hay bàn chân bị sưng, bạn nên kê chân cao hay gác chân lên ghế khi ngồi.

Tránh căng cơ: như rặn khi đại tiện, kéo, đẩy vật nặng, hay làm việc mà phải giơ tay cao khỏi đầu. Những hoạt động này làm tăng huyết áp không đồng đều và tạo áp lực lên trái tim đang hồi phục. Không khuyến khích leo cầu thang. Tránh dùng tay vịn vào lan can rồi gắng sức để nâng người lên...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.