Bỏng điện

19/10/2011 23:27 GMT+7

Bỏng điện, nhất là điện cao thế, rất nguy hiểm, di chứng nặng nề.

Tai nạn khi gần điện cao thế

Có nhiều hộ gia đình xây nhà sống quá gần đường điện cao thế. Vì vậy tai nạn dễ xảy ra. Nhẹ nhất là bỏng, nặng hơn là bị điện giật tử vong. Trường hợp của anh Nguyễn Văn D. (22 tuổi, ở Hưng Yên) mới đây là một ví dụ. D. cùng một nhóm bạn liên hoan tại nhà người bạn, nhà này xây sát đường điện cao thế, ngay tại ban công tầng 2 là đường điện đi qua. Đang tiệc, D. ra ban công nghe điện thoại và bị phóng tia lửa điện siêu mạnh khiến D. ngã lăn, vì sóng điện từ, vật thể kim loại mang trên người (dây chuyền) quá gần với đường dây cao thế. Tia lửa điện làm bỏng mặt còn bàn chân D. bị dòng điện đi qua làm đen thui. D. nhập Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) điều trị và phải đối mặt với tình trạng tháo các ngón chân.

Bỏng điện là nguy hiểm nhất

Khác với các loại bỏng khác như bỏng lửa, bỏng nước sôi, bỏng điện là loại bỏng nguy hiểm nhất. Nếu các loại bỏng khác thường gây ra bỏng từ ngoài vào trong, thì bỏng điện lại gây bỏng từ trong ra ngoài. Bỏng điện xảy ra khi chúng ta bị tiếp xúc với đường điện cao thế, bị điện giật, đứt dây điện, cột điện đổ và trong các trường hợp nhà xây sát đường điện.

Biểu hiện bên ngoài của bỏng điện không có các nốt phỏng nước hay các đám đỏ rát da như trong bỏng nước sôi, mà là các đốm da cháy đen tại vị trí đường điện đi qua. Một vài ngày sau, các đoạn cơ thể tiếp theo cứ lần lượt bị hoại tử và chết, đến đoạn nào mà dòng điện không còn tác dụng nữa thì thôi. Vì thế thường là trong những giờ đầu tiên, trông nạn nhân không nghiêm trọng nhưng càng về sau, bệnh biểu hiện ra càng rõ. Dòng điện càng cao, thời gian tiếp xúc càng lâu thì mức độ bệnh càng nguy hiểm. Có bệnh nhân phải tháo chân hay tháo tay do bỏng điện, nếu không sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc đe dọa tính mạng. Bỏng điện sẽ càng nguy hiểm hơn nếu vị trí dòng điện đi vào gần với não bộ và tim như đầu, ngực, tay trái.

Sơ cứu cho nạn nhân bỏng

Với bỏng điện, việc duy nhất phải làm ngay là tách nạn nhân ra khỏi đường điện càng sớm càng tốt. Sử dụng các dụng cụ cách điện như cây khô, gậy khô, gậy nhựa để tách đường điện ra khỏi nạn nhân. Tuyệt đối không dùng tay lôi nạn nhân ra vì sẽ gây hiệu ứng điện giật “dây chuyền”. Ngay sau đó đặt nạn nhân trong tư thế nằm trên nền cứng, tốt nhất là nền nhà để cơ thể giải phóng điện tích ở trong các mô. Sau đó khẩn trương làm hô hấp nhân tạo để cứu sống nạn nhân. Không được chuyển bệnh nhân nếu bệnh nhân chưa tỉnh hẳn. Nếu có phương tiện, chúng ta vừa chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất vừa hô hấp nhân tạo để tăng cơ hội sống sót.

BS Yên Lâm Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.