Lỗ hổng an ninh hạt nhân

13/01/2012 00:07 GMT+7

Báo cáo mới nhất về tình hình an ninh nguyên liệu hạt nhân cho thấy còn lâu thế giới mới thoát khỏi sự ám ảnh từ vũ khí hủy diệt.

Trên thế giới, 32 quốc gia đang sở hữu vật liệu có thể chế tạo bom nguyên tử thường rất kín miệng về công tác an ninh. Người bình thường thì luôn chắc mẩm rằng những loại vật liệu nguy hiểm như vậy phải được khóa chặt bên trong những bức tường dày kèm theo lực lượng bảo vệ đông đảo. Thế nhưng, giới chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về những lỗ hổng an ninh chết người trong công tác bảo quản, gây nguy cơ lớn về việc những nguyên liệu này rơi vào tay các thế lực có thể đe dọa hòa bình thế giới.

Mới đây, các chuyên gia lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng biện pháp an ninh và rủi ro hạt nhân của 32 quốc gia trên. Kết quả khá bất ngờ và có thể làm bẽ mặt một số bên luôn ra mặt tự hào về công tác bảo vệ kho nguyên liệu đầy nguy hiểm này. Báo cáo này do tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân (NTI), có trụ sở tại Washington, hợp tác thực hiện với Công ty phân tích EIU, thuộc Tập đoàn Economist tại London. Theo Reuters, mục tiêu của 2 nhóm là thúc đẩy thế giới cùng nỗ lực nâng cao công tác an ninh hạt nhân, đồng thời khuyến khích các chính phủ tăng cường bảo vệ nguyên liệu nguy hiểm tránh lọt vào tay các tổ chức khủng bố.

 
Đặc nhiệm canh gác một cơ sở hạt nhân tại Pháp - Ảnh: AFP

Trọng tâm của đánh giá tập trung vào 2 nguyên liệu chính tạo nên vũ khí hạt nhân là plutonium và uranium làm giàu cấp độ cao. Tuy nhiên, báo cáo không đánh giá việc bảo vệ các vật liệu phóng xạ cao khác có thể dùng để chế tạo bom bẩn, theo tờ The New York Times ngày 12.1. Cuộc nghiên cứu dựa trên 18 khoản đánh giá như số lượng vật liệu hạt nhân, các biện pháp bảo vệ và an ninh vận chuyển cũng như các yếu tố xã hội như ổn định về chính trị và tham nhũng.

Hai thái cực Úc và CHDCND Triều Tiên

Điều bất ngờ là Úc chứ không phải Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng về an ninh hạt nhân với số điểm 94/100, The New York Times dẫn kết quả đánh giá cho hay. Tiếp theo là Hungary (89 điểm) và CH Czech (87 điểm). Trong các cường quốc phương Tây thì Anh xếp thứ 10 (79 điểm), Mỹ xếp thứ 13 (78 điểm), Pháp xếp thứ 19 (73 điểm).

Trong khi đó, sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Nhật Bản lọt xuống gần chót bảng, ở hạng 23, thấp hơn cả các nước như Kazakhstan và Nam Phi. Nhật chỉ được 68 điểm vì đang nắm trong tay một khối lượng lớn plutonium nhưng lại không được đánh giá cao về mặt nhân lực. Ngay tiếp theo là Nga với 65 điểm. Các quốc gia được chú ý về vấn đề hạt nhân là Israel (hạng 25), Trung Quốc (27) và Ấn Độ (hạng 28); đồng thời báo cáo cũng lưu ý là riêng trong tiêu chí minh bạch thì 3 nước này không được đánh giá cao.

Nước đội sổ là CHDCND Triều Tiên còn áp chót là Pakistan, nước luôn gây lo ngại về những biện pháp bảo vệ kho hạt nhân quá lỏng lẻo trong khi các lực lượng như Taliban và al-Qaeda luôn rình rập. Iran, “nhân vật chính” trong những diễn biến căng thẳng đang xảy ra ở vùng Vịnh, xếp thứ 30/32. Tehran một mặt luôn tuyên bố chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình nhưng mặt khác lại nghiên cứu làm giàu uranium.  

Báo cáo của NTI và EIU được công bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân tại Hàn Quốc, dự kiến diễn ra trong tháng 3, theo AFP. Tại hội nghị năm 2010 ở thủ đô Washington của Mỹ, hơn 50 quốc gia đã cam kết kiểm soát chặt chẽ hơn các vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá mục tiêu thiết lập một chuẩn chung và có trách nhiệm hơn đối với vấn đề này sẽ khó đạt được. Bản đánh giá nói trên chỉ rõ rằng các bên vẫn chưa đạt được đồng thuận về các ưu tiên chung cũng như thống nhất về các biện pháp giám sát, bảo vệ plutonium và uranium. Trong khi đó, AP dẫn lời một trong các chủ tịch của NTI là cựu thượng nghị sĩ Mỹ Sam Nunn nhận định: “Sở hữu được vật liệu chế tạo bom nguyên tử không phải là chuyện dễ như ăn gỏi nhưng cũng chẳng phải là quá khó đối với bọn khủng bố”.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.