Hai thái cực của nước Anh

26/06/2012 04:00 GMT+7

Khi đàn sư tử gục ngã trên sân Olympic, những người Anh cuồng nhiệt lục tục chuẩn bị hành lý hồi hương, nhưng giới chức xứ sương mù có lẽ đã thở phào.

Khi đàn sư tử gục ngã trên sân Olympic, những người Anh cuồng nhiệt lục tục chuẩn bị hành lý hồi hương, nhưng giới chức xứ sương mù có lẽ đã thở phào.

Sáng hôm qua, trong khi tôi sửa soạn ra ga để đi Donetsk xem trận Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha, Nick Borrell cũng thu dọn hành lý cùng những người bạn rời Kiev. “Không ở lại chơi và xem bóng đá nữa sao?”, tôi hỏi. Nick đáp: “Không, tôi tới đây vì đội tuyển. Giờ chẳng còn gì để ở lại nữa”.

Nặng trĩu

Nick và 2 người bạn của mình đến từ Nottingham. Họ là những người mua vé “vớt”, tức là trong các đợt phát hành sau cuối của UEFA. Ba người đến bằng máy bay và cũng về bằng máy bay. Ban đầu, Nick không có kế hoạch tới Ukraine và Ba Lan xem bóng, sau khi nghe báo chí xứ sương mù khuyến cáo về những hiểm họa liên quan đến các phần tử cực hữu ở đây. Nhưng sau một thời gian theo dõi, thấy Euro diễn ra rất êm đềm, họ đã quyết định bay đến xem trận tứ kết Anh - Ý, rồi có thể ở lại đến hết giải đấu nếu Anh lọt vào tới chung kết. Giờ thì họ phải về, dù việc đổi vé trong thời điểm này tốn rất nhiều tiền.

Vào ngày hôm trước, khi mới tới khu nhà trọ D’Lux Hostel ở số 10 phố Observatorna, tôi đã gặp những chàng trai sôi nổi đến từ xứ sương mù. Nick và các bạn của mình, dù vừa mới đáp xuống sân bay Boryspil, đã chuẩn bị “đồ chơi” sẵn sàng để cổ vũ cho các tuyển thủ. Đồ chơi của họ là mũ, áo và lá cờ lớn màu trắng với chữ thập đỏ, cùng dòng chữ Nottingham Forest, đội bóng nổi tiếng ở thành phố của họ. Đấy là cách cổ vũ thường thấy của người hâm mộ xứ sương mù. Trong các trận đấu của đội tuyển quốc gia, họ mang theo cờ nước Anh nhưng không quên “PR” cho địa phương mình. Nick cũng cho biết vào buổi chiều, anh và các bạn sẽ vẽ mặt cho thật ngầu.

 Lại một ngày buồn nữa đến với những người Anh sôi nổi - Ảnh: Đỗ Hùng
Lại một ngày buồn nữa đến với những người Anh sôi nổi - Ảnh: Đỗ Hùng

Buổi chiều, tôi phải vội vã vào sân Olympic, không cùng nhóm của Nick xuống Fan Zone nhảy nhót rồi sau đó đi bộ vào sân được. Tôi cũng không biết trên khán đài hôm đó, Nick và các bạn đã hồi hộp đến mức nào trong cuộc so tài nghẹt thở trên chấm 11 m. Chắc hẳn Nick cũng như hàng triệu người Anh khác đã trải qua một cơn choáng váng tột cùng. Buổi đêm, Nick về rất muộn, trong trạng thái say tái tê. Như bồi thêm vào cơn đau của họ, cái thang máy khu nhà trọ bị hỏng thật đúng lúc, nhốt họ mấy chục phút bên trong. Khu nhà trọ D’Lux, tức là “sang trọng” trong tiếng Anh, nằm trên tầng 6 của một khu chung cư kiểu Liên Xô cũ kỹ. Lúc mới tới, tôi đã đọc thấy dòng khuyến cáo: “Chúng tôi khuyến cáo quý vị nên đi cầu thang bộ, do thang máy đã quá cũ, thường xuyên bị hỏng”.

Nhìn vào chiếc thang máy, có thể thấy độ chân thực của lời khuyến cáo. Nó chắc hẳn đã tồn tại từ thời Liên Xô. Muốn sử dụng, bạn phải bấm nút nhiều lần, cho đến khi nào nghe những tiếng lạch cạch, leng keng thì đấy là lúc nó đã “nhận lệnh”. Đôi lúc đang đi lên, nó đột ngột dừng lại, và bạn phải bấm, gõ đủ thứ, nó mới hoạt động tiếp. Rất nhiều lúc, thang máy ngừng luôn, như trường hợp của Nick và các bạn anh. Ngay từ khi đến đây, tôi đã chọn đi thang bộ, dù leo 6 tầng lầu với một ba lô nặng là một thách thức không nhỏ. Nhóm của Nick cũng thế, lúc đầu chạy thang bộ bon bon vì lòng đang tràn đầy hứng khởi, nhưng đêm hôm ấy họ rất say và lòng đang nặng trĩu, thế là phải trải qua một phen hoảng hồn.

Nhóm của Nick tính ra chỉ lưu lại Kiev hơn 1 ngày. Họ đã đến với niềm hứng khởi và ra đi trong lặng lẽ. Thật buồn, nhưng bóng đá là vậy, vui cũng tột cùng và buồn cũng mênh mang. Và sự hấp dẫn của bóng đá một phần cũng xuất phát từ những thái cực cảm xúc này.

Và thở phào

Trong khi người hâm mộ thở dài, thì cũng tại xứ sương mù, nhiều người lại thở phào nhẹ nhõm. Đó hẳn nhiên là các chính trị gia. Giới chức chính phủ Anh từ đầu liên tục nhấn mạnh rằng các bộ trưởng của họ sẽ không dự khán những trận đấu của đội tuyển ở Ukraine. Tại Euro 2012, tất cả các trận đấu của Anh đều đã diễn ra trên đất Ukraine, có nghĩa là không có sự hiện diện của một bộ trưởng nào, điều này rất khác biệt so với các giải đấu trước đây. Giới chức Anh tẩy chay các trận đấu là để phản đối bản án mà chính quyền nước đồng chủ nhà đang áp dụng đối với cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Về vấn đề này, các lãnh đạo UEFA luôn khẳng định tính phi chính trị của tổ chức mình, cũng như nhắc đi nhắc lại rằng việc tẩy chay của giới chức Anh sẽ không ảnh hưởng tới thành công của Euro 2012.

Ngay trước trận tứ kết Anh - Ý trên sân Olympic, giới chức Anh một lần nữa khơi lên vấn đề, khi ra tuyên bố sẽ không có bộ trưởng nào dự khán. Họ cũng cho biết nếu Anh lọt vào bán kết (đá ở Ba Lan) thì quan chức của họ sẽ tới dự. Trường hợp Anh lọt vào chung kết ở Kiev, thì giới chức London chắc hẳn sẽ rất đau đầu. Không dự khán thì cũng chẳng ra làm sao, mà dự khán thì cũng chẳng hay ho chút nào. Thế nên, có thể nói rằng việc đội Anh thua trận là một lối thoát cho giới chính trị gia xứ sương mù. Họ thở phào nhẹ nhõm, vì khỏi phải cân nhắc chuyện tẩy chay hay không tẩy chay.

Phải nói rằng, người Anh nói chung - chứ không phải đội tuyển - đến với Euro 2012 khá khó khăn. Bên ngoài chính trường, báo chí xứ sương mù trước giải đấu đã bôi một bức tranh khá xám xịt về tình hình an ninh tại Ba Lan và Ukraine, trong đó có dẫn lời cựu tuyển thủ Sol Campbell khuyên các cổ động viên “hãy ở nhà và bật ti vi lên,… đừng có mạo hiểm”. Thế là rất nhiều người hâm mộ nước Anh đã chọn cách ở nhà xem bóng đá. Trong mỗi trận đấu của đội tuyển Anh ở vòng bảng, chỉ có chừng khoảng 2.000 - 3.000 cổ động viên xứ sương mù vào xem. Trận Anh - Ý tại Kiev vừa qua, dù lượng cổ động viên mới đến tăng đột biến, nhưng cũng dừng lại ở con số khoảng 10.000 người, thấp hơn nhiều so với các giải đấu trước đây. Tất nhiên, chi phí đi lại trong giai đoạn kinh tế khó khăn là một nguyên nhân, nhưng chủ yếu nhất vẫn là những màn “nhát ma” của báo chí.

Nick và nhóm bạn của mình đã từng quyết định ở nhà xem ti vi, nhưng rồi rốt cuộc, tình yêu bóng đá đã kéo họ tới Kiev. Dù sau đó kết cục đối với họ khá buồn, khi đội tuyển bị loại và họ vội vã trở về, nhưng tình cảm mà họ dành cho đội tuyển, cho bóng đá là điều đáng trân trọng. Chia tay Nick ở khu nhà trọ “sang trọng”, tôi hẹn gặp tại Brazil 2014. Nick cười. Đối với người Anh thực dụng, đó là một cuộc hẹn quá xa vời, và chắc gì đã đỡ buồn hơn ngày hôm nay. Nhưng dù sao, sau mỗi thất bại, người ta phải nhìn về phía trước.

Đỗ Hùng
(từ Kiev, Ukraine)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.