Dùng thuốc “đẩy” chiều cao

05/08/2011 09:42 GMT+7

“Cao thêm, cao nữa...” luôn là khát khao của những bậc cha mẹ có con mang chiều cao khiêm tốn. Do đó, khi hormon tăng trưởng (GH) được đồn đoán như một loại thuốc “phù thủy” giúp tránh xa chữ “lùn” thì nhiều gia đình không tiếc tay chi cả trăm triệu đồng mỗi năm để đẩy chiều cao “cục cưng”.

Và không chỉ có trẻ em, nhiều người đã ngoài 20-30 tuổi vẫn vật vã tìm đến các loại hormon tăng trưởng, hi vọng mong manh mà hậu quả lại lớn...


Cho trẻ chơi thể thao cũng là cách giúp tăng trưởng chiều cao - Ảnh: Quân Nam

Hội chứng “cuồng” hormon

Trên nhiều trang web, hormon tăng trưởng cùng các loại vitamin có khả năng làm dài xương vẫn được quảng bá như loại thuốc thần diệu cho những ai không có được chiều cao mơ ước.

Nhiều phụ huynh coi GH như một loại thực phẩm chức năng dành cho nhà giàu với suy nghĩ đơn giản “túi có tiền, chân tất... miên man”. Thực tế, việc dùng GH cho người bình thường có nhu cầu tăng chiều cao vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Theo nhiều nghiên cứu, việc dùng GH ở người bình thường có thể giúp tăng thêm từ 3,5-7,5cm.

Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính cá thể, vô số người dùng thuốc mà không tăng thêm centimet nào. GH lúc này sẽ kích thích tăng trưởng không chọn lọc, khiến người bệnh khóc dở mếu dở vì thuốc phát huy tác dụng... không đúng chỗ. Nhiều người trưởng thành dùng thuốc khi xương đã cốt hóa khiến các đầu chi to phồng ra, các xương gò má gồ lên, mặt mày biến dạng.

Chị N.T.N. (25 tuổi, Hà Nội) đang phải điều trị tại Bệnh viện Nội tiết trung ương do dùng GH để làm đẹp da và tăng chiều cao. Song mục tiêu làm đẹp chưa đạt được thì phần đầu xương tứ chi và gò má đã bị tăng trưởng quá cỡ bất thường.

Thực tế, hội chứng “cuồng” GH không chỉ xảy ra ở nhiều gia đình có con thấp bé tại Việt Nam. Nước Úc đang phải đối mặt với tình trạng này trong suốt thời gian dài do ngành y tế chấp nhận miễn phí thuốc cho người dùng. Giá thuốc đắt nhưng được chính phủ đài thọ nên phụ huynh ép con mình dùng - mặc kệ cảnh báo thuốc có thể làm tăng áp lực nội sọ, gây đau đầu.

Bác sĩ Vũ Chí Dũng, trưởng khoa nội tiết - chuyển hóa - di truyền Bệnh viện Nhi trung ương, cho hay trước “vấn nạn” này, Hội nghị nội tiết châu Á - Thái Bình Dương tháng 11-2010 đã phải đưa ra khuyến cáo không được dùng GH bừa bãi trong cộng đồng.

Với trẻ thấp không rõ nguyên nhân (không nằm trong nhóm bệnh lý cần chỉ định), GH chỉ được dùng khi ám ảnh chiều cao làm cho gia đình đứa trẻ quá căng thẳng.

Theo dõi tăng trưởng chiều cao từ sơ sinh

Vậy thật sự GH là gì? Bình thường trong cơ thể, GH là loại hormon kích thích cơ thể dài ra và lớn lên. Nhiều người bị lùn do bẩm sinh thiếu hụt GH, không điều trị sẽ chỉ dừng lại ở chiều cao tối đa 1,2m với nữ, 1,3m với nam, cần bổ sung GH như một liệu pháp điều trị thay thế. Nhưng đã đến tuổi trưởng thành, xương cốt hóa xong thì GH không thể thúc đẩy chiều cao thêm nữa.

Ngoài ra, GH còn được chỉ định giúp tăng chiều cao cho trẻ gái mắc hội chứng Turner, trẻ chậm phát triển trong bào thai mà đến 4 tuổi không bắt kịp được chiều cao của trẻ bình thường, trẻ chậm phát triển chiều cao trong suy thận mãn...

Gần đây, chỉ định này được mở rộng thêm ở trẻ mang hội chứng Prader Willi. Đây là bệnh lý có thể nhận biết từ giai đoạn đầu đời: trước 2 tuổi, đứa trẻ có biểu hiện giảm trương lực cơ toàn thân (khi còn trong bụng mẹ thì đạp yếu, giai đoạn sơ sinh khóc nhỏ, người mềm nhũn), thiểu năng sinh dục (bộ phận sinh dục nhỏ, ở bé trai thêm biểu hiện ẩn tinh hoàn).

Sau 2 tuổi, trẻ ăn nhiều, béo phì lên, dễ mắc tiểu đường, bàn tay, bàn chân nhỏ, khoảng cách hai thái dương hẹp, cằm nhỏ... Hội chứng Prader Willi yêu cầu bổ sung GH càng sớm càng tốt (có thể trước 1 tuổi).

Song không phải cứ thấp là đổ cho sự thiếu hụt GH. “Trẻ sẽ được khai thác rất kỹ tiền sử thời kỳ người mẹ mang thai và lúc đứa trẻ chào đời. Sau đó sẽ được xét nghiệm, đo tuổi xương... Thực tế, 10-20% số trẻ bị suy dinh dưỡng thời kỳ bào thai không bao giờ đuổi kịp được sự phát triển của đứa trẻ bình thường”, bác sĩ Dũng nói.

Việc theo dõi chiều cao cần được bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh, nhưng phần lớn đều phát hiện bệnh muộn. Trẻ vào lớp 1, xếp hàng, phụ huynh thấy con em mình thấp hơn hẳn bạn bè cùng lứa mới tá hỏa tìm thầy, tìm thuốc. Song, kể cả khi đã muộn, nhiều người vẫn không tìm được ngay chuyên khoa điều trị. Đa số tìm đến chuyên gia dinh dưỡng, thay đổi chế độ ăn, bổ sung thực phẩm không kết quả, vòng vèo mãi mới hay con mình thiếu hụt GH.

Nhiều trẻ 14-15 tuổi mới được đến viện xét nghiệm, xương đã cốt hóa hết, không thể đáp ứng với thuốc, chiều cao không cải thiện được nữa.

Hiện tại, Bệnh viện Nhi trung ương đang điều trị cho hơn 50 bệnh nhi dùng liệu pháp GH để tăng trưởng chiều cao. GH sẽ được dùng trường kỳ cho đến khi xương cốt hóa xong. Liều dùng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ, trẻ càng nặng cân, liều dùng càng lớn, chi phí càng cao.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một lọ GH 3,33mg có giá 1,65 triệu đồng. Liều dùng được tính theo cân nặng 0,25-0,5mg/kg/ngày, nghĩa là một đứa trẻ 25kg sẽ phải mất 100 triệu đồng/năm điều trị.

Theo bác sĩ Vũ Chí Dũng, chiều cao của trẻ chịu tác động của nhiều yếu tố như di truyền từ bố mẹ, ảnh hưởng từ chế độ dinh dưỡng, bệnh tật của đứa trẻ.

Một tác động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chiều cao mà ít người quan tâm chính là môi trường sống. Nếu thường xuyên sống trong không gian thiếu ánh sáng, trẻ bị thiếu vitamin D, chiều cao sẽ bị hạn chế đáng kể.

Chiều cao của trẻ được tính theo hai cách:

* Cách thứ nhất: Chiều cao cuối cùng lúc trưởng thành = chiều cao lúc trẻ 2 tuổi x 2

* Cách thứ hai:

- Chiều cao của trẻ trai lúc trưởng thành = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ + 13) : 2

- Chiều cao của trẻ gái lúc trưởng thành = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ - 13) : 2

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.