Người Nhật thèm tắm sau thảm họa

21/03/2011 08:43 GMT+7

(TNO) Trong những ngày này, khi đang gánh chịu những cơ cực là hậu quả của trận siêu động đất, sóng thần, đối với nhiều người Nhật, được tắm, nhu cầu tưởng chừng như bình thường nhất đang trở thành một thứ xa xỉ.

Tắm, đối với người Nhật không chỉ là hành động làm sạch cơ thể, nó còn được nâng lên là nét văn hóa quan trọng trong đời sống của người dân xứ sở mặt trời mọc.

 
Nước vẫn khan hiếm ở nhiều nơi và người dân phải sử dụng với ý thức tiết kiệm - Ảnh: AFP

Điều kiện tự nhiên đem lại cho Nhật vô số những suối, hồ nước nóng được tạo ra từ các núi lửa. Vì vậy trên khắp nước Nhật, ở đâu cũng có những nhà tắm công cộng, những khu du lịch, những khu tắm nước nóng và hình thành nên văn hóa tắm. Đối với người Nhật, tắm là việc vô cùng tỉ mỉ, công phu. Họ xem đây là một món quà của cuộc sống, một phần thưởng thư giãn sau một ngày lao động.

Trước khi cơn sóng thần ập đến vào ngày 11.3, Rikuzentakata là một điểm du lịch xinh đẹp bên bờ biển của tỉnh Iwate. Rikuzentakata thu hút du khách với những suối nước nóng, những nhà tắm, hồ tắm hơi nước, khoáng chất.

Lệ thường, vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, rất nhiều người Nhật thường nghỉ ngơi bằng cách đến thư giãn tại các hồ tắm công cộng, các suối nước nóng.

Các nhà tắm tại Nhật được làm theo kiểu những dãy bồn tắm bằng sứ hay gỗ. Khách đến tắm trước khi xuống hồ phải tắm rửa, kỳ cọ sạch sẽ trước. Sau đó, mọi người mới ngâm mình trong những hồ hơi nước. Đây cũng là không gian mọi người thư giãn, trò chuyện với bạn bè và những vị khách khác tại đó.

Tại nhà, việc tắm rửa đối với mỗi người Nhật cũng cầu kỳ và quan trọng tương tự.

 
Tại các khu vực bị tàn phá bởi động đất và sóng thần người dân vẫn lấy nước từ các xe bồn - Ảnh: AFP

Thế nhưng, hiện giờ, trong các khu di tản, việc tắm rửa đang được người Nhật nhắc tới như một mong ước, nỗi nhớ về một niềm vui bình thường giờ đã trở thành xa xỉ. Thú vui này đã bị động đất, sóng thần “cuốn trôi” mất.

AFP mô tả, cuộc sống của nhiều người hiện nay là ở tại các hội trường của trường học. Tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần, nước trở nên khan hiếm. Người dân lấy được lượng nước ít ỏi từ những xe chứa nước được chính quyền và các tổ chức cung cấp.

Tại TP Rikuzentakata, hiện giờ, mọi người chỉ có thể rửa mặt qua loa bằng nước lạnh.

“Tôi chưa tắm trong một tuần nay”, Honami Suzuki nói, “đó là điều tồi tệ nhất với cuộc sống ở nơi sơ tán này”.

Có khoảng 1.000 trong số 9.500 người mất nhà cửa ở Rikuzentakata đang sống tập trung tại trường trung học Daiichi, AFP thông tin.

 
 Người Nhật tá túc tại các khu di tản - Ảnh: AFP

“Việc thiếu thốn tắm là một điều mà nhiều người sống ở đây cảm thấy khó khăn”, Nakai thổ lộ.

Theo AFP, ước lượng khoảng 380.000 người sống trong các khu di tản lúc này không được tắm và họ thèm “tận hưởng niềm vui” này.

Rinzo Chikutsu, một cụ ông 74 tuổi đang ở tại khu di tản trường trung học Daiichi, cho biết ông biết ơn về nơi ở hiện tại mặc dù điều kiện ở đây rất khó khăn, thiếu thốn.

Mặc dù vậy, “ở đây không có nước nóng vì vậy chúng tôi không thể tắm rửa. Tôi có thể rửa mặt nhưng chỉ với nước lạnh”, ông Rinzo Chikutsu nói.

Nakai tiếp lời: “Người Nhật thật sự thích tắm nhưng giờ chúng tôi không thể làm điều đó trong hoàn cảnh này. Mọi người không thích nhưng không ai phàn nàn cả”.

Nguyên Mi

>> Sống sót sau chín ngày thảm họa
>> Dự báo có mưa gần nhà máy hạt nhân
>> Ngời sáng ánh mắt trẻ em Nhật
>> Nhật: Điện đã được khôi phục tại lò phản ứng hạt nhân
>> Nhật phát hiện phóng xạ trong sữa và rau
>> Indonesia kiểm tra phóng xạ hành khách đến từ Nhật
>> Nhật giám định thức ăn để chống nhiễm phóng xạ
>> Nâng mức cảnh báo tại nhà máy điện hạt nhân ở Nhật
>> Những trận động đất kinh hoàng nhất tại Nhật
>> Nhật giám định thức ăn để chống nhiễm phóng xạ
>> Đã đưa được dây cáp điện tới lò phản ứng số 2
>>
Bạn đọc TNO chia sẻ nỗi đau cùng người dân Nhật
>> Báo Thanh Niên kêu gọi quyên góp giúp nhân dân Nhật
>> Người Nhật giữa đống hoang tàn
>> Những vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới
>> Người nước ngoài ùn ùn rời Nhật
>> Nhật có thể chôn lò phản ứng hạt nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.