Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: “Xóa bỏ không phải là cấm kinh doanh vàng miếng”

02/03/2011 00:52 GMT+7

Hôm qua 1.3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã có gần 2 tiếng đồng hồ trao đổi với báo chí xung quanh giải pháp thực thi trong điều hành tỷ giá, lãi suất, thị trường vàng trong thời gian tới.

 
 

 Vàng miếng cần được giải phóng để thêm nguồn lực thúc đẩy sản xuất - ảnh: Ngọc Thắng

Có lợi nhất cho người dân và nền kinh tế

Vì sao phải cấm kinh doanh vàng miếng, thưa Thống đốc?

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu

Đối với vàng, trước đây chúng ta xem như là một loại hàng hóa, lưu thông bình thường trên thị trường. Nhưng vài năm gần đây khi cho lưu thông vàng miếng, tài sản này trở thành phương tiện thanh toán xuất hiện nhiều mặt tiêu cực, ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, phát sinh đầu cơ, găm giữ. Vì vậy nghị quyết lần này, Chính phủ yêu cầu quản lý theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

Tiến tới xóa bỏ, có đồng nghĩa với việc cấm kinh doanh trên thị trường?

Ở đây Chính phủ chỉ đạo tiến tới xóa bỏ chứ không nên hiểu là cấm đoán. Vàng miếng cũng là tài sản của đất nước, làm thế nào để giải phóng đưa vào sản xuất - kinh doanh, tạo ra của cải vật chất mới cho tăng trưởng. Lâu nay, tích trữ vàng trở thành thói quen, tập quán của người dân, nhưng chủ yếu là vàng trang sức như vòng đeo tai, nhẫn… chứ rất ít vàng miếng 1 lạng, 2 lạng. NHNN sẽ có quy định để làm sao có lợi nhất cho người dân và nền kinh tế, lường trước các vấn đề có hình thành chợ đen vàng hay không để xử lý.

Đã “hút” hết lượng tiền cung ứng trong dịp tết

Ngày hôm qua trên địa bàn Hà Nội xuất hiện thông tin có ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm 17%, NHNN có biết việc này không? Nếu có, xử lý thế nào?

Tin này tôi nhận được từ báo chí. Quy định mới về lãi suất đã triển khai từ 14.12.2010, thống nhất với nhau lãi suất huy động trên thị trường của tất cả tổ chức tín dụng không quá 14%/năm, kể cả khuyến mãi. Từ 1.2.2011, áp dụng điểm 2, điều 12 Luật NHNN, những tổ chức nào làm như vậy là vi phạm luật. Nếu ngân hàng nào chỉ đạo hoặc chi nhánh nào tùy tiện tăng lãi suất, có hành động làm xáo trộn thị trường, NHNN sẵn sàng xử lý bằng các hình thức thích đáng.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 11% và lãi suất thị trường mở (OMO) lên hơn 12%  để kiểm soát lạm phát của NHNN?

Có ý kiến cho rằng, trước nay chúng ta dùng bộ lãi suất chủ chốt của NH trung ương gây khó khăn trong điều hành. Mặt khác, trong điều kiện suy giảm kinh tế năm 2010 và trước đó khủng hoảng thì Chính phủ muốn mục tiêu lớn hơn: ngăn chặn suy giảm, phục hồi đà tăng trưởng. Lạm phát tăng quá cao qua các tháng, tôi đề xuất từ tháng 10 năm ngoái, phải dùng giải pháp mạnh để giảm tổng cầu, sau đó Chính phủ chấp thuận để NHNN điều hành tăng hơn lãi suất tái cấp vốn nhằm tác động vào thị trường.

Việc tăng lên là bình thường, trong tuần vừa rồi có ngân hàng vay 1.000 tỉ đồng tái cấp vốn không có gì đột biến. Trên thị trường mở, quan điểm bơm ra - hút vào bao nhiêu dựa trên ý đồ điều hành của nhà quản lý, chứ không phải có nhu cầu là phải giải quyết.

Trên OMO, NHNN hoàn toàn đủ khả năng cung ứng vốn đáp ứng thanh khoản cho các NH thương mại.

Trong tết, NHNN cung ứng bao nhiêu tiền mặt ra thị trường và hiện lượng tiền này xử lý như thế nào?

Trong dịp tết, lượng tiền mặt đưa ra lưu thông so với cùng thời điểm năm ngoái tăng 80%. Nhưng NHNN dùng kịch bản cao nhất: chuyển tiền và cung ứng đủ tiền phục vụ cho nhu cầu trong dịp tết từng khu vực. Kể từ sau tết đến nay, toàn bộ phần cung ứng trong dịp tết được NH trung ương rút về 100%. Đến nay, lượng tiền cung ứng và tiền mặt tới cuối tháng 2 đã trở lại bình thường, không có vấn đề gì bất ổn.

Có ngoại tệ mới được vay ngoại tệ

Chính phủ yêu cầu các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) phải bán ngoại tệ cho NHNN thông qua các NH thương mại, việc này thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

NHNN đã có Thông tư 26, yêu cầu 7 TĐ, TCT bán ngoại tệ và thực hiện khá tốt, không có khó khăn gì nhiều khi bán ra. Các TĐ, TCT và công ty con đang bắt đầu thực thi, khi bán sẽ tác động rất mạnh đến nguồn cung USD để ổn định thị trường ngoại hối. Việc tăng tỷ giá và bán ngoại tệ sẽ được thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo, và trưa hôm qua (28.2), tỷ giá trên thị trường tự do giảm rất nhanh, giao dịch trầm lắng nằm ở mức 21.600 tỉ đồng.

Có ý kiến cho rằng NHNN nên tăng dự trữ ngoại tệ để kiểm soát lạm phát tốt hơn, thưa ông?

Mọi giải pháp đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, chúng ta dùng tất cả các giải pháp để giảm tổng cầu, trong đó có chính sách tiền tệ. Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi và cắt giảm đầu tư. Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay.

Điều hành chính sách có nhiều công cụ lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc… Tuy nhiên phải phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Hiện thanh khoản ngoại tệ đang cân bằng hoặc thiếu hụt chút ít, nếu nâng sẽ như đổ dầu vào lửa. Có ý kiến cho rằng nâng lên 20%, nhưng lại có ý kiến cho rằng thanh khoản ngoại tệ đang cực kỳ khó khăn, như vậy rất mâu thuẫn. Chúng tôi sử dụng công cụ lãi suất chủ chốt để đảm bảo thanh khoản, cũng như phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

NHNN có đặt ra mục tiêu chuyển từ vay - gửi ngoại tệ qua mua - bán ngoại tệ, mục tiêu này sẽ thực hiện ra sao?

Pháp lệnh ngoại hối của chúng ta quy định nhiều điểm mở về quản lý ngoại hối mà ít quốc gia nào mở rộng như vậy. Thời kỳ trước rất phù hợp để thu hút ngoại lực với những điểm mở như cho người dân giữ, gửi, DN vay ngoại tệ… Nhưng khi nền kinh tế đủ lớn sẽ có tác dụng ngược lại, vì vậy hiện NHNN đang nghiên cứu để trình QH sửa đổi.

Theo chỉ thị, NHNN đang thực hiện mục tiêu chuyển dần quan hệ vay mượn sang mua - bán, theo hướng: DN nào có khả năng tái tạo ngoại tệ thì đối tượng đó tiếp tục được xem xét cho vay, còn đối tượng không có tái tạo chuyển dần qua việc mua bán. Nhưng để giải quyết căn cơ cần có thời gian, và mục tiêu lớn hơn phải tiến tới cân bằng xuất - nhập khẩu, có nguồn ngoại tệ dồi dào, cung lớn hơn cầu. Trước mắt, cần có sự điều chỉnh dần dần.

Siết chặt cho vay bất động sản, chứng khoán

Ngày 1.3, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh giải pháp về ổn định tỷ giá, ổn định thị trường vàng, NHNN yêu cầu các Tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Đến 30.6.2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31.12.2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Trường hợp TCTD chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với TCTD và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012…

Anh Vũ (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.