Ả Rập Xê Út muốn vũ trang cho phe đối lập Syria

25/02/2012 12:35 GMT+7

(TNO) Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út tuyên bố tại hội nghị quốc tế về Syria hôm 24.2 rằng vũ trang cho phe đối lập là “ý tưởng xuất sắc” trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sử dụng “mọi công cụ có sẵn” để chấm dứt đổ máu.

Theo tờ The Guardian, Ả Rập Xê Út đã ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria trong một tuyên bố báo hiệu sự can thiệp của cường quốc Hồi giáo dòng Sunni trước cuộc trấn áp chống lại phong trào nổi dậy.


 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (giữa) đến tham dự hội nghị về Syria ở Tunisia - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Saud al-Faisal mô tả việc vũ trang cho Quân giải phóng Syria (FSA) là ý tưởng xuất sắc tại hội nghị của nhóm “Những người bạn của Syria” tại Tunisia.

Tuy nhiên, đoàn đại biểu của Ả Rập Xê Út đã bỏ ngang hội nghị với lý do các nước tham dự không thiên về hành động.

Trước đó, Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani kêu gọi thành lập lực lượng Ả Rập nhằm “mở hành lang nhân đạo để bảo vệ an ninh cho người Syria”.

Chữ thập đỏ đặt chân đến Homs

Tại thành phố Homs của Syria, Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ (ICRC) thông báo đã bắt đầu di tản phụ nữ và trẻ em từ quận Baba Amr, nơi các nhà báo bị thương, bao gồm phóng viên của tờ Le Figaro Edith Bouvier và phóng viên ảnh của tờ Sunday Times, đang mắc kẹt. ICRC cho biết 27 phụ nữ và trẻ em đã được đưa đến các bệnh viện trong thành phố.

“Đây là bước đầu tiên. Ưu tiên lúc này là di tản những người bị thương hoặc ốm nặng”, người phát ngôn của ICRC Carla Haddad nói với Reuters ở Geneva (Thụy Sĩ). Bà này cho biết các nhà báo bị thương không nằm trong số được di tản.

Theo tờ The Guardian, không có nhiều chuyển biến trong ngày đầu tiên của hội nghị ở Tunisia mặc dù Nga, một đồng minh chính của Syria, đã lên tiếng kêu gọi ngừng bắn để cho phép thực hiện nỗ lực cứu trợ tại những khu vực cần thiết nhất, như Homs.

Hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn là vấn đề trọng tâm tại hội nghị dài ba ngày với sự tham dự của gần 80 quốc gia, nhiều nước trong số đó đang tìm cách củng cố phong trào đối lập Syria.

Sử dụng mọi công cụ sẵn có

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ và các đồng minh sẽ sử dụng “mọi công cụ sẵn có” để ngăn cản việc giết chóc người vô tội ở Syria. Đây là phát biểu mạnh mẽ nhất của ông Obama cho đến nay trước cuộc khủng hoảng đang ngày càng tồi tệ.

Ông Obama nói các quốc gia trên thế giới không thể là “những người ngoài cuộc” khi việc giết chóc tiếp tục diễn ra.

Anh đã thực hiện bước đi đầu tiên bằng cách chính thức công nhận Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) là đại diện hợp pháp của người dân Syria. Thông báo của Ngoại trưởng Anh William Hague đánh dấu lần đầu tiên một nước phương Tây tuyên bố hoàn toàn ủng hộ phong trào đối lập.


 Phe nổi dậy Syria chiến đấu với quân chính phủ ở thành phố Homs - Ảnh: AFP

Ông Hague đã chọn những phút mở đầu hội nghị để cắt đứt quan hệ với Damascus. Ông Hague kêu gọi lãnh đạo của 80 quốc gia nhóm họp tại Tunisa hãy “siết chặt thòng lọng kinh tế và ngoại giao” với chính phủ Syria.

Trong lúc đó, Mỹ, Pháp và các nước phương Tây khác đang gây sức ép buộc Tổng thống Bashar al-Assad thực thi lệnh ngừng bắn, cụ thể là tại thành phố Homs, nơi tiếp tục hứng chịu các đợt pháo kích liên tục trong ngày thứ 21.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo ông Assad sẽ phải trả giá nặng vì bạo lực tại Syria và nói ông này phải cho phép cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. “Nếu chế độ của Assad từ chối cho phép cứu trợ đến với người dân, tay ông ta sẽ dính thêm nhiều máu. Các nước tiếp tục bảo vệ và cung cấp vũ khí cho chế độ này cũng như vậy”.

Hamas trở mặt với Assad

Tại Gaza, lãnh đạo của phong trào Hồi giáo Palestine Hamas đã công khai ủng hộ phong trào đối lập Syria, khiến ông Assad mất đi một trong những sự ủng hộ ít ỏi còn lại của dòng Hồi giáo Sunni trong thế giới Ả Rập và càng bị cô lập trên trường quốc tế.

Trong khi đó SNC đã tỏ ý họ sẽ chấm dứt việc phản đối vũ trang cho Quân giải phóng Syria, phe đang chiến đấu chống lại lực lượng trung thành với ông Assad. SNC gợi ý rằng họ sẽ không phản đối sự có mặt của các cố vấn quân sự hoặc thậm chí cả vũ khí, nếu chính phủ không chấp thuận thực thi sáng kiến của Liên đoàn Ả Rập nhằm chấm dứt bạo lực.

Trọng tâm trong kế hoạch của Liên đoàn Ả Rập là kêu gọi ông Assad ra đi, một điều kiện mà ông này cùng các đồng minh Nga, Trung Quốc và Iran đã bác bỏ.

Thay vào đó, ông Assad tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới, dự kiến sẽ diễn ra vào chủ nhật, 26.2, nhằm đưa Syria tiến tới một hệ thống chính trị đa đảng.

Sơn Duân

>> Phương Tây “sắp tấn công” Syria
>> Mỹ và đồng minh chuẩn bị can thiệp quân sự tại Syria?
>> Ông Kofi Annan làm đặc phái viên tại Syria
>> Mỹ chuẩn bị mọi khả năng cho Syria
>> Cần 75.000 quân để bảo vệ các kho vũ khí hóa học Syria
>> Hai nhà báo phương Tây bị giết tại Syria
>> Mỹ tỏ ý vũ trang cho phe nổi dậy Syria

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.