Chọn smartphone Android cũ

12/07/2011 12:30 GMT+7

(TNTS) Nền tảng Android đang dần trở nên phổ biến và được nhiều nhà sản xuất di động lựa chọn. Tuy nhiên, không phải ai cũng dư dả túi tiền để có thể mua ngay một chiếc điện thoại mới nên giải pháp của nhiều người là chọn mua máy đã qua sử dụng.

Kiểm tra từ trong ra ngoài

Trước khi mua sản phẩm, bạn nên cẩn thận đọc các quảng cáo được đăng bởi người bán, sau đó xem kỹ lại các thông số kỹ thuật của điện thoại định mua trên trang web của nhà sản xuất. Nếu có sự khác biệt, hãy tìm ra lý do tại sao. Khi người bán không ghi đúng các thông số phổ biến, có thể do họ không phải là người sử dụng ban đầu của chiếc điện thoại đó, thậm chí họ chỉ đưa ra các thông số giả mạo, hoặc thông số của điện thoại nhái.

 

Khi kiểm tra điện thoại định mua, trước hết, nên sử dụng một miếng vải mềm sạch để làm sạch điện thoại, kiểm tra các vết trầy xước trên màn hình cũng như những vị trí khác. Để thực hiện điều này, cần gặp trực tiếp người bán và chú ý chọn nơi có ánh sáng tốt, vì một số vết trầy xước nhẹ rất khó nhận ra khi gặp ánh sáng yếu. Biết đâu, có thể bạn sẽ hạ được chút giá tiền nếu như phát hiện ra một vài vết xước xuất hiện trên điện thoại.

Tiếp theo, hãy mở nắp phía sau của điện thoại. Trên nhiều smartphone Android, việc mở nắp phía sau hơi khó khăn đôi chút, nên cần làm đúng cách. Kiểm tra chắc chắn rằng pin của máy là loại chính hãng, không phải pin thay thế. Phía dưới pin có thể sẽ có một cảm biến độ ẩm, nó giống như một miếng hình vuông màu trắng. Nếu nó chuyển sang màu đỏ hoặc hồng, điều này có nghĩa là pin của máy đã tiếp xúc với độ ẩm nhiều và làm cho máy mau hết pin.

Gắn thẻ SIM

Thông thường ở Việt Nam, đại đa số người dùng sử dụng điện thoại theo băng tần GSM,  lúc kiểm tra máy hãy gắn thẻ SIM của bạn vào trước khi lắp vỏ sau của máy trở lại. Có hai lý do để bạn làm điều này: Đầu tiên, nó sẽ chứng minh rằng điện thoại đó có đầy đủ các tính năng và khả năng hoạt động với tín hiệu tốt. Thứ hai là bạn có thể chắc chắn rằng điện thoại không bị khóa khi hoạt động với một mạng khác. Ví dụ, nếu bạn mua nhầm phải điện thoại chỉ hỗ trợ mạng AT&T của Mỹ thì việc gắn thẻ SIM Vinaphone, Viettel hay MobiFone sẽ trở nên vô nghĩa. Điện thoại Android lúc này sẽ hiển thị màn hình khóa với thông báo hiện ra rằng máy đã gắn sai SIM và yêu cầu nhập một mã PIN, bởi lẽ điện thoại này đã bị khóa bởi một mạng khác.

 

Kiểm tra tình trạng hoạt động của máy

Sau khi kiểm tra điện thoại, hãy bật nó lên. Xem quá trình khởi động máy có hiện tượng gì lạ không và cần chắc chắn rằng điện thoại có thể vào màn hình cài đặt tài khoản Google.

 

Trên hầu hết các điện thoại Android, điều này sẽ phải mất khoảng 30 giây. Nếu có thể, hãy cắm tai nghe qua jack 3.5 mm và thẩm định về âm thanh Đây cũng là cách bạn đảm bảo âm thanh liên lạc của máy vẫn tốt.

Hầu hết các smartphone sử dụng Android đều được tích hợp wifi, trong điều kiện tại Việt Nam hầu hết các quán cà phê đều cho dùng wifi miễn phí thì bạn chỉ cần bật wifi của máy lên để xem nó còn hoạt động hay không và thử lướt web ở một số trang báo tin tức, nếu màn hình cảm ứng của máy có vấn đề thì việc lướt web sẽ rất khó khăn, ngược lại bạn có thể an tâm về chất lượng của nó.

Nếu có nhiều thời gian hơn, hãy truy cập vào kho ứng dụng Android Market và tải một số phần mềm trên đó về (hiện tại hơn 60% các ứng dụng có trên đây đều là miễn phí) và chạy thử các phần mềm này xem máy có hoạt động ổn định hay không.

Mỹ Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.