Nhặt... bom: Tận cùng thách thức

28/06/2011 01:50 GMT+7

Vùng đầm lầy lạnh lẽo, chốn núi rừng thâm u và vô số những hiểm trở giăng bước những đôi chân đã quen với gian khó. Để giữ bình yên, họ đi đến nơi tận cùng của thách thức.

Không có chỗ cho sai lầm

Một buổi sáng cuối năm, trên chuyến tàu về Bắc, trung tá Bình nhận được điện thoại với giọng gấp gáp của người quen. Từ Tiền Giang, đại úy Vũ Như Quỳnh, trợ lý của anh báo có một sà lan chở cát đậu ở Gò Công Đông phát hiện một trái bom thật to. Vụ việc làm xôn xao dân cư sống gần đó. Được tin báo, anh Quỳnh lập tức xuống hiện trường. Nhưng khi tới nơi, trước mắt anh là vật có hình thù khá lạ mà trong nhiều năm phá bom anh chưa từng “giáp mặt”. Nó dài 1m, ngang 6 tấc, nhìn giống như... cái lu nước nằm lẫn trong cát, làm cho chủ ghe phải một phen thất kinh.

 

Công binh Tỉnh đội Tiền Giang di chuyển quả bom 500 cân Anh ra khỏi vùng đồng trũng - Ảnh: Tiến Trình

Đầu dây bên kia, trung tá Lê Văn Bình yêu cầu đại úy Quỳnh mô tả các chi tiết bên ngoài của trái bom. “Có phải phía đầu nó có vật lòi ra như cái ly uống nước không?”. “Có phải nó có bu-lông hình lục giác không?”. “Ở 2 lỗ trên thân bom có lỗ nào có dây đưa ra không?”... Các tình tiết mô tả của Quỳnh giúp trung tá Bình nhận ra đây là loại bom công phá, trọng lượng cỡ 500 cân Anh (khoảng hơn 200 kg). Đối với anh, những loại bom như thế này đã không còn xa lạ gì nữa. Anh căn dặn thuộc cấp chỗ “nhạy cảm” nhất của quả bom này nằm ở phần đầu, nơi có “vật như cái ly uống nước” đưa ra, phải cẩn thận, tránh va chạm... Lát sau, anh thở phào khi đại úy Quỳnh báo lực lượng lấy bom đã vô hiệu hóa được trái bom và đưa khỏi địa bàn dân cư. Khỏi phải nói, cư dân quanh đó, nhất là người chủ sà lan chở cát, đã vui mừng thế nào khi “của nợ” được xử lý gọn ghẽ.

Đại úy Vũ Như Quỳnh, trợ lý công binh Tỉnh đội Tiền Giang, khiêm tốn nói rằng công việc phá bom của anh có “rất ít chuyện để nhớ”. Khi tiếp cận vật nổ, mọi chú ý của người lấy bom chỉ tập trung vào thứ gây chết người kia. Đối với họ, những lúc đó trái đất có thể chỉ quay quanh... trái bom. Còn trung tá Đặng Anh Dũng bảo với việc phá bom, người ta không có cơ hội làm “nháp”, không có chuyện rút kinh nghiệm cho lần sau hay chọn lựa phương án này hay phương án khác. Vì vậy, những người phá bom ngoài lòng dũng cảm, họ còn phải thông hiểu đặc tính của từng loại bom, sự tập trung cao độ và các động tác phải chuẩn xác.

Thiếu tá Đào Nguyên Đán, Đội trưởng Đội Thu gom bom mìn Lữ đoàn 25, nói thực tế có rất nhiều tình huống đưa người tiếp xúc bom vào thế nguy hiểm. Có lần, đội của anh nhận nhiệm vụ xử lý trái bom nằm kẹt trên hốc núi dựng đứng ở vùng Kiên Lương (Kiên Giang). Bình thường, một người trèo lên trèo xuống vách núi này đã là "cả vấn đề". Thế nhưng những chàng trai phải “hộ tống” trái bom nặng đến 500 cân Anh từ trên núi xuống đất bằng. Núi đá lởm chởm, trái bom còn nguyên ngòi nổ như thách thức người chinh phục. Chỉ cần một cái sẩy chân thì tai họa ập đến ngay. Sau gần một ngày căng thẳng tột độ, cuối cùng trái bom cũng được đưa xuống mặt đất. Những người chứng kiến gọi đó là một kỳ tích, nhưng lính công binh chẳng thể nhớ hết đã bao nhiêu lần “vượt ải” như thế. Để bắt đầu một nhiệm vụ khác, họ lại nhìn những việc đã qua theo một cách đơn giản nhất.

Bất trắc

“Ông bom tấn” Lê Văn Bình, Chủ nhiệm công binh Tỉnh đội Tiền Giang - một người cũ của Lữ đoàn 25, bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn: “Mới hôm qua, bên Tân Phước người dân nhặt phế liệu gặp phải trái bom phốt-pho, nó bốc cháy gây tử vong”. Không hiếm lần họa vô đơn chí ập đến với người dân như thế. Một nông dân đi mò cá vô tình cầm phải trái bom phốt-pho, khi đưa lên khỏi mặt nước thì lập tức quả bom phát hỏa... Có trường hợp, tại một đám cưới ở Cái Bè, người ta kê bếp nấu ăn trên một khoảnh đất trống, không ngờ lại kê ngay vị trí bên dưới có trái bom. Khi đất bị đun nóng thì trái bom phát nổ cướp đi 1 mạng người.

 

Quả đạn cối 81 mm nằm sâu trong lòng đất luôn tiềm tàng hiểm họa

Hòa bình, ở khắp vùng đồng bằng, người ta lại tìm thấy trong số những bom mìn còn sót lại, có cả những trái bom có sức công phá cực lớn. Như năm rồi, người dân ở khu vực Vàm Láng phát hiện trái bom nặng đến 2.000 cân Anh. Lúc lực lượng công binh của Tiền Giang đến nơi thì trái bom đang nằm sâu dưới 2m nước, bị bùn cát phủ lấp. Khi nhìn thấy 2 hộc chứa pin ở thân trái bom khủng, trung tá Bình xác định trái bom có ngòi nổ điện. “Tử huyệt” của các loại bom có ngòi nổ điện nằm ở các cục tích điện và theo trung tá Bình, tuy tồn tại ở môi trường bên ngoài nhiều năm, hệ thống pin bị hư hại nhiều, nhưng điện vẫn còn ở các cục tích đủ để duy trì khả năng nổ của các trái bom loại này. Vì vậy, độ nguy hiểm của chúng còn rất cao. Lần đó, phải mất 2 ngày sau khi đưa trái bom lên bờ, nó mới được vô hiệu hóa.

Tuy những trái bom có ngòi nổ điện thường gây khó khăn cho các chuyên gia khi vô hiệu hóa so với các loại bom có ngòi nổ cơ học, nhưng còn nhiều loại bom hóa học dù có kích cỡ nhỏ hơn song luôn là cái bẫy đầy bất trắc. Đôi khi chỉ cần một chuyển động nhỏ cũng là điều kiện để chúng phát nổ. Để “trị” những loại bom phức tạp như thế này, những người lão luyện lại có phương pháp riêng để không đánh thức “giấc ngủ” của chúng.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.