Nông dân lao đao vì thời tiết

04/12/2011 00:35 GMT+7

Đó là tình cảnh của bà con nhiều ngành nghề hiện nay. Mỗi nơi một cảnh, nơi bất ngờ, nơi đã phòng chống nhưng họ đều có chung một kết cục, rơi vào khốn cùng vì thời tiết bất thường.

Đó là tình cảnh của bà con nhiều ngành nghề hiện nay. Mỗi nơi một cảnh, nơi bất ngờ, nơi đã phòng chống nhưng họ đều có chung một kết cục, rơi vào khốn cùng vì thời tiết bất thường.

Hành ế

Có mặt tại xã đảo An Bình, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào những ngày này mới thấu hiểu hết nỗi khổ cực, vất vả của bà con nông dân. Hàng chục tấn hành củ vừa thu hoạch xong phải đổ đi vì bị ướt nước mưa dẫn đến thối rữa. Hàng trăm tấn hành củ thu hoạch trước đó cũng lo bán đổ, bán tháo cho tư thương với giá rẻ mạt vì không có nơi tiêu thụ. Trên 100 hộ nông dân với trên 500 nhân khẩu đã khổ nay lại khổ hơn, bởi tất cả vốn liếng mà họ đầu tư cho vụ hành này gần như mất trắng.

Bà Trần Thị Hoa, ở khu dân cư số 1, xã đảo An Bình, buồn bã cho biết đầu tháng 11 âm lịch, thời tiết thuận lợi, nắng ráo nên nông dân chắc mẩm vụ hành này sẽ trúng to, đời sống sẽ bớt khổ. Nào ngờ chỉ mấy ngày biển động, trời chuyển mưa dầm mưa dề, tàu thuyền không thể qua lại nên trên 1,5 tấn hành củ của gia đình bà đã thu hoạch về nhà bị thối rữa phân nửa, tư thương đến hỏi mua nhưng chỉ nhìn rồi bỏ đi. Giờ gia đình bà chẳng biết xoay xở ra sao với số hành này.

 
Còn gần 2 tháng nữa mới đến tết, nhưng nhiều vườn mai đã nở vàng - Ảnh: An Lạc 

Còn tại gia đình ông Phạm Văn Trọng, ở khu dân cư số 2, hơn 2 tấn hành củ thu hoạch về được chất đầy nhà, tràn cả ra sân vì chưa tiêu thụ được. Ông Trọng nói: “Mọi năm giá hành trên dưới 20.000 đồng/kg thì gia đình cũng có của ăn của để và lo cái áo, tấm bánh tết cho sắp nhỏ. Năm nay giá hành hạ chỉ 6.000 - 7.000 đồng/kg nhưng cũng không có người hỏi mua, không biết tết này ra sao”.

Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch UBND xã đảo An Bình, cho biết vụ hành thu đông hằng năm là nguồn thu nhập chính của trên 100 hộ dân xã đảo. Việc xây nhà xây cửa, mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình rồi nuôi con ăn học đều trông chờ vào vụ hành này. Hành rớt giá, không có nơi tiêu thụ, đồng nghĩa với đời sống của bà con sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

Mai nở sớm

Trong khi đó, nhiều nhà vườn trồng mai ở ĐBSCL cũng đang khốn khổ vì còn gần 2 tháng nữa mới đến tết Nhâm Thìn mà mai đã nở hoa vàng rực.

Ông Út Châu, chủ vườn mai ở phường Tân Quy Đông (thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) rầu rĩ: “Mai vàng là cây không thể thiếu trong ngày tết, do đó nhà vườn nào cũng đầu tư o bế mai vàng cho đẹp và ra hoa đúng dịp tết để mong bán được giá cao. Nào ngờ mấy ngày qua nhiều cây mai đâm bông nở hoa sớm, khiến tụi tui mất ăn mất ngủ”.

Ông Bảy Việt, người có thâm niên trồng mai tết ở làng hoa thị xã Sa Đéc, cho biết: “Thời tiết diễn biến thất thường khiến nhà vườn trở tay không kịp, trong đó có nhiều vườn mai bị ngập lũ làm cây đâm bông và ra hoa sớm. Dù đã áp dụng nhiều nhiều giải pháp xử lý nhưng kết quả chưa như mong muốn. Hơn 2.000 gốc mai của gia đình tôi đang lo vì chuyện nở sớm”.

Tại Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long... nhiều vườn mai cũng đang... khoe sắc. Ông Nguyễn Văn Trung (ở H.Bình Tân, Vĩnh Long) lắc đầu: “Chẳng hiểu sao năm nay mai trong vườn đua nhau nở hoa sớm hơn 2 tháng, dù tỷ lệ không nhiều nhưng mai nở kiểu này thì đến tết rất khó bán được giá cao”. Tại “Vương quốc hoa kiểng” Chợ Lách (Bến Tre), ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ vườn mai hơn 300 gốc ở xã Vĩnh Thành, buồn bã: “Thấy thời tiết thường hay trở chứng nên từ đầu năm đến nay nhà vườn theo dõi chặt để xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng mai ra hoa trước tết. Thế nhưng lũ lớn ập vào vườn mai, khi lũ rút đi thì nhiều cây đâm nụ, nở bông… Giỏi cách mấy cũng đành chịu chết”.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết mỗi năm huyện này cung ứng cho thị trường xa gần khoảng 10 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại; trong đó dành cho dịp tết khoảng 4,5 triệu sản phẩm, riêng mai vàng từ 1,5 - 1,7 triệu cây. Kết quả khảo sát sơ bộ mới đây cho thấy rất nhiều vườn mai đã đâm bông sớm hơn kế hoạch, tuy tỷ lệ mai ra hoa sớm không lớn nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến thị trường tết.

Còn theo ông Phạm Anh Dũng, Phó phòng Kinh tế thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), năm nay nhà vườn Sa Đéc trồng hơn 100 ha hoa kiểng phục vụ thị trường tết 2012, với nhiều chủng loại phong phú; trong đó mai khoảng hơn 10.000 cây. Dù đã chuẩn bị chu đáo nhưng do lũ lớn ập đến gây ngập trên diện rộng khiến nhiều vườn mai ra hoa sớm, ngành chức năng đang hỗ trợ nhà vườn biện pháp xử lý để giảm thiệt hại.

Giới thương lái kinh doanh mai tết ở Đồng Tháp cho biết thêm, hiện mai vàng được đặt mua tại vườn với giá 500 ngàn đồng/cây (loại cao 1 mét); 1,2 -  1,5 triệu đồng/cây (loại cao 2 mét)… Do ảnh hưởng lũ lớn ở ĐBSCL nên lượng mai vàng cung ứng cho thị trường tết năm 2012 khả năng sẽ giảm. Đối với những vườn mai đã ra hoa sớm đang được các nghệ nhân, nhà vườn, ngành nông nghiệp… tích cực xử lý, nhưng mai tết sẽ không được đẹp như mong muốn.

An Lạc - Văn Mịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.