Miền Bắc khô hạn, miền Nam ẩm ướt

20/12/2011 15:58 GMT+7

(TNO) Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư vừa mới “tổng kết” diễn biến thời tiết, thủy văn cả nước trong năm 2011 và đưa ra những nhận định mới nhất về rét, khô hạn từ nay đến hết tháng 4.2012.

(TNO) Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư vừa mới “tổng kết” diễn biến thời tiết, thủy văn cả nước trong năm 2011 và đưa ra những nhận định mới nhất về rét, khô hạn từ nay đến hết tháng 4.2012.

Năm 2011: Bão không mạnh, lũ đặc biệt lớn

Năm 2011, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện trên biển Đông sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đầu tháng 4 đã xuất hiện ATNĐ trên khu vực phía nam biển Đông và đến tháng 12 vẫn còn xuất hiện ATNĐ trên khu vực này.

Số cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương ít hơn so với TBNN nhưng hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta ở mức tương đương TBNN.

Tính đến nay, đã có 7 cơn bão và 7 ATNĐ, trong đó có 5 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Các cơn bão nhìn chung đều có cường độ không quá mạnh, hướng di chuyển cũng tương đối “hiền” so với những mùa mưa bão trước.

Trên phạm vi cả nước, mùa mưa đến sớm hơn so với bình thường nhưng tổng lượng mưa phân bố không đồng đều về diện và lượng, có nơi thiếu hụt, có nơi lại cao hơn TBNN.

 
Sông Hồng sẽ lại cạn trơ đáy - Ảnh: Q.D

Khu vực ven biển phía đông Bắc bộ và đồng bằng Bắc bộ ở mức xấp xỉ TBNN, riêng các tỉnh vùng núi phía bắc ở mức thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Trên các hệ thống sông Bắc bộ ít lũ, chỉ có 4 - 5 đợt lũ vừa và nhỏ trên mỗi sông, không có lũ lớn. Đỉnh lũ chỉ vượt báo động (BĐ) 1 trên sông Thao (tại Yên Bái) và trên sông Đà (đến hồ Sơn La), các sông khác đều dưới BĐ1.

Đặc biệt, trong tháng 8 và 9 là tháng lũ chính vụ, các trị số mực nước đặc trưng cao nhất, thấp nhất và trung bình tháng trên sông Hồng tại Hà Nội đều xuống mức thấp nhất lịch sử từ khi có số liệu quan trắc. Mực nước thấp nhất sông Lô tại Vụ Quang trong tháng 8 và 9 cũng đạt trị số thấp nhất cùng kỳ.

Tại Trung bộ, lượng mưa các tháng phổ biến cao hơn TBNN, từ tháng 9 đến nay đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn có cường độ mạnh và tổng lượng mưa lớn, nhất là các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, lượng mưa mỗi đợt phổ biến 100 - 200mm, có đợt 220 - 300mm. Trong đó có 5 đợt đặc biệt lớn với lượng mưa 200 - 400mm, có nơi 600 - 800mm gây ra các đợt lũ lụt lớn, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Tại Tây Nguyên và Nam bộ, lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn một ít so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa mưa ở Nam bộ kết thúc muộn, sang đến đầu tháng 12 vẫn còn xuất hiện 1 đợt mưa diện rộng, có nơi mưa vừa.

 
Lũ lớn gây thiệt hại nặng nề - Ảnh: Q.D

Trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện 8 đợt lũ vừa và lớn gây ngập lụt cho các tỉnh miền Trung, làm thiệt hại khá nặng nề cho các địa phương. Trong đó, đợt lũ xảy ra từ 23 - 25.6 trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An đã xuất hiện lũ lịch sử trên sông Nậm Mô tại Mường Xén.

Trên sông Cửu Long, lũ xuất hiện sớm và cao hơn TBNN từ 0,1 - 0,5m và đến giữa tháng 8, tại Tân Châu đã vượt mức BĐ1. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 đã xuất hiện một đợt đặc biệt lớn, đỉnh lũ tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long vượt mức BĐ3 từ 0,2 - 0,5m.

Đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 4,86m (ngày 29.9), cao hơn BĐ3 khoảng 0,36m, xấp xỉ đỉnh lũ năm 1996, cao hơn đỉnh lũ các năm 2001 và 2002. Trong khi đó tại Châu Đốc đạt đỉnh là 4,27m (ngày 12.10), cao hơn BĐ3 khoảng 0,27m, thấp hơn đỉnh lũ các năm 1996, 2000, 2001 và 2002.

Do lũ kết hợp với triều cường, một số nơi như Long Xuyên, Cần Thơ… đã vượt lũ lịch sử từ 0,1 - 0,2m. Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa, đỉnh lũ là 2,8m (ngày 20.10), trên BĐ3 khoảng 0,4m. Trên sông Sài Gòn tại Phú An là 1,58m (25.11) cao hơn BĐ3 khoảng 0,08m; cao hơn mực nước lịch sử 0,02m.

Từ nay đến tháng 4.2012: Mùa đông lạnh, khô hạn trên diện rộng

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, từ nửa cuối tháng 9 đến nay đã có 7 đợt gió mùa đông bắc và 4 đợt không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta. Đáng chú ý nhất, từ ngày 10 - 12.12, các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ, khu vực đồng bằng Bắc bộ và bắc Trung bộ đã có rét đậm, rét hại. Đây là đợt rét đậm đầu tiên trong mùa đông này, sớm hơn so với TBNN khoảng nửa tháng.

Ông Lê Thanh Hải - Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, hiện tượng La Nina đã quay trở lại, khiến cho mùa đông năm nay được dự báo là sẽ rét hơn so với TBNN.

Nền nhiệt độ trung bình từ nửa cuối tháng 12.2011 đến tháng 4.2012 tại Bắc bộ và bắc Trung bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với TBNN từ 1 - 2 độ C. Các khu vực khác nền nhiệt độ trung bình các tháng ở mức thấp hơn một ít với TBNN từ 0,5 - 1 độ C.

 


Mưa tuyết sẽ tái diễn tại Sa Pa - Ảnh: Quốc Hồng

Các đợt rét đậm, rét hại có khả năng tập trung xảy ra vào nửa cuối tháng 12.2011, các tháng 1 và 2.2012. Nhiều khả năng mưa tuyết, băng giá và sương muối sẽ xuất hiện tại các vùng núi cao như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai)… Tuy nhiên, mức độ và thời gian không kéo dài như mùa đông năm 2010 - 2011.

Về lượng mưa, các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, tại Bắc bộ, trong tháng 1 và 2.2012 sẽ ở mức xấp xỉ TBNN, tháng 3 và 4.2012 phổ biến ở mức cao hơn một ít so với TBNN.

Tại bắc Trung bộ lượng mưa các tháng tiếp theo phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN. Các tỉnh trung và nam Trung bộ từ nửa cuối tháng 12.2011 và tháng 1.2012 ở mức cao hơn so với TBNN, các tháng 2, 3 và 4.2012 ở mức cao hơn một ít so với TBNN cùng thời kỳ.

Nam bộ và Tây Nguyên phổ biến ở mức cao hơn một ít so với TBNN. Trong thời gian mùa khô có khả năng xảy ra các đợt mưa trái mùa nhiều hơn so với mùa khô năm 2010-2011.

Mùa khô năm 2012 sẽ tiếp tục xảy ra thiếu nước và khô hạn ở vùng Đông bắc, vùng núi phía Bắc và trung du Bắc bộ. Tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện sẽ căng thẳng trong các tháng cuối vụ.

Nắng nóng không quá gay gắt

Nền nhiệt độ trung bình các tháng từ tháng 5 đến nay tại các tỉnh miền Bắc phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN, riêng tháng 11 cao hơn TBNN cùng thời kỳ, một số nơi phía đông Bắc bộ nền nhiệt độ cao hơn từ 2 - 3 độ C. Các tỉnh phía nam phổ biến ở mức cao hơn một ít so với TBNN cùng thời kỳ.

Từ tháng 5 đến nay, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 8 đợt nắng nóng, tập trung chủ yếu ở Bắc bộ và Trung bộ. Các đợt nắng nóng xảy ra diện không rộng và mức độ ít gay gắt hơn so với năm 2010, nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 38 độ C, một số nơi cao nhất cũng chỉ lên tới trên 39 độ C.

Đợt nắng nóng kéo dài nhất diễn ra trong 15 ngày liên tiếp tại các tỉnh bắc và trung Trung bộ (từ ngày 4 - 18.6), nhiệt độ cao nhất cũng chỉ phổ biến 35 - 37 độ C, một số nơi trên 38 độ C.

Quang Duẩn

>> Bão số 7 tan, 4 tàu chìm và hư hỏng
>> Áp thấp nhiệt đới suy yếu
>> Bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
>> Bão số 7 cách Trường Sa 250 km

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.