15.000 tỉ đồng chi cho ASIAD 2019

07/08/2013 16:18 GMT+7

(TNO) Trong cuộc họp với thành phố Hà Nội về kế hoạch đăng cai ASIAD 18 (2019) cách đây hai ngày, lãnh đạo ngành thể thao đã đề cập đến tổng chi phí tổ chức dự kiến hơn 15.000 tỉ đồng. Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT phân tích rõ hơn các nguồn đầu tư cụ thể.

(TNO) Trong cuộc họp với thành phố Hà Nội về kế hoạch đăng cai ASIAD 18 (2019) cách đây hai ngày, lãnh đạo ngành thể thao đã đề cập đến tổng chi phí tổ chức dự kiến hơn 15.000 tỉ đồng. Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT phân tích rõ hơn các nguồn đầu tư cụ thể.

>> Chỉ tiêu “khủng” tại ASIAD 18
>> Cần có chính sách quốc gia cho ASIAD 18
>> Các công trình cho Asiad 18 sẽ sử dụng như thế nào ?

 
Nếu Việt Nam tổ chức thành công ASIAD 18 sẽ tạo một động lực cho người dân tham gia các hoạt động thể thao nhiều hơn - Ảnh: OCA

* Thưa ông, nguồn kinh phí để chuẩn bị cho việc đăng cai ASIAD 18 sẽ lấy từ những nguồn nào?

Ông Vương Bích Thắng (V.B.T): Trong tổng số tiền vừa được nêu lên ở trên, ngân sách nhà nước sẽ cấp vào khoảng 150 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỉ đồng) với các mục đích chính như sau: Chi cho công tác tổ chức; cải tạo, xây dựng một số công trình thể thao mà chúng ta chưa có hoặc đã xuống cấp, hoặc khó kêu gọi đầu tư như trường bắn súng, bắn cung, xây dựng 1 nhà thi đấu đa năng tại Khu liên hợp thể thao quốc gia; mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu…
 
Cũng trong con số 15.000 tỉ đồng đó, nguồn đầu tư nước ngoài đã chiếm hơn 10.000 tỉ đồng (500 triệu USD), do nhà đầu tư Hàn Quốc chi trả. Với quỹ đất của Khu liên hợp, nhà đầu tư này đang lập đề án xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo, khu khách sạn, trung tâm thương mại.

Hiện tại, đề án chưa được phê duyệt vì Chính phủ còn yêu cầu nhà đầu tư Hàn Quốc phải trình cụ thể cả phương án khai thác từ đặt cược mà nhà đầu tư xin phép được hoạt động sau khi ASIAD 18 kết thúc để thu hồi vốn, tiến tới có lãi.
 
Một nguồn quan trọng khác là xã hội hóa để xây dựng làng VĐV với sức chứa cho hơn 11.000 HLV, VĐV dự ASIAD. Có hai phương án, hoặc kêu gọi nhân dân góp vốn xây dựng; hoặc tạo cơ chế thuận lợi cho một nhà đầu tư để họ bỏ vốn xây dựng, sau ASIAD sẽ tiến hành bán lại cho dân có nhu cầu. Nguồn này vào khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, nguồn xã hội hóa còn thể hiện ở chỗ, hiện tại đã có đối tác sẵn sàng góp vốn để xây, nâng cấp một số công trình tổ chức môn golf (dự kiến ở Long Thành - Đồng Nai), trường đua ngựa (dự kiến tại Lâm Đồng).
 
Ngân sách các địa phương (nơi có địa điểm đăng cai các môn) như Hà Nội và các khu vực lân cận cũng không quá lớn. Còn nguồn thu thì VN sẽ thu từ các đoàn quốc tế dự ASIAD 18 với kinh phí 50 USD/người (có khoảng 12.000 người), tiền bán vé xem các môn, tiền bản quyền….
 
* Thưa ông, dư luận rất quan tâm tới vấn đề, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, ngành thể thao sẽ có kế hoạch chống lãng phí thế nào sau ASIAD?

Ông V.B.T: Để phục vụ đại hội thể thao lớn nhất châu lục này, chúng ta sẽ sử dụng lại 80% công trình đã từng xây dựng trước đây và hiện tại vẫn đang được sử dụng có hiệu quả. Các công trình mới như sân đua xe đạp lòng chảo, sau này sẽ được tổ chức thường xuyên các giải đấu, dùng làm nơi tập luyện cho đội tuyển xe đạp.

Việc tổ chức thành công ASIAD sẽ tạo một động lực cho người dân tham gia các hoạt động thể thao nhiều hơn và các công trình thể thao sẽ được sử dụng đúng công suất, công năng.

Chúng tôi cũng xác định, việc xây để tổ chức các môn mới như bóng chày, hockey sẽ hết sức đơn giản, sử dụng khán đài di động để kinh phí không đội lên quá cao. Việc xây hay nâng cấp các công trình cũng cần tránh lãng phí, tiêu cực.
 
Về kinh phí đầu tư cho VĐV, chúng tôi chưa có con số cụ thể. Nhưng trong chương trình đào tạo VĐV cho ASIAD, ngành sẽ xây dựng chính sách đặc thù cho VĐV trọng điểm; đề nghị Bộ tài chính nâng chế độ dinh dưỡng VĐV…

Lan Phương (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.