Apple, CJ vướng tai tiếng gian lận tài chính

23/05/2013 03:15 GMT+7

CJ Corp., một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc , và đại gia công nghệ Apple cùng lúc đối mặt cáo buộc mờ ám về thuế và đầu tư.

Yonhap ngày 22.5 dẫn lời giới chức Hàn Quốc cho biết các công tố viên nước này đang điều tra về cáo buộc CJ Corp. sở hữu quỹ đen trị giá lên đến 7 tỉ won (6,3 triệu USD) cất giấu ở nước ngoài. Theo Yonhap, tập đoàn lớn thứ 14 Hàn Quốc còn đối mặt nghi ngờ về các hoạt động tài chính phi pháp khác, bao gồm trốn thuế.

Hôm 21.5, hàng chục chuyên viên điều tra và nhân viên Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul đã lục soát trụ sở chính, văn phòng và nhà riêng của 5 trong 6 quan chức cấp cao thuộc CJ, tịch thu nhiều sổ sách, tài liệu và ổ cứng máy tính. Theo giới chức Hàn Quốc, tập đoàn bị cho là đã mở một số công ty mà tại Hàn Quốc, Hồng Kông và quần đảo Virgin thuộc Anh, một thiên đường thuế nổi tiếng trên thế giới, để trốn thuế, lập quỹ bất hợp pháp và thực hiện các giao dịch đáng ngờ.

Apple, CJ vướng tai tiếng gian lận tài chính 1
CEO Tim Cook của Apple điều trần trước Thượng viện Mỹ - Ảnh: Reuters

Vào năm 2008, cơ quan thuế Hàn Quốc phát hiện CJ đang quản lý một quỹ gần 400 tỉ won với nhiều tài khoản do đơn vị và cá nhân khác đứng tên để làm bình phong. Khi đó, tập đoàn này đã bị đánh thuế đến 170 tỉ won. Theo luật Hàn Quốc, việc sử dụng tài khoản ngân hàng do người khác đứng tên để thực hiện giao dịch tài chính là bất hợp pháp.

CJ là tập đoàn đầu tiên bị chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye điều tra và nhiều ông lớn khác có thể sẽ lọt vào tầm ngắm. Từng là một bộ phận của Tập đoàn Samsung, CJ đã mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực như thực phẩm, công nghệ sinh học và dược phẩm, mua sắm tại nhà và logistics, truyền thông và giải trí. Theo báo The Korea Herald, tập đoàn này đã ấn định 2013 là năm khởi đầu nỗ lực mở rộng toàn cầu một cách toàn diện, và đặt mục tiêu đạt doanh thu 100.000 tỉ won vào năm 2020 với 70% trong số này đến từ nước ngoài. CJ có chi nhánh kinh doanh nhiều ngành nghề và mặt hàng tại nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… 

Apple, CJ vướng tai tiếng gian lận tài chính 2
Phóng viên theo dõi cuộc lục soát tại trụ sở chính của CJ - Ảnh: The Korea Times

iPhone, iPad và iTax

Cũng trong hôm qua, Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Apple là Tim Cook phải điều trần trước Thượng viện Mỹ về hoạt động tránh thuế của hãng này, theo tờ Le Monde. Ngoài ông Cook, 2 lãnh đạo cấp cao của Apple là Giám đốc tài chính Peter Oppenheimer và Giám đốc chuyên trách thuế Philipp Bullock cũng có mặt. Phiên điều trần được tiến hành sau khi 2 thượng nghị sĩ Carl Levin và John McCain công bố báo cáo cho rằng Apple đã lợi dụng sự khác biệt giữa luật pháp các nước để hạn chế tối đa mức thuế phải nộp.

Chiến lược của “quả táo cắn dở” được chia thành 2 giai đoạn. Trước tiên là tập trung lợi nhuận vào một số công ty con được lập ở những nước có mức thuế thấp hoặc chấp nhận “đàm phán” về vấn đề này. Sau đó, Apple sẽ làm mọi cách để lợi nhuận vẫn được lưu trữ ở ngoài nước Mỹ. Báo cáo ghi nhận hãng này hiện có trên 100 tỉ USD “rải rác” ở những công ty nước ngoài.

 

Đại gia trong tầm ngắm

Cùng với Apple, nhiều tên tuổi lớn khác như HP, Google, Amazon, Facebook... cũng bị nhiều quốc gia tiến hành điều tra, theo Le Monde. Một trong những nguyên nhân khiến gần đây các nước đều tích cực truy thu thuế từ các đại gia là khủng hoảng kinh tế khiến ngân sách đang rất “ọp ẹp”. Ngày 22.5, 27 lãnh đạo quốc gia của EU đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) để thảo luận vấn đề gian lận thuế. 

Lan Chi

Apple đã thiết lập một hệ thống hoạt động rất bài bản để có thể né thuế quy mô lớn một cách hợp pháp. Chính vì vậy, những ngày qua, nhiều báo đài mỉa mai rằng ngoài iPad, iPhone, hãng này còn có một “phát minh lớn” là iTax (đóng thuế theo phong cách Apple) với sự đóng góp của các chuyên gia luật. Cụ thể, luật Mỹ tính thuế dựa theo nơi đăng ký hoạt động của công ty trong khi luật Ireland lại nhằm vào trụ sở chính của tập đoàn mẹ. Do đó, một số công ty con của Apple tại Ireland như Apple Sales International (ASI) hay Apple Operations International (AOI) hầu như không nộp thuế hoặc nộp rất ít. Chẳng hạn, năm 2011, ASI công bố lợi nhuận 22 tỉ USD nhưng chỉ đóng thuế 10 triệu USD. Còn AOI thì không đóng thuế cho nước nào từ 5 năm qua.

Một “chiêu” nổi bật khác là chuyển giao sở hữu trí tuệ ra nước ngoài để lợi nhuận liên quan đến phát minh đó cũng xuất ngoại. Apple giải thích làm vậy để “chia sẻ phí tổn về nghiên cứu và phát triển”, nhưng thực tế là cách làm này giúp Apple không phải đóng đồng thuế nào trong một khoản thu khoảng 36 tỉ USD năm 2012 ở Ireland.

Tại Thượng viện Mỹ, ông Tim Cook không giải trình trực tiếp về các “chiêu thức” nêu trong báo cáo mà liên tục nhắc đến những đóng góp của Apple tại Mỹ: là công ty đóng thuế nhiều nhất (khoảng 6 tỉ USD), tạo được 600.000 việc làm… Thậm chí, Giám đốc điều hành của Apple nhận định: “Luật về thuế của Mỹ không thích ứng được với nền kinh tế kỹ thuật số”.

Đáp lại, thượng nghị sĩ McCain cho rằng tuy Apple không phạm luật nhưng “vi phạm tinh thần của luật” và khiến dư luận có một cách nhìn mới về khẩu hiệu “Think different” (“Nghĩ khác”) của hãng này. Theo ông McCain, các nước cần phải siết chặt luật thuế, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn tình trạng “trốn thuế hợp pháp” như hiện nay. 

Trùng Quang - Lan Chi

>> Con trai Thủ tướng Thaksin gian lận tài chính
>> Apple bị điều tra trốn thuế
>> “Đại gia” Apple bị tố trốn thuế hàng chục tỉ USD
>> Apple mở rộng thị trường hỗ trợ bảo mật hai lớp 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.