Dân khóc vì dự án treo!

30/09/2011 17:39 GMT+7

Triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay dự án (DA) vẫn chưa khởi công khiến hàng trăm hộ dân lâm cảnh khốn khổ.

Vào tháng 6.2008, ông Trương Minh Tới - Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành, Tiền Giang, họp dân thông báo kế hoạch giải tỏa hơn 200 hộ dân ở 3 ấp Thân Đức, Thân Hòa (xã Thân Cửu Nghĩa) và ấp Rẫy (thị trấn Tân Hiệp) để lấy đất xây dựng khu dân cư Tân Thạnh Hưng. Vậy mà hơn một năm sau DA vẫn chưa triển khai. Sau đó UBND huyện lại họp dân thông báo sẽ có đoàn tới đo đạc. Đo đạc xong, DA tiếp tục “treo” đến tháng 8 vừa rồi thì chính quyền cho biết sẽ đo đạc lại… các con đường công cộng nằm trong vùng DA.


Căn nhà này đã đập để di dời nhưng người dân còn chừa lại bức tường chờ bồi thường - Ảnh: H.P 

Hơn 3 năm DA đình trệ, cuộc sống người dân càng thêm khó khăn. Nhiều trường hợp nhà bị xiêu vẹo, sắp sập nhưng không dám sửa chữa. Vườn tược bị bỏ hoang trong khi cây trái thì không dám trồng. Ông Ngô Anh Xuân (ấp Thân Đức) cho biết: “Đã có nhiều trường hợp người già qua đời không dám chôn trên đất nhà nên phải chạy mua đất ở ấp khác cách hơn 10 km. Hoặc như trường hợp bà nội anh Phạm Văn Sang, khi gia đình hỏi thì cán bộ ấp nói không biết. Bí quá họ đánh liều chôn tại chỗ rồi tới đâu hay tới đó. Rồi trường hợp ông Hai T., cũng chôn đại trên đất nhà nhưng UBND xã cử người tới yêu cầu gia đình phải viết cam kết khi giải tỏa thì không được bồi thường”.

Lại có những trường hợp khi nhận thông báo giải tỏa, nhiều người tưởng là sắp có tiền đền bù nên chạy vay nóng ở bên ngoài để di dời và sửa nhà trước với lãi suất 7-8%/tháng.

Theo quy hoạch tổng thể thì khu dân cư Tân Thạnh Hưng có diện tích khoảng 29 ha, được phê duyệt theo quyết định của UBND H.Châu Thành, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư và xây dựng Tiền Giang. Ngoài đường giao thông, công viên, chợ, DA này có 981 căn nhà bao gồm nhà vườn và nhà liên kế. Thực chất đây là DA kinh doanh bất động sản, vậy mà đến giờ người dân bị thu hồi đất vẫn chưa biết họ được bồi thường với giá bao nhiêu, đồng thời sau khi bị giải tỏa trắng sẽ di dời đi đâu.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Lê Công Tạo - quyền Trưởng ban Quản lý DA đầu tư và xây dựng H.Châu Thành, cho biết: “Việc triển khai chậm là do vướng 10 con đường nội bộ đo đạc chưa chính xác. Cụ thể là trước đây xác định phần đường thuộc đất của dân, còn bây giờ là đất công cộng, nên phải đo đạc lại”. Chúng tôi hỏi sau khi bị giải tỏa thì người dân sẽ đi đâu? Ông Tạo cho biết huyện đang chọn phương án đất đổi đất. Theo đó, sau khi thu hồi đất, san lấp mặt bằng và tính hết các chi phí, căn cứ vào diện tích bị giải tỏa người dân sẽ được đổi ngang lấy số nền tương ứng với số tiền được đền bù (theo giá đất nông nghiệp). Nếu không đồng ý nhận nền thì một nhà đầu tư thứ ba sẽ đứng ra chi trả số tiền đền bù để người dân tự tìm mua đất ở nơi khác.      

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.