Chưa khai thác được khách tàu biển

09/08/2011 18:20 GMT+7

Với một bờ biển trải dài và nhiều điểm đến hấp dẫn, Việt Nam có thừa lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển quốc tế. Nhưng cơ sở hạ tầng yếu kém cùng dịch vụ nghèo nàn đã cản trở thị trường này phát triển.

Hầu như tháng nào Saigontourist cũng đón tàu biển chở khách quốc tế cập cảng và đi tham quan xuyên Việt, có chuyến chở hơn 3.000 người. Khách tàu biển vào Việt Nam chủ yếu đến từ châu u, Bắc Mỹ, Úc và Hồng Kông, Nhật Bản... Đây là những vị khách giàu có, khả năng chi tiêu trung bình 1.000 - 1.500 USD/người/ngày. Hành trình của mỗi tàu đưa khách đến chục quốc gia trên thế giới. Ở mỗi nước, khách không chỉ dừng lại ở một điểm mà tham quan nhiều địa danh. Thông thường tại Việt Nam, tàu cập cảng ở TP.HCM rồi tham quan nội thành, Củ Chi, Mỹ Tho; di chuyển ra miền Trung sẽ dừng ở Nha Trang, Đà Nẵng, tới Hội An, Huế; miền Bắc, tàu cập cảng ở Hạ Long và khách hành hương về Yên Tử; thăm Lăng Bác, Văn Miếu…

Theo ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du Ngoạn Việt, một đơn vị chuyên đón khách tàu biển, Việt Nam có nhiều cảng dọc theo bờ biển; xung quanh các cảng này có những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và cơ sở hạ tầng du lịch tương đối tốt. Đó là những thuận lợi để hấp dẫn với khách tàu biển quốc tế. Đối với các hãng lữ hành, đón được khách tàu biển đồng nghĩa với việc tiếp cận một thị trường khách cao cấp bậc nhất. Nhưng hiện ở Việt Nam, số lượng công ty đón khách tàu biển đoàn lớn chỉ đếm được trên đầu ngón tay do không đáp ứng được yêu cầu rất cao từ đối tác nước ngoài về tính chuyên nghiệp.

Không chỉ hạn chế về việc ít đón khách tàu biển, chi xài của khách tàu biển đến VN cũng rất khiêm tốn. Trên thực tế, khả năng tiêu xài của khách tàu biển rất cao, họ thường mua nhiều quà lưu niệm. Tuy nhiên, theo ông Anh, khách tàu biển chỉ có thể xài trung bình 100 USD/ngày ở Việt Nam, quá thấp so với mức chung ở những nước khác. Lý do, hàng lưu niệm ở trong nước không đa dạng về chủng loại và phong phú hình thức, nên khách không mua gì nhiều. Các cửa hàng lưu niệm quy mô nhỏ, không đủ sức chứa hàng trăm khách; sản phẩm ở chợ Bến Thành kém hấp dẫn khách cao cấp. Trong khi ở Thái Lan, ngành du lịch có cả một ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm nhắm vào khách tàu biển. Vì vậy, nếu chỉ có nguồn thu từ cung cấp dịch vụ vận chuyển, ăn uống cho khách, thì du lịch Việt Nam chỉ mới “ăn” phần ngọn nhỏ bé của thị trường này, còn gốc rễ to lớn, đầy lợi nhuận lại thuộc về các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia…

Ngoài ra, theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng Tiếp thị của Saigontourist, nhiều năm nay tàu du lịch nước ngoài đều phải cập “ké” các cảng hàng hóa ở trong nước, mà chưa có một cảng du lịch nào. Công năng của cảng hàng hóa, với hàng hàng lớp lớp container, dầu nhớt… không phù hợp với du khách. Nếu hôm nào cảng có nhiều tàu hàng thì tàu du lịch đành chịu thua. Cảng du lịch của các nước được thiết kế bắt mắt, khách vừa bước ra khỏi tàu là có thể mua sắm, ngắm cảnh, ăn uống, thư giãn. Tại TP.HCM, kể từ khi cầu Phú Mỹ được xây, tàu lớn không thể vào cảng Nhà Rồng do độ tĩnh không thấp, nên phải đậu ở các cảng xa như cảng NaviOil, Tân Cảng, Hiệp Phước, Thị Vải. Đường sá từ cảng vào trung tâm lại thường xuyên bị kẹt, xa xôi nên khách bất tiện đủ đường.

Bên cạnh đó, các hãng lữ hành thừa nhận đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của một số ngôn ngữ như tiếng Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Nga không đủ, nên nhiều công ty không dám đẩy mạnh tiếp thị thị trường khách này. Theo Tổng cục Du lịch, trong 7 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đón 22.000 khách tàu biển, giảm khoảng 22% so cùng kỳ. Riêng Saigontourist đón 14.300 khách, trong khi cả năm ngoái đón tới 60.000 khách. Nguyên nhân giảm sút chắc chắn có phần từ những yếu kém cạnh tranh kể trên. 

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.