Tìm đường về nhà cho em bé bị bắt cóc

25/02/2011 23:40 GMT+7

Báo Thanh Niên vừa tổ chức đưa bé Nguyễn Thị Tuyết Ngân, 9 tuổi, bị bắt cóc, hành hạ và bắt đi ăn xin - trở về sum họp gia đình tại P.6, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). >> Bé gái 9 tuổi bị bắt cóc được Báo Thanh Niên đưa về gia đình

Trước đó tối 13.2, bạn đọc gọi điện báo tin có một bé gái 9 tuổi thất lạc gia đình, hiện được một người ở bến đò Sơn Đất (xã Nhơn Mỹ, H.Chợ Mới, An Giang) nuôi nấng, nhờ báo đăng ảnh để gia đình biết đến đón em về.

11 ngày kể từ khi phát hiện ra bé Ngân cho đến khi đưa em trở về đoàn tụ gia đình, các phóng viên Thanh Niên đã lặn lội tìm kiếm gia đình em khắp nơi - từ An Giang, qua Bến Tre rồi Tiền Giang - chỉ với những thông tin hết sức mơ hồ do bé cung cấp. Sau bao lần mừng hụt, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được gia đình cho bé.

Bị bắt đi ăn xin

Với cô bé mới 9 tuổi đầu này, ký ức về gia đình, cha mẹ, ngôi nhà nơi bé được sinh ra và lớn lên cứ đứt đoạn và có phần lộn xộn. Bé chỉ nhớ mình tên Ngân, cha tên Tuấn, mẹ tên Thủy, còn nhà ở đâu thì em không nhớ. Bé cũng không biết mình đã thất lạc gia đình bao lâu rồi. “Bữa đó, ba kêu đi mua nước đá, chị Phụng lấy xe đạp chở con đi rồi chở đi luôn tới bây giờ”, bé Ngân nói.

Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu truy tìm tung tích “chị Phụng”, theo lời mô tả không mấy rành rọt của bé Ngân. Sau nhiều ngày lặn lội dò hỏi, cuối cùng chúng tôi cũng may mắn gặp được người cần tìm.  Phụng tên đầy đủ là Nguyễn Thị Phụng, khoảng 17 tuổi, con của một người phụ nữ tên Phượng, quê quán ở Bến Tre, có khoảng 5 năm sống ở Xẻo Chùa (xã Nhơn Mỹ) với người chồng chắp nối tên Cộm.

 
Nguyễn Thị Phụng, nghi can bắt cóc bé Ngân - Ảnh: Thanh Quốc

Người nhà ông Cộm cho biết hiện 2 người đã ly thân, bà Phượng sống với Phụng và đứa con trai út tên Hồng. Khoảng 3 tháng  trước, bà Phượng đưa bé Ngân về sống chung tại đây. “Con nhỏ ốm nhom, nhỏ thó vậy mà hai mẹ con Phụng bắt phải lò dò xuống mương xách nước lên nhà cho tắm; ăn cơm xong còn bắt bé Ngân phải bưng cả thau chén xuống mương rửa; rồi bắt đi xin tiền. Đã vậy, hai mẹ con còn thường xuyên đánh đập con bé, đánh nhưng không cho khóc. Nhiều lần gặng hỏi bé Ngân nhà cửa ở đâu để tôi đưa về, nhưng con bé chỉ khóc mà không dám nói”, một người em gái ông Cộm nói.

Theo Công an xã Nhơn Mỹ, dù tuổi còn nhỏ, nhưng Phụng đã nhiều lần trộm cắp xe đạp của bà con lối xóm, bán lấy tiền tiêu. Gần đây, Phụng bắt bé Ngân đi xin tiền về cống nạp. Từ sáng, bé Ngân đã phải đi lê la khắp đầu làng, cuối xóm để xin tiền, đến chiều đem về cống nạp hết cho Phụng và Hồng. “Nó (Ngân) xin có được bao nhiêu tiền đâu, mỗi đêm tôi chỉ lấy của nó 10.000 đồng”, Phụng khai nhận. Cả bà Phượng và Phụng cũng đã thừa nhận với công an xã mình có đánh đập bé Ngân, nhưng Phụng nói “tôi chỉ đánh nó bằng cây có 2 lần hà”!

Trong khi đó, bé Ngân lại cho biết: “Mấy bữa con đi xin được ít tiền về nhà là bị mẹ (bà Phượng), chị Phụng đánh. Riêng anh Hồng đánh con nhiều nhất. Họ đánh con quá, con chịu không nổi. Bữa đó con đi xin tiền rồi trốn luôn không trở về nhà nữa”.

Người lái đò tốt bụng

Sau khi bỏ trốn khỏi nhà bà Phượng, bé Ngân phải sống lang thang, áo quần rách rưới, cáu bẩn. Hằng ngày, bé Ngân đi khắp chợ rồi xuống bến đò Sơn Đốt (bờ thị trấn An Châu, H.Châu Thành, An Giang) xin tiền lẻ để mua đồ ăn; đến tối lại lò dò về nằm ngủ ở một góc công viên thị trấn.

 
Mỗi ngày bé Ngân vẫn luôn theo sát anh Danh kể cả lúc anh lái đò - Ảnh: Thanh Quốc

Chạy trốn chưa được bao lâu thì bé Ngân bị Hồng (cũng bỏ nhà đi bụi - PV) tìm thấy. Hồng bắt bé Ngân hằng ngày phải đi xin tiền, nếu không nó sẽ chỉ chỗ ở của bé cho mẹ Phượng biết. “Có ngày con đi xin được 50.000 đồng với 10.000 đồng (tức là 60.000 đồng nhưng cô bé không biết cộng lại - PV), nhưng bị anh Hồng lấy đi chơi game hết, không cho tiền con ăn cơm”, bé Ngân nói.

Cuộc sống của cô bé thất lạc gia đình là một chuỗi ngày dài lang thang, đói khát... tiếp nối nhau. Những thức ăn người ta bố thí em dùng để lót dạ, góc tối công viên là chỗ ngả lưng, gờ đá là chỗ tựa đầu. Cho đến ngày 9.2 (nhằm ngày mùng 7 Tết Nguyên đán) vừa qua, khi bé Ngân lê tấm thân đói lả xuống bến đò Sơn Đốt xin ăn thì gặp anh Võ Thanh Danh, hành nghề lái đò thuê đưa khách qua sông Hậu. Nhìn thấy cô bé rách rưới, đói khát anh động lòng đến hỏi thăm. “Bé Ngân nói nhà con ở xa lắm, con đi lạc, không biết đường về nhà. Thấy tội quá, tôi hỏi con chịu về ở với tôi không? Vậy là con bé theo tôi về nhà”, anh Danh nói.

Anh Danh đã có vợ và hai con gái, cuộc sống không dư dả gì. Anh kể: “Tôi dẫn bé Ngân về tắm rửa, gội đầu cho sạch sẽ rồi kiếm đồ mới cho nó thay. Vợ tôi bắt chí cho nó 3 ngày liền, được gần cả trăm con. Con bé khôn lanh lắm, không ai dạy nhưng nó tự gọi tôi bằng ba, kêu vợ tôi bằng mẹ ngọt xớt. Bây giờ đi đâu nó cũng bám theo tôi, kêu ở với ai cũng không chịu, nói con chỉ ở với ba Danh hà”.

Thoạt đầu, thấy đứa bé đáng thương, vợ anh cũng ủng hộ quyết định của chồng. Nhưng sau đó những người hàng xóm cứ chọc ghẹo “bé Ngân là con rơi của anh Danh” nên chị Bích sinh ghen, kêu anh đưa con bé đi nơi khác. “Ở đây người ta cứ trêu chọc là con rơi của tôi hoài nên vợ tôi ghen. Hơn nữa, con bé cũng thương tôi thiệt, nửa đêm đang ngủ nó giật mình thức dậy bò qua lấy mền đắp cho tôi, thấy vậy vợ tôi càng nghi...”.

Có thêm bà nội

Bị vợ ghen dữ quá, anh Danh đành bấm bụng nhờ một người bạn tên Nhựt, cùng làm nghề lái đò thuê nuôi bé Ngân giùm. Anh Nhựt chưa vợ, dắt bé Ngân về nhà mẹ. Bà Huỳnh Thị Hòa, mẹ anh, thấy con bé lòng vui như “bắt được lộc trời”.  Bà Hòa nói: “Con bé rất ngoan, kêu tôi bằng bà nội ngọt xớt. Tôi tắm rửa cho nó, sắm sửa  quần áo, giày dép mới cho nó...”. 

Cũng theo lời kể của bà Hòa, thì con bé rất dễ nuôi, chỉ khoái ăn rau, ít ăn thịt, cá. Đặc biệt, bé Ngân rất thích uống nước hột é, tối nào bà Hòa cũng pha cho nó một ly bự. “Nghe người lớn nói sáng mai đưa nó về gặp cha mẹ, suốt đêm qua con bé cứ thức hoài không chịu ngủ. Tôi cố dỗ dành và hỏi sao con không ngủ, nó nói tại mừng và nôn về nhà quá. Nuôi con bé một thời gian mến tay, mến chân rồi giờ xa nó không đành”.

Bà Hòa còn cho biết tối đó bé Ngân nằm xem phim rồi bỗng khóc sướt mướt khi thấy cảnh một đứa bé bị lạc mất cha mẹ. “Con bé nói sao cảnh đó giống con quá nội ơi. Về nhà rồi con nhớ bà nội, nhớ ba Nhựt, ba Danh lắm, rồi bé Ngân ôm tôi, hai bà cháu đều òa lên khóc”, bà Hòa kể.

Sau khi trao bé Ngân cho gia đình, trên đường về, bà Hòa mặt buồn rười rượi. Bà vừa nói vừa mếu: “Đưa bé Ngân về nhà, nhưng lòng tôi cứ mong đó không phải là nhà nó. Tôi mua cho con bé mấy bộ đồ mới, một bịch hột é thiệt bự, nhưng không mang theo vì tôi nghĩ nó sẽ trở về cùng tôi, vậy mà... Thôi thì mai mốt tôi sẽ quay lại thăm nó, mang đồ lên cho nó luôn vậy”. (Còn tiếp)

Thanh Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.