Đồ chơi nào cho con?

30/05/2011 10:45 GMT+7

Câu hỏi tưởng như đơn giản lại trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi tại buổi tọa đàm được báo Khăn Quàng Đỏ phối hợp Hội đồng Đội và Nhà Thiếu nhi TP.HCM tổ chức chiều 28-5.

Tổng biên tập báo Khăn Quàng Đỏ Nguyễn Khắc Cường công bố kết quả cuộc khảo sát do tờ báo này thực hiện tại 13 trường tiểu học, THCS với 1.207 học sinh.

Trả lời câu hỏi “Em làm gì trong thời gian rảnh?”, có đến 1.179 bạn chọn chơi game, 662 xem tivi, 636 đọc truyện tranh và 458 chat với bạn bè.

 
Cho con đến sân chơi cộng đồng để chơi chung với bạn bè là lời khuyên của nhiều đại biểu có mặt tại tọa đàm - Ảnh: Phi Long

Đồ chơi nào cho con?

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà - Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho rằng phụ huynh hiện nay luôn băn khoăn tại sao con mình chỉ mê chơi game, đọc truyện, chat nhưng khi mua đồ chơi cho con lại không nghiên cứu kỹ. “Đồ chơi cho trẻ em chỉ tốt khi đáp ứng ba tiêu chí là giúp các em phát triển trí tuệ, được vận động và các kỹ năng khác. Trẻ em có tuổi thật và tuổi tâm lý thường chênh lệch nên phụ huynh cần cân nhắc chọn đồ chơi phù hợp khả năng của con mình”, bà Hà khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Dương Thanh Hoàng, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, nói thực tế có vẻ phụ huynh hơi dễ dãi khi chọn đồ chơi cho con. Họ chọn cả những loại đồ chơi mang tính bạo lực như dao, kiếm, súng... ảnh hưởng lớn đến nhân cách và sự phát triển bình thường của trẻ.

“Không chỉ mua những sản phẩm dán tem chứng nhận, có xuất xứ, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, phụ huynh nên định hướng và nếu cần phải áp đặt chủ quan để hướng các em đến những loại đồ chơi an toàn, bổ ích”, ông Hoàng khuyên.

Trẻ em mong chờ...

- Có nhiều khu vui chơi, các sân chơi được mở rộng, phát triển trí tuệ.

- Có nhiều đồ chơi an toàn, chất lượng tốt, đa dạng, phong phú và phù hợp túi tiền học sinh.

- Các trò chơi dân gian Việt Nam được phát triển.

(Trích kết quả khảo sát của báo Khăn Quàng Đỏ)

Phóng viên Nghi Anh - báo Phụ Nữ TP.HCM - lấy ra một xấp hình có kích thước như lá bài (những hình ảnh có nguồn gốc từ các bộ phim hoạt hình và game) để minh chứng cho món đồ chơi đang được khá đông học sinh ưa chuộng hiện nay. Chị cho biết từng thấy không phải một mà có học sinh cầm đến bốn bộ hình mà các em gọi là thẻ bài như vậy.

Đại diện vài công ty sản xuất đồ chơi có mặt tại tọa đàm than phiền phụ huynh còn dễ dãi khi chọn đồ chơi cho con. Phó tổng giám đốc Công ty gỗ Đức Thành Lê Hồng Thắng nói: “Nhiều đồ chơi Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam có chất lượng và độ an toàn không cao, nhưng phụ huynh vẫn chọn vì màu sắc bắt mắt và vì con thích thì bố mẹ mua”.

Một nhà tâm lý có mặt tại tọa đàm thừa nhận con mình thích xem robot siêu nhân hơn các loại đồ chơi khác và kết luận: “Nhiều nhà sản xuất đồ chơi nước ngoài nắm bắt thị hiếu của trẻ từ những hình tượng trong phim và các nhân vật hoạt hình yêu thích nhanh hơn các công ty trong nước”.

Chơi cùng con

Giá cả đồ chơi cũng là vấn đề được nêu ra nhiều tại tọa đàm. Không chỉ đồ chơi nhập giá khá cao, một bộ đồ chơi bằng gỗ trên dưới 300.000 đồng cũng là điều khá đắn đo so với mặt bằng thu nhập của đại đa số người dân. “Tôi phải tính đến phương án cho con chơi chung với hàng xóm, bà con để vừa tiết kiệm vừa có cộng đồng chơi” - bà Lê Thị Thanh Nhã, phó phòng văn hóa gia đình, Sở Văn hóa - thể thao & du lịch TP.HCM, cho biết.

Bà Thanh Nhã đặt vấn đề: “Không hẳn chỉ là việc chọn đồ chơi cho con mà phụ huynh nên chọn cách chơi. Chơi chung với con hoặc cho con đến với những đội nhóm, địa điểm công cộng thì mới phát triển được”.

Đồng tình, thạc sĩ Kiều Thanh Hà cho rằng phụ huynh nên chơi cùng con để giúp các em phát triển khả năng sáng tạo vì đồ chơi chỉ là công cụ, bố mẹ phải tạo điều kiện cho con được chơi, cùng chơi với bạn bè hay đến những sân chơi công cộng.

Có mặt tại tọa đàm, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng hiện chúng ta đang bỏ trống trận địa thị trường đồ chơi thiếu nhi nên có nhiều đồ chơi không phù hợp. “Cả xã hội phải tạo điều kiện cho trẻ em được có nhiều đồ chơi phù hợp và cả những sân chơi công cộng. TP chọn chủ đề năm “Vì trẻ em” và đang gấp rút triển khai mười khu vui chơi giải trí tại nhiều quận, huyện”, bà Thảo nói.

Ông Nguyễn Khắc Cường cho rằng kết quả cuộc thăm dò đáng lo ngại vì nhiều em dành phần lớn thời gian giải trí để chơi game, đọc truyện tranh, xem truyền hình, chat... Theo ông, những kênh giải trí này có mặt tích cực nhưng nếu chỉ có giao tiếp ảo, không vận động và không có bạn bè, liệu các em có đủ điều kiện để phát triển toàn diện?

“Cùng với tọa đàm, chúng tôi đang phát động quyên góp đồ chơi cũ còn sử dụng được để tặng lại cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Một khu vui chơi cho trẻ em tại công viên Hoàng Văn Thụ do báo Khăn Quàng Đỏ, Tập đoàn SCG và Quận đoàn Tân Bình đang triển khai xây dựng”, ông Cường cho biết.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.