Trạm quân dân y vùng biên giới

06/11/2013 08:18 GMT+7

Từ khi Trạm xá Quân dân y ra đời, người dân vùng biên giới Vĩnh Gia (H.Tri Tôn, An Giang) không còn phải chịu cảnh bệnh tật thiếu bác sĩ, thuốc men chữa trị.

Trạm quân dân y vùng biên giới

Bác sĩ Nguyễn Văn Bền khám bệnh cho một trẻ em ở xã Vĩnh Gia - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Trạm quân dân y vùng biên giới1

 Trạm xá Quân dân y xã Vĩnh Gia - nơi bà con vùng biên thường đến khám chữa bệnh - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Bác sĩ mang quân hàm xanh

Nằm ven dòng kênh Vĩnh Tế, Vĩnh Gia là một trong những xã vùng biên xa nhất của H.Tri Tôn, giáp với xã Tà Ô (H.Kirivong, tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia). Cư dân trong xã chủ yếu là người nghèo tứ xứ đến đây khai hoang lập nghiệp. Đất đai ở Vĩnh Gia cằn cỗi, nhiễm phèn nặng, mỗi năm bà con chỉ trồng được 1 - 2 vụ lúa, năng suất chẳng đáng là bao.

 

Trạm xá Quân dân y xã Vĩnh Gia gồm 6 phòng khám chữa bệnh, tổng kinh phí xây dựng hơn 460 triệu đồng, trong đó Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đóng góp 290 triệu đồng.

Đời sống vất vả nên chuyện tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân địa phương gần như không có. Bên cạnh đó, đường từ trung tâm xã về đến bệnh viện huyện dài hơn 46 km, do vậy mỗi khi bị đau nhức, cảm mạo bà con chỉ uống cây cỏ, thuốc nam qua loa; bệnh nặng lắm mới về bệnh viện huyện thăm khám. “Khoảng 5 năm trước, cả xã Vĩnh Gia và xã Lạc Quới lân cận không có một bác sĩ. Để cải thiện việc chăm lo sức khỏe cho người dân, địa phương đã xây dựng trạm y tế, rồi huyện điều chuyển y, bác sĩ về. Tuy nhiên, không ai bám trụ được lâu vì cuộc sống ở đây quá vất vả, điều kiện hành nghề không có; người dân cũng nghèo, chẳng có tiền bạc để đến khám trị bệnh thường xuyên”, thượng tá - bác sĩ Nguyễn Văn Bền, Chủ nhiệm Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang kiêm Trưởng trạm xá Quân dân y xã Vĩnh Gia, nhớ lại.

Thấy được khó khăn của bà con, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã đề xuất xây dựng thí điểm mô hình trạm xá quân dân y kết hợp tại xã Vĩnh Gia. Tháng 9.2009, trong niềm vui khôn xiết của chính quyền, cán bộ - chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Gia cùng hàng chục ngàn người dân vùng biên, Trạm xá Quân dân y xã Vĩnh Gia được thành lập với đội ngũ y, bác sĩ là các chiến sĩ mang quân hàm xanh.

Trạm xá của dân nghèo

Đến nay, trang thiết bị y tế của trạm xá vẫn còn nhiều thiếu thốn, thuốc men được hỗ trợ là chính. Thêm vào đó, nguồn thu từ việc thăm khám, chữa bệnh cho bà con chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Những ca bệnh từ hóc xương cá đến cảm mạo, nhức đầu… y, bác sĩ trạm thường chữa giúp hoặc chỉ nhận khoản tiền thuốc 20.000 - 30.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Chen (ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Gia) phấn khởi: “Nhà tui có ai bị bệnh đều chở đến trạm xá. Mấy chú trị mát tay lắm, chỉ cần cho thuốc uống hoặc chích 1 - 2 lần là hết bệnh. Từ khi có trạm xá đến giờ, cả xóm được chăm sóc sức khỏe nên ít ai bệnh tật”.

Hôm đến trạm xá, chúng tôi gặp vợ chồng anh Hứa Minh Trí (ngụ xã Vĩnh Điều, H.Giang Thành, Kiên Giang) chở đứa con nhỏ bị sốt suốt đêm đến khám. Anh Trí cho biết nhà nghèo, không đủ tiền đi bác sĩ tư, nên khi có bệnh, cả nhà anh đều đến trạm xá này trị. “Chích với cho thuốc uống đến lúc con tôi hết bệnh mà bác sĩ chỉ lấy có 15.000 đồng hà. Rẻ thiệt!”, anh Trí nói.

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên, Trạm xá Quân dân y xã Vĩnh Gia còn kiêm luôn nhiệm vụ hỗ trợ y tế cho người dân, cán bộ, gia đình quân nhân phía biên giới nước bạn Campuchia. Vào cuối tuần, mỗi ngày có từ 50 - 100 lượt bệnh nhân từ các xã giáp biên thuộc H.Kirivong sang thăm khám. “Chúng tôi luôn làm việc hết mình vì sức khỏe bà con, mà trên hết là vì bình yên ở tuyến đầu biên giới”, bác sĩ Nguyễn Văn Bền chia sẻ.

 Nguyễn Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.