Chủ tịch VFF - Người & ghế: Cởi trói cho “vua”

11/04/2013 11:47 GMT+7

(TNO) Làm chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nghĩa là làm "vua" của một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đã gọi là “tổ chức xã hội nghề nghiệp” thì dĩ nhiên nó chỉ phụ thuộc vào những tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng tính chất, nhưng có cấp bậc cao hơn nó, như AFF, AFC, FIFA.

>> Đề cử các chức danh chủ chốt VFF: Lại những gương mặt cũ
>> Giữ Hoàng Văn Phúc, tiếp tục tìm thêm ứng viên cho chức chủ tịch VFF
>> 40 ứng viên được đề cử nhân sự chủ chốt VFF

 VFF - Minh Tú TNO
Đại hội Ban chấp hành VFF nhiệm kỳ VII sẽ diễn ra vào tháng 6.2013 - Ảnh: Minh Tú

Thế nhưng, do “đặc thù Việt Nam” mà chủ tịch VFF còn phải chịu những ảnh hưởng nào đó từ Ủy ban TDTT trước đây hay Tổng cục TDTT bây giờ. Chính bởi đặc điểm này - cái đặc điểm mà ông "vua" trong ngôi nhà VFF vẫn hay bị “trói” trên “trói” dưới nên sức sống của “vua”, và của cái bộ máy do “vua” quản lý, điều hành vẫn phải đối diện với nhiều sự lạ, chỉ Việt Nam mới có!

Nhìn lại các đời chủ tịch VFF qua 6 nhiệm kỳ, dễ thấy là có 3 ông chủ tịch không phải là người của ngành thể thao, đó là các ông Đoàn Văn Xê (khóa 2), Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực (khóa 4).

Nhiều chuyên gia Bóng đá Việt Nam kể lại rằng, thời ông Xê làm chủ tịch là thời mà các đội bóng luôn gặp khó trong vấn đề đi lại, nên ai cũng nghĩ việc mời một ông Tổng cục trưởng ngành Đường sắt làm chủ tịch sẽ giúp các đội bóng có thể mua vé tàu giá rẻ, để tham dự giải Vô địch quốc gia.

Nhưng thực tế thì sau đó chẳng ai được “đi tàu giá rẻ…”, và khi mà những chờ đợi lớn nhất ở ông Xê không hiển hiện thì ai cũng hiểu, trong tất cả những quyết sách đại sự của VFF, ông Xê chỉ là người… ký tên.


Ông Hồ Đức Việt trước đây rất quan tấm đến chiến lược phát triển bóng đá đường dài - Ảnh: Khả Hòa

Sang thời của ông Hồ Đức Việt - người khi đó đang là bí thư Tỉnh Ủy Thái Nguyên thì dấu ấn của chủ tịch VFF được thể hiện rõ hơn.

Cấp phó của ông Hồ Đức Việt khi ấy, cựu phó chủ tịch VFF Trần Duy Ly nhớ lại: “Ông Hồ Đức Việt rất quan tấm đến chiến lược phát triển bóng đá đường dài, nên luôn có những chỉ đạo cụ thể trong vấn đề này. Tôi nhớ rõ là bản chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam được ông Việt đọc cẩn thận, kỹ càng và tẩy xóa chi chít”.

Tiếc là ông Việt chỉ ngồi ở VFF chưa đầy 1 năm, nên những dấu ấn của ông chỉ dừng lại ở đó.

Cuối nhiệm 4 thì VFF xuất hiện ông chủ tịch vốn là thứ trưởng ngành Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực. So với ông Hồ Đức Việt, ông Trực có nhiều hành động quyết liệt hơn, chẳng hạn như ông đã “đập thẳng” Tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn khi ông Viễn đứng trước các quan chức AFC để nói toàn những điều màu hồng về Bóng đá Việt Nam hay việc ông phát biểu trên báo Thanh Niên một câu bất hủ: “Bộ máy VFF thấp hơn mặt bằng chung xã hội”.

Và như thế, ngoại trừ thời của ông Đoàn Văn Xê - cái thời mà VFF còn chưa thực sự phát triển thì thời của các ông Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực - những ông chủ tịch VFF không phải người của ngành thể thao thì các ông đều để lại những dấu ấn ban đầu, rồi đều… rút nhanh với lý do: “Quá bận!”.

Những người hiểu việc nói rằng phía sau cái lý do “quá bận” còn có cả lý do các ông vẫn hay bị chi phối bởi nhiều “mệnh lệnh” của ngành thể thao - những mệnh lệnh mà với nó, ông vua trong ngôi nhà VFF khó có thể điều khiển VFF theo đúng ý nguyện của mình.

So với sự tồn tại “có mà như không có” của ông Đoàn Văn Xê, hay những sự tồn tại “chóng vánh như tia chớp” của các ông Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực thì sự tồn tại của những ông chủ tịch đến từ ngành thể thao như các ông Dương Nghiệp Chí (khóa 1), Mai Văn Muôn (khóa 3), Nguyễn Trọng Hỷ (khóa 5,6) diễn ra một cách lâu dài, bền vững hơn, và dĩ nhiên sự tác động của ngành thể thao vào VFF khi ấy cũng xuất hiện đậm đặc hơn.


Ông Trần Quốc Tuấn từng giữ chức Tổng thư ký VFF của khóa 5


Ông Phạm Ngọc Viễn từng làm Tổng thư ký VFF của khóa 4 - Ảnh: Khả Hòa

 

Nó đậm đặc tới mức khi các ông Tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn (khóa 4), Trần Quốc Tuấn (khóa 5)… nộp đơn từ chức thì AFC đã “ngửi” thấy một cái mùi bất thường nào đó, nên đã có công văn hỏi thẳng: “Đấy là những sự từ chức tình nguyện hay bị ép?”. Thời điểm ấy, nếu ông Viễn, ông Tuấn không trực tiếp giải thích: “Chúng tôi tình nguyện” thì có thể Bóng đá Việt Nam đã bị cấm vận bởi việc nhân sự Liên đoàn cứ bị tác động bởi những quyền lực phi Liên đoàn.

Bây giờ, trong 3 ứng cử viên sáng giá nhất cho ghế chủ tịch VFF khóa 7, lại thấy xuất hiện 2 người của ngành thể thao và 1 người trong lĩnh vực ngân hàng. Chưa biết chiến thắng sau cùng thuộc về ai, nhưng với tất cả những gì đã diễn ra, có thể tin rằng: VFF chỉ là VFF khi ông vua ở VFF thực sự được cởi trói.

Cởi trói khỏi những quyền lực phi Liên đoàn - cái đó rõ rồi, và cởi trói khỏi cái tư tưởng muốn mượn Liên đoàn để “làm ăn” (nếu có)...

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.