Trong thảm họa, người Nhật khiến tôi ngưỡng mộ hơn

15/03/2011 15:21 GMT+7

(TNO) Chiều 11.3, khi tôi đang ngồi trong hội trường Đại học Quản trị Singapore nghe bài nói chuyện của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III thì tin từ hãng Reuters cho hay động đất 8,9 độ Richter vừa "tấn công" Nhật Bản, theo sau là sóng thần cao đến 10m đổ ập vào.

Tổng thống Aquino kết thúc nhanh buổi nói chuyện và vội vàng ra sân bay về nước để kịp ứng phó với hiểm họa sóng thần. Tôi cũng vội chạy về văn phòng Báo Thanh Niên tại Singapore và tìm cách liên lạc với những người tôi quý mến ở nước Nhật.

Điện thoại di động của Kaori không có tín hiệu. Điện thoại của tham tán Nguyễn Thành Trung ở Đại sứ quán Việt Nam cũng không liên lạc được. Tôi lo lắng gửi cho Kaori một e-mail rồi hồi hộp cầu may. Kaori là một nhà báo tự do ở Nhật.

Mấy giờ sau, Kaori trả lời bằng email với tựa đề: “Mình an toàn dù hơi chóng mặt”. Cách nói của người Nhật thật tích cực!

Cơn đại chấn trong lịch sử gây sóng thần và nhiều mất mát… Buồn… Nhưng ơn trời, cả gia đình mình đều ổn. Mình đang cố liên lạc với bạn bè nhưng mạng điện thoại bận quá. Hi vọng họ ổn cả”, Kaori chia sẻ.

Rồi cô kể thêm: “Mình chạy ra khỏi nhà, trên tay mang theo những cái bánh muffins (những cái bánh muffins vừa nướng xong) khi cơn đại chấn đập vào Tokyo”.

Đoạn kết dí dỏm khiến tôi phì cười và cảm thấy yên tâm.

Những ngày cuối tuần trôi qua như một nỗi ám ảnh đối với tôi khi có tin nổ lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima Daiichi.

Sáng thứ Hai (14.3), lại thêm tin nổ một lò phản ứng nữa. Tôi lo sợ nên gửi tiếp một e-mail cho Kaori. Gia đình Kaori ở quận Adachi phía tây bắc thủ đô Tokyo, là quận tiếp giáp với tỉnh Fukushima có những lò phản ứng hạt nhân đang gặp họa.

Rồi không đủ kiên nhẫn để chờ thư phản hồi, tôi nhấc máy gọi.

Bên kia, Kaori mừng rỡ khi nhận ra giọng tôi: Mình vẫn ở trong nhà. Chỗ mình không bị ảnh hưởng nhiều nên không phải sơ tán. Nhưng nhiều nơi khác bị ảnh hưởng nặng. Ở quận Shinjuku, gần chỗ tụi mình ăn tối ngày xưa, có vài vụ cháy và nhiều người tập trung ở đó lắm”.

“Chỗ cậu có bị cúp điện không?”, tôi hỏi. “Chỗ mình vẫn có điện. Nhưng mọi người tiết kiệm tối đa để dành cho những gia đình khác, những khu vực khác”.

Những câu nói của Kaori khiến tôi ấm lòng. Trong hoạn nạn, người Nhật luôn biết nhường nhịn, chia sẻ với nhau. Trên môi người Nhật luôn có tiếng “cảm ơn” và lòng biết ơn vì mỗi thứ họ có được.

Một lúc sau Kaori gửi thêm cho tôi email có tiêu đề Arigato (tiếng Nhật là cảm ơn), với nội dung như sau:

"Thật vui khi nghe giọng của bạn… Bên mình vẫn tiếp tục chứng kiến những dư chấn mạnh, và mọi người vội vã chạy ra các siêu thị gần nhà để mua thực phẩm, nước và các bếp lò đơn giản phòng khi khẩn cấp.

Hi vọng mọi người được bình an, nhưng mình có cảm giác người dân ở vùng Kanto và Tohoku (gồm 13 tỉnh và thành phố phía bắc đảo Honshu, có cả Tokyo - PV) đang gặp nguy lúc này.

Mình là người suy nghĩ tự do và không tin vào thượng đế, nhưng mình đang nguyện cầu đất nước sớm phục hồi.

Mình đang viết những mẩu chuyện bao gồm các mẹo vặt để sống sót trong những tình huống như thế này… Đó có lẽ là thứ duy nhất mình có thể làm với vai trò là một người cầm bút".

Vâng, Kaori đang viết những kinh nghiệm của mình với hi vọng giúp những người khác.

Còn tôi thì viết về Kaori và bản lĩnh của người Nhật với tất lòng cả lòng ngưỡng mộ.

Thục Minh
(Từ Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.