Khởi động phục dựng điện Kính Thiên

18/08/2012 03:12 GMT+7

Với tốc độ khai quật và nghiên cứu hiện nay, nếu mất 10 năm nữa để có phác thảo phục dựng điện Kính Thiên đã là mừng.

 Khởi động phục dựng điện Kính Thiên
Dấu tích của điện Kính Thiên thời Lê sơ là các thành bậc đá chạm rồng vẫn còn tồn tại đến ngày nay - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Điện Kính Thiên trong nhận thức của nhiều người dân Hà Nội giờ chỉ là những bậc thềm rồng trước Nhà cục tác chiến. Tuy nhiên, di tích này còn rộng hơn, cũng như mang ý nghĩa nhiều hơn thế. Nền điện Kính Thiên và Đoan Môn chính là 2 dấu tích còn lại hiếm hoi thời Lê sơ trên các trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Di sản thế giới. “Trước đó, Kính Thiên chính là điện chính - nơi nhà vua tiến hành các nghi lễ đại triều và các nghi lễ khác liên quan đến vận mệnh sống còn, hưng vong của quốc gia, dân tộc”, PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ - cho biết.

Quý giá là vậy nên trong hội thảo Nghiên cứu hoàn trả không gian nền điện Kính Thiên sáng 17.8 tại Hà Nội, các nhà khoa học không có tranh cãi về việc nên hay không phục dựng điện này. Như vậy, khó khăn bước đầu gần như đã được “nhảy qua”. Chưa kể, trước đó hầu hết các nhà khoa học được Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tham vấn đều đồng ý rằng nên phục dựng điện Kính Thiên.

Theo Giám đốc Trung tâm - TS Nguyễn Văn Sơn, có tới 17/20 ý kiến (85%) cho rằng nên phục dựng điện Kính Thiên, 2/20 ý kiến (5%) phản đối và 1/20 ý kiến (5%) không rõ ràng. Thậm chí có nhà khoa học còn đưa ra 8 lý do nên phục dựng Kính Thiên càng sớm càng tốt. Một học giả trong phiếu lấy ý kiến nhấn mạnh: “Phục dựng điện Kính Thiên trong Hoàng thành nhất thiết phải đặt trong chương trình tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của một di sản văn hóa thế giới”.

Tư liệu mỏng, khai quật nhỏ giọt

Mong muốn là vậy, nhưng muốn phục dựng một di tích - nhất là khi di tích đã được UNESCO công nhận di sản không đơn giản. “Việc phục dựng phải dựa trên chứng cứ khoa học và pháp lý”, GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia - nói.

Theo PGS-TS Tín, chứng cứ khoa học về diện mạo điện Kính Thiên hiện trông cậy nhiều vào khai quật khảo cổ cũng như những tư liệu ảnh của người Pháp để lại. Các cuộc khai quật khảo cổ hiện vẫn chỉ được thực hiện trên diện tích rất nhỏ. Trao đổi bên lề, ông cho biết với tốc độ khai quật hiện nay sẽ phải mất hàng chục năm nữa mới mong có đủ tư liệu để phục dựng điện Kính Thiên.

Tuy nhiên, bù lại tư liệu còn thiếu thốn, các nhà khoa học dường như không đòi hỏi điện Kính Thiên sau khi phục dựng phải giống hệt nguyên mẫu (hiện chưa rõ nguyên mẫu thời nào). GS Diệp Đình Hoa cho rằng phục dựng giống tới 51% đã là tốt, nên thực hiện. “Chắc chắn đó không thể là một điện Kính Thiên đầy đủ như đã từng tồn tại trong quá khứ, nhưng nó sẽ đưa chúng ta đến gần hơn ở mức có thể với diện mạo của một công trình trung tâm quan trọng hàng đầu của Thăng Long xưa”, TS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích - nói.

Mặc dù “chín bỏ làm mười” như vậy, việc phục dựng vẫn được nhất trí phải có thêm tư liệu. Đồng thời, những ý kiến về mô hình gần kề cũng được đưa ra. “Trên thực tế, tại nhà trưng bày của khu di tích di sản thế giới Mỹ Sơn, các nhà khoa học Nhật Bản đã dựng lên một kiến trúc gỗ của người Chăm cổ. Đó không phải là một công trình phục nguyên mà là một kiến trúc được phục dựng lại từ kết quả nghiên cứu để có được hình dung trực quan hơn về kiến trúc gỗ của người Chăm xưa”, TS Lê Thành Vinh nêu ví dụ.

Về hướng này, PGS-TS Tống Trung Tín cũng đưa ra ý kiến tương đồng, có thể phục dựng trước một mô hình điện Kính Thiên theo tỷ lệ 1:1 trước khi phục dựng chính thức. Điều này đã từng được các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện tại một số di tích nước này.

Tuy nhiên, phương án phục dựng Kính Thiên chắc chắn sẽ phải có thêm ý kiến của UNESCO, bởi từ khi trở thành di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long trong đó có điện Kính Thiên đã trở thành di sản của cả nhân loại.

Ý kiến

PGS-TS Phan Khanh: Cần có sưu tầm tư liệu chuyên đề

Với điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, chúng ta may mắn còn lại một số tấm ảnh, tranh do người Pháp chụp khoảng những năm 1885-1886, ngay trước khi cung điện này bị tàn phá. Tất nhiên, khi đó nhà Nguyễn đã sửa chữa hoặc thu nhỏ chút ít để làm hành cung Bắc thành. Cần có một chuyên đề sưu tầm tiếp những tấm ảnh về điện Kính Thiên ở Hà Nội trong thư viện quốc gia và một số sách báo cũ, kể cả sang Pháp sưu tầm kỹ ở Lưu trữ Aix-en-Provence của Pháp. Chắc chắc chúng ta sẽ có một bộ sưu tập ảnh hữu ích cho việc phục dựng điện Kính Thiên.

PGS-TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia: Tôi có cảm giác việc phục dựng Kính Thiên đang rất vội vàng

Bản thân tôi có kinh nghiệm tham gia phục dựng điện Cần Chánh với các chuyên gia Nhật Bản. Điện Cần Chánh có tư liệu dày hơn Kính Thiên. Thế mà việc phục dựng cũng làm rất lâu, chỉ xử lý tư liệu cũng đến cả chục năm. Vì thế, chúng ta nên nghiên cứu thật kỹ rồi triển lãm mô hình, xin ý kiến. Nếu mất mười năm mà có mô hình tốt để phục dựng cũng đã là quá thành công. Tôi có cảm giác việc phục dựng Kính Thiên đang rất vội vàng.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.