Bí ẩn “thần dược” Minh Mạng thang - Kỳ 6: Truy tìm bản gốc

31/03/2012 03:08 GMT+7

Mặc dù đã có hơn 25 bài thuốc được công bố cho rằng có xuất xứ từ toa thuốc của vua Minh Mạng, rượu bổ Minh Mạng thang cũng đã có trên thị trường, nhưng đến nay bản gốc vẫn chưa rõ ở đâu.

Mặc dù đã có hơn 25 bài thuốc được công bố cho rằng có xuất xứ từ toa thuốc của vua Minh Mạng, rượu bổ Minh Mạng thang cũng đã có trên thị trường, nhưng đến nay bản gốc vẫn chưa rõ ở đâu. 

>> Kỳ 5: Khó sản xuất đại trà

Chưa tìm thấy bản gốc

Đó là khẳng định của thạc sĩ, lương y Phan Tấn Tô, Phó chủ tịch Hội Đông y Thừa Thiên-Huế. Lương y Phan Tấn Tô cho biết hiện Hội Đông y Thừa Thiên-Huế đang chủ trì thực hiện đề tài khoa học Thu thập, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn. Đề tài gồm nhiều nội dung, nhưng trong đó có một chuyên đề: Tìm bản chính bài thuốc Minh Mạng thang.


 Lương y Phan Tấn Tô - Ảnh: B.N.L

Theo ông Tô, từ trước đến nay, giới chuyên môn tìm được ít nhất 25 bài thuốc được cho là Minh Mạng thang, song chỉ có tính lưu truyền chứ không có bài nào "chính thống".

 

Có thể trong đợt tiếp cận châu bản của Thái y viện triều Nguyễn lần này, sẽ hé mở được bí mật có hay không bài thuốc Minh Mạng thang chính gốc

 Thạc sĩ, lương y Phan Tấn Tô 

Để thực hiện đề tài này, ông Phan Tấn Tô cùng với các cộng sự thuộc Hội Đông y Thừa Thiên-Huế đã vào các thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia ở TP.HCM, Đà Lạt và Hà Nội để sưu tập tài liệu. Hiện tại, Hội Đông y đã tìm thấy hơn 300 trang châu bản về các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn, có chữ ký của vua và các vị ngự y, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (Hà Nội).

Tuy nhiên, do kinh phí đề tài chưa được phê duyệt nên đến nay Hội Đông y vẫn chưa thể sao lục số tài liệu này. Trong số danh mục tài liệu về Thái y viện triều Nguyễn trong các châu bản triều Nguyễn còn lưu trữ, nhóm nghiên cứu của Hội Đông y Thừa Thiên-Huế đã tìm thấy một số tài liệu quý, thuộc 3 nhóm nội dung: nhóm văn bản thăng bổ, thưởng phạt đối với các quan ngự y triều Nguyễn, nhóm văn bản các loại thuốc và toa thuốc chữa bệnh cho vua Nguyễn, nhóm văn bản các vấn đề liên quan khác của Thái y viện triều Nguyễn.

Bí mật sắp hé lộ?

Trong số 3 nhóm văn bản này, nhóm văn bản về các loại thuốc và bài thuốc chữa bệnh cho vua là đáng quan tâm nhất. Theo đó, danh mục tài liệu đã tìm thấy có các văn bản, như: Ngự dược nhật ký (tập tài liệu ghi chép các bài thuốc chữa bệnh cho vua Gia Long những năm cuối đời, gồm 95 trang). Về các châu bản liên quan đến Thái y viện đã tìm thấy các danh mục như: Viện Thái y thượng tiến thang thất vị (Gia Long năm thứ 18 - viết tắt GL18); Những bài thuốc dùng cho vua Gia Long (GL18); Danh sách dược liệu cắt thuốc cho vua (Minh Mạng thứ 10, viết tắt MM10); Dâng thang thuốc Kim thủy lục quân cho vua dùng (MM10); Cắt thuốc cho nhà vua dùng (MM10), Chế thuốc cho vua dùng (MM10); Dâng thuốc trị bệnh cho vua (MM10); Dâng bài thuốc bổ cho vua (MM10)…

 
Một số toa thuốc của Thái y viện triều Nguyễn được tìm thấy ở Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (Hà Nội) - Ảnh: B.N.L

Ông Phan Tấn Tô cho biết sau khi kinh phí đề tài được phê duyệt, nhóm nghiên cứu của Hội Đông y sẽ tiếp cận, sao lục tài liệu, phiên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc nói trên. Theo đó, một số toa thuốc chữa các bệnh về nam khoa, thuốc làm đẹp cũng như thực phẩm chức năng khác nếu có sẽ được khôi phục sản xuất để phục vụ nhân dân và du khách thập phương.

Trong các tài liệu tìm thấy đó, có các tài liệu đáng quan tâm, có thể liên quan đến bài thuốc Minh Mạng thang là các tài liệu: Dâng thang thuốc Kim thủy lục quân cho vua dùng (MM10); Cắt thuốc cho nhà vua dùng (MM10), Chế thuốc cho vua dùng (MM10); Dâng bài thuốc bổ cho vua (MM10)…  “Có thể trong đợt tiếp cận châu bản của Thái y viện triều Nguyễn lần này, sẽ hé mở được bí mật có hay không bài thuốc Minh Mạng thang chính gốc”, lương y Phan Tấn Tô nói. 

TS Phan Thanh Hải - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài, cho biết thêm kết quả của đề tài khoa học này sẽ giúp nghiên cứu phục hồi Thái y viện triều Nguyễn để bảo tồn và giới thiệu tinh hoa y học của nước nhà.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.