Ông Tâm “có dấu hiệu che giấu tội phạm”

19/07/2011 00:39 GMT+7

Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi công luận lên tiếng việc ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên Đội trưởng QLTT số 5) thường xuyên vượt biên giới sang Campuchia đánh bạc và có quan hệ tình ái với bà Trần Thúy Liễu, vợ nhà báo Lê Hoàng Hùng, tại 2 cuộc họp kiểm điểm của tổ Đảng và chi bộ Đảng Chi cục QLTT Long An sau đó, ông Tâm chỉ thừa nhận “vài lần” đi đánh bạc. Thế nhưng, qua thẩm tra của Đảng ủy khối cơ quan tỉnh và văn bản trả lời của Giám đốc Công an tỉnh Long An, số 376/CV-CAT(PC45) mới đây, thì sự thật hoàn toàn ngược lại.

Theo kết luận của cơ quan điều tra thì: “Ông Tâm nhiều lần đi cùng bà Trần Thúy Liễu đến các nhà nghỉ và nhà riêng của bà Liễu để quan hệ tình dục. Ông Tâm nhiều lần vượt biên giới sang Campuchia đánh bạc tại các casino. Nghiêm trọng hơn, sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại, ông Tâm có biểu hiện che giấu tội phạm, thể hiện qua việc ông Tâm thường xuyên điện thoại liên lạc với bà Liễu và 2 lần đến tận nhà bà Liễu để động viên, hướng dẫn cách trả lời đối phó với cơ quan điều tra. Cụ thể, ông Tâm khuyên bà Liễu cứ an tâm giữ gìn sức khỏe, đừng sợ công an. Công an muốn bắt người phải có chứng cứ, nếu không thì phải bồi thường! Chính vì vậy mà bà Liễu đã quanh co, chậm ra tự thú, gây khó khăn cho công tác điều tra...”.

 

Ông Nguyễn Văn Tâm - Ảnh: H.PH

“Việc ông Tâm kinh doanh khăn lạnh (thực chất là bán giùm cho bà Trần Thúy Liễu) bắt đầu từ tháng 1.2009 tại địa bàn huyện Cần Giuộc bằng cách tập kết khăn lạnh tại Đội QLTT số 6 rồi giao cho ông Võ Thanh Sơn (kiểm soát viên) trực tiếp đi bỏ mối và nhận tiền tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Đổi lại, trong thời gian mua khăn lạnh của ông Tâm, các nhà hàng, quán ăn, không bị QLTT kiểm tra hành chính”. Mặt khác, theo Đảng ủy khối thì việc ông Tâm sang Campuchia để “theo dõi, nắm luồng tuyến buôn lậu” là không có trong chương trình, kế hoạch, không có quy định nào của ngành và của Chi cục QLTT cho phép, đồng thời cấp ủy cũng không hề biết có chủ trương này”.

 

Bức thư bà Liễu viết gửi cho ông Tâm để thông báo tình hình khi bị cơ quan điều tra thẩm vấn

Theo Đảng ủy khối cơ quan tỉnh Long An thì trong quá trình tổ chức kiểm điểm, ông Tâm đã thiếu tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm. Là một đảng viên, cán bộ cấp ủy, nhưng ông Tâm “đã suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, cờ bạc, cố ý vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín cán bộ, đảng viên, gây dư luận xấu cho tổ chức, không còn đủ tư cách... cần phải có hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi vi phạm. Vì vậy đề xuất Ban Thường vụ Đảng ủy khối thi hành kỷ luật với hình thức khai trừ Đảng và buộc thôi việc, hoặc ít nhất là chuyển đương sự ra khỏi ngành...”.

Nhắc lại, sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại, cơ quan điều tra đã liên tục triệu tập bà Trần Thúy Liễu để lấy lời khai, nhưng bà Liễu luôn phủ nhận mọi liên quan đến cái chết của chồng. Thậm chí còn bịa đặt ra chuyện ông Hùng tự sát. Tương tự, khi gia đình bà Liễu cung cấp những bức thư của bà Liễu gửi cho ông Tâm, chúng tôi đã 2 lần tiếp xúc với ông Tâm, nhưng ông luôn khẳng định mình không liên quan gì tới vụ án, không có quan hệ tình ái với bà Liễu, cũng không hề điện thoại, không gặp bà Liễu và không biết nét chữ của bà Liễu… Vậy mà sau đó, có chứng cứ cho thấy, chỉ trong một tháng rưỡi, từ số máy điện thoại di động của ông Tâm đã liên lạc vào số máy của bà Liễu đến 1.073 cuộc gọi và tin nhắn!

* Chiều 18.7, trả lời về việc ông Nguyễn Văn Tâm “có dấu hiện che giấu tội phạm” như kết luận của công an, như vậy ông Tâm có tiếp tục bị điều tra xử lý hay không, thượng tá Phạm Hữu Châu, người phát ngôn Công an tỉnh Long An nói: “Vì vụ án vẫn đang được điều tra nên tôi chưa thể trả lời. Xin hãy chờ kết luận điều tra”.

* LS Trần Thanh Phong, Đoàn luật sư TP Cần Thơ: “Theo BLHS thì hành vi khách quan của che giấu tội phạm là gây khó khăn, gây trở ngại nghiêm trọng cho việc phát hiện, xử lý tội phạm... Nhưng nếu có sự hứa hẹn trước với người phạm tội thì không cấu thành tội che giấu tội phạm mà là đồng phạm tội giết người. Người có hành vi che giấu có thể bị xử lý về hành vi của người được che giấu trước đó với vai trò đồng phạm.

Điều 313 BLHS cũng nêu rõ: Hành vi không tố giác tội phạm được thực hiện dưới dạng không hành động, không tố giác với người có thẩm quyền về tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà mình biết rõ. Theo tôi thì điều này còn tùy thuộc vào chứng cứ của cơ quan điều tra. Nhưng nếu trường hợp biết việc giết người mà không tố giác thì chuyển qua hành vi có dấu hiệu không tố giác tội phạm chớ không phải là che giấu tội phạm”.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.