Chính phủ cần báo cáo khách quan hơn

31/10/2013 12:41 GMT+7

(TNO) Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản đồng ý với báo cáo của Chính phủ đánh giá nền kinh tế cả nước đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên vẫn còn một số lo lắng về các chỉ tiêu chưa đạt được.

(TNO) Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản đồng ý với báo cáo của Chính phủ đánh giá nền kinh tế cả nước đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên vẫn còn một số lo lắng về các chỉ tiêu chưa đạt được.


ĐB Hà Sỹ Đồng phát biểu ý kiến thảo luận trước QH - Ảnh: Ngọc Thắng

Sáng nay 31.10, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế)...

Phát biểu tại hội trường, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, các chỉ số kinh tế đang ổn định hơn những năm trước. Tuy nhiên, ĐB này đề xuất Chính phủ cần kiểm soát bội chi ngân sách và đầu tư công. Đồng thời, giải quyết tồn kho, nợ xấu trong nền kinh tế vì còn nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

 

Nghe báo cáo của Chính phủ thì chúng tôi thật sự yên tâm. Tuy nhiên trên thực tế thì Chính phủ cần báo cáo một cách khách quan hơn. Nghe báo cáo của Chính phủ thì chúng ta thấy màu hồng, nghe báo cáo thẩm tra của QH thì chúng ta thấy màu xám. Tôi biết, dưới mỗi góc nhìn khác nhau thì sẽ có một đánh giá khác nhau nhưng về kinh tế, xã hội thì cần chính xác.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)

Cùng quan điểm cơ bản thống nhất báo cáo đánh giá của Chính phủ nhưng ĐB Phạm Quang Khải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), phân tích thêm: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được còn thấp, dự kiến tăng trưởng thấp, tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp giảm dần, hàng tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm cự.

Theo ĐB Khải, bội chi ngân sách 2013 dự kiến tăng 5,3% là không tốt, nhiều dự án thiếu vốn kéo dài nên chậm phát huy hiệu quả.

“Chính phủ cần khắc phục bội chi những năm tiếp theo, chi cho đầu tư công cần kiểm soát chặt chẽ, có danh sách các dự án được đầu tư, trình QH xem xét, phê duyệt”, ĐB Khải đề nghị.

Đặc biệt, ĐB Khải có ý kiến rằng đầu tư thủy điện trong thời gian qua không an toàn, gây nhiều hậu quả và nhiều dự án dàn trải, lãng phí, không có quy hoạch.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lo ngại: “Kinh tế có phục hồi nhưng niềm tin của thị trường chưa phục hồi, thể hiện ở chỗ nhiều doanh nghiệp không mặn mà vay để đẩy mạnh sản xuất”. Đồng thời, thâm hụt ngân sách và nợ phải trả bị dồn do nhiều năm qua chúng ta vay trung hạn.

“Tôi đề nghị cố gắng xử lý chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa cần lưu ý sử dụng hiệu quả nhất dòng tiền ngân sách - như dòng máu lưu thông được - tránh chỗ này nợ còn tiền lại dư ứ ở chỗ kia”, ĐB Lịch nói.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sắp tới phải đặc biệt ưu tiên cho các công trình cấp bách.

Đồng thời, “xác định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước không đồng nghĩa với vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước. Nhà nước chỉ cần có những chính sách vĩ mô cho doanh nghiệp Nhà nước chứ không ưu ái doanh nghiệp Nhà nước, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh, đặc biệt là những doanh nghiệp Nhà nước đã nợ đầm đìa, làm ăn không hiệu quả”, ĐB Đồng phát biểu.

Không quản lý Nhà nước theo kiểu phong trào

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương): Vừa qua có nhiều sự kiện bức xúc, là người Việt Nam chúng ta phải thấy xấu hổ với những sự kiện đó. Người dân mất niềm tin với Nhà nước dẫn đến việc người dân tự xử. Việc người dân tự xử là thể hiện sự suy giảm niềm tin và quản lý yếu kém của Nhà nước. Đề nghị Chính phủ cần khắc phục những yếu kém, quản lý Nhà nước cần phải vì dân, phục vụ nhân dân. Không nên quản lý Nhà nước theo kiểu phong trào, khi có chuyện thì cán bộ cấp trên cấp dưới đổ xuống đi làm, báo chí đưa tin rầm rộ, còn bình thường thì không ai quan tâm.


ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị Chính phủ quản lý phải tránh quan liêu, tham nhũng, gây bức xúc cho nhân dân - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Người dân giờ đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng dân gọi điện thoại thì không nghe. Nhiều cán bộ thấy số lạ là không bao giờ bắt máy nghe điện thoại, trong khi người dân rất cần gặp cán bộ, không gặp trực tiếp được, cần người dân mới gọi điện thoại.

Ngày xưa chúng ta dựa vào dân đánh giặc, giặc cũng dựa vào dân để đánh ta. Ai nắm được dân thì người đó thắng. Vì vậy, phải lấy dân làm gốc. Tránh quan liêu, tham nhũng, gây bức xúc cho nhân dân.

Nguyên Mi

>> Cần 'bàn tay sắt' để cắt lợi ích khi tái cơ cấu kinh tế
>> Kiến nghị bỏ quy định thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội
>> Quốc hội thảo luận về phòng chống tham nhũng năm 2013
>> Bộ trưởng Y tế báo cáo Quốc hội các vụ tiêu cực trong ngành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.