"Người không chân" Oscar Pistorius "chạy" vào bán kết Olympic 2012

04/08/2012 21:56 GMT+7

(TNO) Vận động viên mất cả hai chân Oscar Pistorius đã đi vào lịch sử Olympic, sau khi về nhì trong cuộc thi điền kinh cự ly 400m nam (vòng loại) với thành tích đáng nể 45,44 giây.

(TNO) Ngày 4.8, vận động viên (VĐV) mất cả hai chân Oscar Pistorius đã đi vào lịch sử Olympic, sau khi về nhì trong cuộc thi điền kinh cự ly 400m nam (vòng loại) với thành tích đáng nể 45,44 giây.

>> Người không chân" Oscar Pistorius hoàn thành giấc mơ Olympic
>> Giấc mơ của Oscar Pistorius đã thành sự thật
>> Oscar Pistorius bị loại khỏi nội dung 4x400m đồng đội

 
Oscar Pistorius vào bán kết nội dung 400m nam - Ảnh: AFP

Với thành tích trên, Oscar Pistorius đã giành quyền vào bán kết sẽ diễn ra trong ngày chủ nhật (5.8 - giờ địa phương). Người về nhất cự ly này là Luguelin Santos, VĐV 18 tuổi người Dominica với 45,04 giây.

Sau cuộc đua, Pistorius nói với BBC: "Tôi không biết nên khóc hay nên cười. Cảm xúc thật khó tả. Tôi không biết động lực nào đã giúp tôi làm được điều này hôm nay. Tuy nhiên, tôi đã có một cuộc thi tốt và nó sẽ còn tốt hơn trong thời gian tới".

Chưa biết có lọt được vào vòng chung kết ở thứ hai tới hay không, nhưng Pistorius cũng đã tạo ra một kỳ tích thật sự ở cự ly 400m, khi anh là người chạy nhanh hơn 5 đối thủ khác, trong đó có Renny Quow của Trinidad và Maksim Dyldin của Nga.

Oscar Pistorius cũng đã gửi lời cám ơn đến người hâm mộ anh. "Khán giả tại đây thật tuyệt. Có lẽ chính sự cổ vũ của họ đã tiếp thêm động lực cho tôi", anh nói.

 
Oscar Pistorius tại buổi họp báo sau cuộc thi - Ảnh: AFP

Ngoài ra, VĐV 25 tuổi này cũng chia sẻ rằng, chính nhờ anh có một HLV giỏi, cùng chế độ tập luyện nghiêm túc đã giúp anh có thể đạt được ước mơ tham dự tại một kỳ Thế vận hội như người bình thường.

Sau cuộc thi 400m cá nhân nam, Oscar Pistorius sẽ thi tiếp ở nội dung 4x400m tiếp sức (đội Nam Phi). Và sau Olympic 2012, anh cũng sẽ có mặt ở Paralympic Games, cũng diễn ra ở London vào ngày 29.8.

Cũng ở nội dung 400m nam, một bất ngờ lớn xảy ra khi VĐV người Mỹ đang nắm HCV Olympic là LaShawn Merritt đã bị loại. Anh chỉ thi đấu được khoảng 250m thì chấn thương. Tại vòng loại Olympic của Mỹ hồi tháng 6, Merritt đạt thành tích 44,12 giây và đây là mốc xuất sắc nhất thế giới ở nội dung 400m nam trong năm nay.

Cuối năm 2009, Merritt bị phát hiện sử dụng chất bị cấm và bị cấm thi đấu 21 tháng. Sau đó, Merritt đã kháng án lên Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS) và được thắng kiện. Năm ngoái, Merritt trở lại sau án cấm thi đấu và về nhì ở nội dung 400m tại giải vô địch điền kinh thế giới tổ chức ở Hàn Quốc.

Đôi điều về "người không chân" Oscar Pistorius

Ngay từ khi 11 tháng tuổi, Oscar Pistorius đã bị cắt bỏ cả hai chân (phần chân dưới đầu gối) vì một khuyết tật bẩm sinh không có xương mác. Mặc dù vậy, Pistorius vẫn khao khát theo đuổi giấc mơ trở thành một vận động viên điền kinh và nỗ lực hết mình cùng đôi chân giả làm bằng sợi cacbon.

Anh được vinh danh là "người không chân chạy nhanh nhất hành tinh" và từng đoạt 4 HCV Paralympic, đồng thời giữ các kỷ lục ở những nội dung chạy 100m, 200m, 400m dành cho vận động viên khuyết tật. Pistorius đã tham gia thi đấu ở các Paralympic Athens 2004 và Bắc Kinh 2008. Không dừng lại ở đó, anh quyết đi vào lịch sử với việc tranh tài chính thức ở Olympic.

Suýt chút nữa, Pistorius đã không thể có mặt tại Olympic London khi chỉ đạt thành tích 45,52 giây ở nội dung 400m tại giải vô địch điền kinh Nam Phi hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, anh được lựa chọn vào đội tiếp sức nam và mở ra cơ hội tranh tài ở các nội dung cá nhân. Ngoài 400m nam, Pistorius cũng sẽ cùng đồng đội thi đấu ở nội dung 4x400m tiếp sức.

Ngoài vấn đề thành tích, đôi chân giả của Pistorius gây không ít tranh cãi. Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) từng từ chối không cho Pistorius tranh tài ở các giải thông thường, vì cho rằng đôi chân giả giúp anh tiết kiệm được nhiều năng lượng so với các vận động viên bình thường.

Tuy nhiên, năm 2008, Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS) phán quyết Pistorius không có được lợi thế như vậy do máu trong cơ thể ít hơn cũng như không có cơ bắp ở cẳng chân.

Để đến được Olympic London, Pistorius một lần nữa phải trải qua nhiều cuộc nghiên cứu, xét nghiệm gắt gao để được công nhận đôi chân giả không đem lại lợi thế nào. Mặc dù vậy, cũng có một điều kiện bắt buộc là Pistorius phải sử dụng đúng loại chân giả mà anh từng dùng để thi đấu tại các giải cho người khuyết tật từ năm 1996.

Sơn Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.