Bám biển

08/07/2011 17:29 GMT+7

Không chỉ góp phần làm giàu cho hòn đảo Phú Quý (Bình Thuận), nhiều ngư dân trẻ còn là những người ngày đêm giữ từng tấc đất, tấc biển quê hương.

Ngư dân trẻ Nguyễn Phú, ở thôn Tân Hải, xã Long Hải (huyện đảo Phú Quý), cho biết dù mới 26 tuổi nhưng anh đã có thâm niên hơn 10 năm theo cha ra khơi. Giờ lớn lên, lấy vợ ở riêng, anh đã sắm hẳn một con tàu với công suất 90 CV. Phú tâm sự, dù từng bị người nước ngoài bắt ngay trên biển của mình đến 2 lần, lấy hết ngư cụ, nhưng anh không bao giờ nản lòng mà vẫn giữ nghề, bám biển. “Ở đây mình sống với biển khơi. Nghề truyền thống của cha ông giữ lại, không làm nghề gì khác được. Nên dù khó khăn đến mấy đi nữa mình cũng bám biển đến cùng” - Phú khẳng định.

Còn 2 anh em song sinh Nguyễn Thanh Ca và Nguyễn Thanh Ly,  cũng đang làm chủ  con tàu công suất 90 CV tin tưởng: "Không có việc gì khó khi quyết tâm bám biển của tụi em được mọi người trong gia đình đầu tư tiền của và ủng hộ hết mình. Hơn nữa, chúng em xác định đi biển là nghề truyền thống, không chỉ của gia đình, mà là truyền thống của quê hương".

Gặp ngư dân trẻ Nguyễn Ngọc Ánh ở thôn Quý Hải, xã Long Hải, anh tâm sự, sau hơn 2 năm làm nghĩa vụ quân sự trở về, gia đình gặp nhiều khó khăn. Dù mới học xong lớp 9, nhưng Ánh quyết định gom hết tiền bạc của gia đình vào làm ăn phát triển kinh tế. Sau 2 năm, Ánh quyết định đầu tư nâng cấp máy tàu công suất lớn hơn. Hiện nay, ngoài người chị gái của Ánh ra ở riêng, còn lại một người anh trai và một em trai cùng anh đưa tàu ra tận vùng biển Côn Sơn và Trường Sa để mua hải sản. Không chỉ mua, anh còn cung ứng dầu và nhu yếu phẩm cho các tàu cá trên biển.


Ngư dân trẻ Phú Quý tiến ra biển cả - Ảnh: Võ Tình  

Ngư dân trẻ Nguyễn Minh Châu dù mới 19 tuổi nhưng đã có mấy năm làm nghề lặn. Châu cho biết: “Em chỉ học hết lớp 5 là theo cha đi biển. Em ở trên biển nhiều hơn là ở nhà. Nhờ siêng năng đi biển nên giờ đây kinh tế gia đình đã khấm khá hơn. Nghề lặn dù khá nhiều rủi ro song em vẫn cùng các bạn ra khơi bám biển. Bây giờ ngư trường hẹp nên chúng em ra tận Trường Sa để hành nghề. Có chuyến đi cả tháng trời mới về nhà vài ngày. Bây giờ có tổ đoàn kết trên biển, mình không sợ gì cả. Chỉ cần mọi người cùng quyết tâm giúp nhau là khó khăn nào cũng vượt qua hết anh ạ”.

Võ Trọng Tình mới 25 tuổi, cũng xuất thân từ một gia đình ngư dân trên đảo. Anh tâm sự: "Đa phần thanh niên trên đảo sống bằng nghề đi biển. Mỗi khi được tập hợp để nghe về chủ trương giữ biển, đảo và chính sách cho ngư dân, các bạn trẻ đều quan tâm và hưởng ứng. Vì vậy lực lượng ngư dân trẻ của xã mình trở thành nòng cốt, luôn được phát huy để tăng năng suất đánh bắt".

Long Hải quê Tình là nơi nhiều tàu thuyền nhất trên đảo với trên 600 tàu. Trong đó, đến hơn một nửa là tàu thuyền có ngư dân trẻ đi đánh bắt ở Trường Sa và đảo Côn Sơn. “Tuổi trẻ tụi mình luôn bám biển, sẵn sàng vì sự bình yên của quê hương”, Tình nói dứt khoát.

Xây dựng mô hình ngư dân trẻ bám biển

“Các bạn trẻ không chỉ là lực lượng lao động chính trong đánh bắt thủy sản, mà còn là nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo quê hương. Chúng tôi đang thực hiện nhiều mô hình ngư dân trẻ bám biển, trong đó chú trọng đến việc xây dựng ngư đội trẻ hoặc tổ đoàn kết sản xuất trên biển” - Bí thư Huyện đoàn Phú Quý Đỗ Thái Thanh

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.