Chọn lãnh đạo từ PCI?

10/07/2011 01:38 GMT+7

Cách đây 6 năm, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ tại VN, mà trực tiếp là nhóm các nhà nghiên cứu thuộc dự án Sáng kiến cạnh tranh VN (USAID/VNCI) đã tìm cách lý giải việc một số địa phương (cấp tỉnh, thành) này phát triển tốt hơn địa phương kia.

Nhưng với những địa phương nằm ở cuối bảng, họ phản ứng gay gắt và cho là cách làm này thiếu cơ sở khoa học, là chưa khách quan và tại sao lại mời cả tổ chức ngoài nước tham gia trong khi họ đâu có am tường gì về VN…

Trên thực tế, nếu vào thời gian đầu (năm 2005) dự án USAID/VNCI mới chỉ dựa trên những số liệu điều tra từ 400 doanh nghiệp trong nước ở 14 tỉnh, thành cho nên ít nhiều cũng chưa thật xác đáng thì vào năm 2010 vừa qua, nhóm điều tra về PCI đã thực hiện ở khắp 63 tỉnh, thành với sự đóng góp, nhận xét của 7.300 doanh nghiệp trong nước cùng 1.155 doanh nghiệp nước ngoài. Tính khoa học và sự xác thực là điều khó có thể phủ nhận.

Với kết quả này, đối với Chính phủ, báo cáo đã cung cấp những đánh giá khách quan về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành phố, giúp xác định các lĩnh vực cần ưu tiên cải cách. Đối với các địa phương, báo cáo cũng giúp chính quyền xác định các điểm mạnh trong điều hành kinh tế cũng như các lĩnh vực yếu kém, hạn chế cần được cải thiện để tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bảng xếp hạng PCI còn giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể sáng suốt hơn trong việc tìm được mảnh đất đầu tư nào được xem là hấp dẫn nhất. Họ sẽ tránh được nhiều rủi ro cũng như sự mò mẫm tìm hiểu tốn quá nhiều thời gian không cần thiết, hoặc cũng là để lường trước khó khăn và chấp nhận.

Trong công tác cán bộ, tôi cho rằng Đảng và Nhà nước cũng nên tham khảo chỉ số PCI này như một cuộc sát hạch bằng thực tiễn mà lựa chọn nguồn cán bộ lãnh đạo có tài, bổ sung cho các cơ quan T.Ư mỗi dịp Đại hội Đảng, cho bầu cử Quốc hội và để Quốc hội tiến hành bầu các thành viên của Chính phủ, Quốc hội.

Trong đó, theo tôi, chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến 1 trong 9 chỉ số đánh giá PCI, đó là chỉ số liên quan đến tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh. Đó là thước đo về tính sáng tạo và sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách của T.Ư cũng như trong việc đưa các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Tất nhiên, tập hợp và tạo nên PCI, nó còn hàng loạt chỉ số khác, chúng ta cũng nên nghiên cứu, tránh sự thiếu khách quan.

Theo thiển ý của riêng tôi, Đảng và Nhà nước cũng có thể căn cứ vào sự tiến bộ được thể hiện qua PCI trong vài ba năm cận kề để lựa chọn nhân sự cấp cao. Ở bảng xếp hạng đó, nó có nhiều cấp độ cần được xem xét như "top" có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh rất tốt, tốt và khá… Và, nếu như ở một tỉnh đồng bằng, có thuận lợi nhất định, nếu có điểm số bằng với một tỉnh miền núi thì cần đánh giá sự cố gắng của lãnh đạo tỉnh miền núi đó cao hơn lãnh đạo một tỉnh đồng bằng, thành phố mới là công bằng.

PCI của mỗi địa phương rõ ràng cũng là một kênh tham khảo quý báu đánh giá năng lực của người lãnh đạo, điều hành địa phương đó, không có lý gì chúng ta không tận dụng để hỗ trợ công tác tạo nguồn cán bộ, bổ sung vào lực lượng lãnh đạo kế cận.

Hành Thiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.