Chất cấm trifluralin: Khó kiểm soát ở thị trường nội địa

17/04/2012 20:42 GMT+7

(TNO) Việc phát hiện một số lô cá điêu hồng nhiễm chất trifluralin được bày bán tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) khiến dư luận lo lắng nhưng không gây ngạc nhiên cho ngành thủy sản. Trước đây, đã có nhiều lô hàng xuất ra nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản bị trả về do nhiễm chất cấm, trong đó có chất trifluralin.

(TNO) Việc phát hiện một số lô cá điêu hồng nhiễm chất trifluralin được bày bán tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) khiến dư luận lo lắng nhưng không gây ngạc nhiên cho ngành thủy sản. Trước đây, đã có nhiều lô hàng xuất ra nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản bị trả về do nhiễm chất cấm, trong đó có chất trifluralin.

>> Bộ NN-PTNT chưa được báo cáo về cá điêu hồng nhiễm kháng sinh trifluralin

Hết trifluralin đến enrofloxacin

Cuối năm 2010, nhiều DN xuất khẩu thủy sản đứng ngồi không yên khi nhận được thông tin Nhật Bản, thị trường chủ lực nhập khẩu tôm của VN, ra thông báo tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu của VN từ 30% lên 100% do lo ngại nhiễm chất trifluralin.

Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp ngơ ngác khi nhận được thông tin này, bởi chất trifluralin thường được sử dụng trong quá trình nuôi. Khi xảy ra sự việc, các DN và nhà máy chế biến chỉ biết hỏi người nuôi có sử dụng chất trifluralin hay không.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, dù bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa vào danh mục cấm từ tháng 4.2010 nhưng sau thời điểm đó, chất cấm này vẫn còn lưu hành.


Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần kiểm soát tốt vấn đề chất lượng, nếu không sẽ gặp khó khăn - Ảnh: Đ.Quân

Trước cảnh báo và nguy cơ bị mất thị trường, Bộ NN&PTNT đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc sử dụng chất trifluralin trong nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung kiểm tra ở khâu chất lượng trước khi xuất khẩu.

Động thái này lập tức đạt được hiệu quả khi lượng tôm xuất khẩu bị cảnh báo nhiễm trifluralin giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, không lâu sau đó, hàng thủy sản Việt Nam lại bị cảnh báo nhiễm chất enrofloxacin - một chất cấm khác được người nuôi dùng thay thế chất trifluralin.

Cá nhiễm trifluralin do nước lũ?

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Vĩnh Long cho biết, có thể lô cá tại chợ Bình Điền bị nhiễm chất trifluralin một cách thụ động. Bởi vụ lúa Đông Xuân vừa rồi, nước lũ lên rồi rút đem theo lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có chất trifluralin ra sông. Hiện nay phần lớn các lồng nuôi cá đều được nuôi trên sông.

Theo ông Phạm Văn Hiến, ở Thới Thanh, Thới Sơn, Mỹ Tho (Tiền Giang), chủ nuôi của lô cá điêu hồng bị phát hiện nhiễm trifluralin tại chợ Bình Điền cho biết, cá điêu hồng tại cơ sở của ông không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu. Vì thế, ông thường xuyên phải làm các xét nghiệm về chất tồn dư.

Trước đây người nuôi có thói quen sử dụng hóa chất trifluralin để diệt nấm trên cá bột trước khi thả nuôi, nhưng từ sau khi hóa chất này bị cấm (năm 2010), ông cùng các hộ nuôi khác đã không dùng.

Do nuôi lồng bè trên sông, nên có thể cá nhiễm hóa chất này từ môi trường nước tự nhiên mà người nuôi không có cách nào phòng ngừa.

Khó kiểm soát

Sau nhiều cố gắng của cơ quan chức năng, đến nay lượng hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo nhiễm chất trifluralin và enrofloxacin đã giảm đi rõ rệt.

Theo báo cáo mới đây nhất của VASEP, trong tháng 3.2012 chỉ có duy nhất một lô hàng bị đối tác nhập khẩu cảnh báo nhiễm chất enrofloxacin, so với 13 lô trong tháng 1 và 6 lô trong tháng 2.

Hiện nay muốn phát hiện thủy sản có nhiễm chất trifluralin hay không thì phải đưa mẫu đi kiểm tra kết quả bằng máy móc chuyên dụng tại DN hoặc ở các phòng kiểm nghiệm. Giá một lần kiểm tra mẫu khoảng 400 - 500 ngàn đồng.

Ông Hòe cho biết DN kiểm soát khá tốt chất cấm là do đã ý thức được hậu quả của nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân các nước nhập khẩu. Do đó, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đều tự trang bị máy móc kiểm nghiệm những chất cấm này.

Liên quan đến việc phát hiện cá nhiễm chất trifluralin ở chợ Bình Điền vừa qua, ông Hòe cho hay mặc dù đây là chất bị cấm nhưng vẫn được sử dụng lén lút. Nhiều khi vì chủ quan hay không tuân thủ quy trình nuôi thì lô hàng đưa ra sẽ dính chất cấm.

"Nếu lô hàng được bán cho doanh nghiệp thì chất lượng sẽ được kiểm soát nhưng nếu đưa thẳng ra tiêu thụ ở thị trường nội địa thì không qua khâu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nào cả mà chủ yếu chỉ kiểm tra, đánh giá bằng mắt thường" - ông Hòe cho biết.

“Chất trifluralin không tự sản sinh ra ở môi trường tự nhiên. Việc phát hiện cá nhiễm chất trifluralin như vừa qua chắc chắn phải có sự tác động của người nuôi”, ông Hòe cho biết thêm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay đã yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP.HCM báo cáo lại. Trên cơ sở này, Cục sẽ có hướng xử lý chính xác để không ảnh hưởng tới người nuôi và người tiêu dùng.

Kiểm soát chặt nguồn gốc

Ngày 17.4, cơ quan chức năng tại TP.HCM đã họp để có hướng xử lý vụ  phát hiện cá điêu hồng bị nhiễm chất trifluralin.

Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCL & BVNLTS)  TP.HCM cho biết việc phát hiện lô cá nhiễm chất cấm trifluralin khiến nhiều người quan tâm, lo lắng.

Tới thời điểm này, cơ quan chức năng Đồng Tháp và Tiền Giang vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc nhiễm trifluralin của các lô hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là cá an toàn, đâu là cá có nhiễm chất cấm.

Qua vụ việc này, chợ Bình Điền cũng như các đơn vị khác phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng thủy sản đưa về tiêu thụ tại TP.HCM. Các tiểu thương khi lấy hàng cũng cần phải nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Được biết, chất trifluralin được dùng để diệt cỏ. Ngoài ra, chất này còn được sử dụng nhằm mục đích vệ sinh ao, hồ trước khi nuôi cá hoặc dùng để trị nấm, ký sinh trùng trên cá. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy chất trifluralin có khả năng gây bệnh ung thư, ảnh hưởng thần kinh… Do đó, nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế sử dụng. Ở Việt Nam, Bộ NN&PTNT liệt trifluralin vào danh mục cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Trung Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.