Nhà máy quang năng hoạt động ban đêm

05/06/2011 22:28 GMT+7

Khi hoàng hôn buông xuống, các nhà máy điện mặt trời sẽ nghỉ ngơi cho đến sáng hôm sau. Tuy nhiên, với Nhà máy điện quang năng Gemasolar tại Seville, Tây Ban Nha thì khác. Nó hoạt động thâu đêm và đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên trên thế giới hoạt động theo mô hình này.

Nhà máy này trông giống như một công trình nghệ thuật sắp đặt khổng lồ với 2.650 bảng thu quang năng được sắp đặt một cách đối xứng theo hình tròn đồng tâm trải rộng trên diện tích 185ha. Những bảng thu quang năng có tên gọi heliostats tập trung 95% bức xạ mặt trời rồi chuyển đến trung tâm xử lý.

Nhiệt độ từ trung tâm lên đến 90 độ C làm nóng chảy các bể muối để tạo ra công năng cho các turbin hơi nước. Sức nóng không chỉ phục vụ hoạt động của nhà máy vào ban ngày mà còn được lưu trữ từ khi tắt nắng trong 15 giờ liên tục, do vậy nhà máy vẫn tiếp tục làm việc qua đêm hoặc vào những ngày nắng yếu.

Thời tiết tại miền Nam Tây Ban Nha rất thuận lợi cho nhà máy điện mặt trời với ít nhất 270 ngày/năm có nắng.  Những tính toán cho thấy khai thác quang năng ở khu vực này hiệu quả gấp ba lần so với những loại năng lượng tái sinh khác.

Dự án này là liên doanh giữa Công ty năng lượng Abu Dhabu Masdar và chi nhánh năng lượng Torresol của hãng kỹ thuật SENER, cần 2 năm để xây dựng với tổng chi phí 260 triệu bảng Anh. Khi đi vào hoạt động, nhà máy điện mặt trời này sẽ tạo ra 110 GWh/năm, đủ sức cung cấp năng lượng cho 25.000 hộ gia đình trong khu vực Andalucia.

Báo Daily Mail dẫn lời lãnh đạo của dự án này cho biết với việc lần đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ muối nóng chảy, nhà máy liên tục hoạt động sẽ giúp giảm chi phí đầu tư và hạ giá thành đáng kể trong việc khai thác năng lượng mặt trời.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.