Dọc đường SEA Games: Từ chợ đá quý đến Trung tâm báo chí

05/12/2013 09:00 GMT+7

Trung tâm báo chí (MPC) và Trung tâm truyền thông quốc tế (IBC) của SEA Games được đặt tại Mani Yadana Jade Hall, vốn là địa điểm tổ chức hội chợ đá quý hằng năm của Myanmar.

Trung tâm báo chí (MPC) và Trung tâm truyền thông quốc tế (IBC) của SEA Games được đặt tại Mani Yadana Jade Hall, vốn là địa điểm tổ chức hội chợ đá quý hằng năm của Myanmar.

 Dọc đường SEA Games: Từ chợ đá quý đến Trung tâm báo chí
Trung tâm báo chí vẫn chưa hoạt động vì thiếu tài liệu - Ảnh: Khả Hòa

Sau hơn 1 ngày di chuyển từ Việt Nam, đoàn phóng viên thể thao Báo Thanh Niên mới có mặt tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar lúc... 2 giờ sáng.

Ngay trong sáng cùng ngày, chúng tôi quyết định đến Trung tâm báo chí để tìm hiểu về điều kiện tác nghiệp trong thời gian diễn ra đại hội. Khi nhận được yêu cầu của chúng tôi, anh chàng tài xế tên Phone ngớ người ra một chút, rồi hỏi lại: “Các anh chị cần đến Bộ Thông tin của Myanmar phải không?”. Chúng tôi vội vàng đưa bản đồ sự kiện SEA Games in từ trang web chính thức của nước chủ nhà cho Phone xem, và chỉ vào địa điểm ghi Media Center, thì Phone à lên ra chiều đã rõ: “Hóa ra các anh chị cần đến Bộ Khoáng sản và Tài nguyên”. Lần này thì đến lượt chúng tôi bối rối, nhưng đành giao phó việc tìm kiếm Trung tâm báo chí cho anh chàng tài xế ở Nay Pyi Taw vậy.

Theo sự sắp xếp của Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, nhóm phóng viên Báo Thanh Niên được giới thiệu thuê phòng ở khách sạn Great Wall, thuộc cụm khách sạn số 2 nằm ở phía bắc Nay Pyi Taw - cụm khách sạn số 1 nằm ở phía nam của thủ đô. Từ khách sạn Great Wall đến Trung tâm báo chí, chúng tôi phải đi vào khu vực của các bộ. Cùng với khu vực quân sự, đây là khu vực hạn chế đối với dân thường. Và quả thật, trên đường đi chỉ nhìn thấy những trạm gác và lính gác, chứ không hề gặp khu vực dân cư nào. Đường rộng thênh thang mà vắng ngắt, nếu không có những chốt canh cùng lính gác xuất hiện dọc theo đường đi, thì chúng tôi cứ như đang lạc vào một thành phố bỏ hoang vậy. Khung cảnh đó tương phản với màu sắc rực rỡ của hàng vạn cờ phướn, băng rôn, pa nô quảng bá SEA Games được đặt dọc các con phố chính của Nay Pyi Taw.

Sau hơn 15 phút phóng xe với tốc độ khoảng 100 km/giờ, Phone tự tin thắng cái kịt trước cổng... Bộ Khoáng sản và Tài nguyên. Đang phân vân, chúng tôi chợt nhìn thấy băng rôn ghi IBC và MPC của SEA Games. Cảm ơn Phone, chúng tôi hăm hở bước vào trung tâm, thế nhưng mọi người đã bị chặn lại ngay cửa và được yêu cầu qua tòa nhà bên cạnh để làm thẻ ra vào của IBC và MPC thì mới được qua cửa.

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao trên thẻ tác nghiệp SEA Games đã ghi rõ là được vào khu vực IBC và MPC nhưng nay lại phải làm thêm “thẻ con”, thì được cô Saw Shwe Lin giải thích: “Mặc dù thẻ SEA Games có quy định chủ thẻ có thể ra vào Trung tâm báo chí, nhưng chỉ có những người làm truyền thông và có thẻ ra vào thì mới có thể vào khu vực này. Tất cả nhằm đảm bảo an ninh, bởi nếu có chuyện gì xảy ra thì công tác truyền phát sóng các trận đấu của SEA Games sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, ban tổ chức mới đưa ra thêm quy định này”. Cô đồng nghiệp đang làm cho Tập đoàn truyền thông Mizzima của Myanmar cho biết thêm: “Thẻ tác nghiệp không thể ghi nhận việc ra vào, nên ban tổ chức phải cho làm thêm thẻ ghi dấu vân tay. Ngay cả cánh phóng viên của Myanmar cũng đều phải làm thẻ ra vào Trung tâm báo chí”.

Thủ tục làm thẻ ra vào Trung tâm báo chí cũng đơn giản thôi - khai mẫu, làm thẻ nhựa, lấy dấu vân tay - nhưng hóa ra lại mất khá nhiều thời gian. Có đến 4 cô tình nguyện viên xinh xắn giúp cánh phóng viên điền tờ khai, nhưng chỉ có 1 người duyệt: vừa kiểm tra tờ khai, kiểm tra thẻ, và kiểm tra cả hộ chiếu. Lại thêm cánh phóng viên quen gõ bàn phím, chữ viết cứ như chữ bác sĩ, nên nhân viên làm thẻ nhựa cứ phải hỏi lui hỏi tới nhiều lần. Thêm vào đó, cứ chốc chốc lại có những nhóm kỹ thuật viên Myanmar có, quốc tế có chen vào làm thẻ gấp nên phải 2 tiếng sau chúng tôi mới có thẻ.

Dẹp đá quý, làm SEA Games

Sau khi quét thẻ và kiểm tra dấu vân tay, chúng tôi còn phải qua khâu kiểm soát như khi làm thủ tục xuất nhập cảnh thì mới được vào khu vực của Mani Yadana Jada Hall. Đây là địa điểm tổ chức hội chợ đá quý hằng năm của Myanmar nên cơ sở vật chất rất xứng tầm với đất nước được cho là sản xuất đến 90% lượng ngọc bích của thế giới.

Thời gian này, trong Mani Yadana Jada Hall không có đá quý, mà chỉ có những tin tức nóng hổi từ các sân thi đấu của SEA Games truyền về. Các quầy bán đá quý chuyển thành những quầy bán đồ lưu niệm SEA Games, sảnh lớn trung tâm được ngăn thành những phòng nhỏ làm nơi tác nghiệp cho các đài. Các đài truyền hình và phát thanh của Myanmar được ban tổ chức hỗ trợ sử dụng miễn phí một phòng, trong khi các đài quốc tế, trong đó có VTV, phải mướn với giá 45.000 USD/phòng. Cánh phóng viên viết được bố trí khu vực dưới tầng hầm, dây mạng và ổ cắm điện được kéo đến từng bàn, còn hệ thống wifi phủ sóng toàn khu vực... Các màn hình lớn nhỏ truyền trực tiếp và phát lại các môn thi đấu. Có cả khu vực nghỉ ngơi cho cánh phóng viên, với nước uống miễn phí cả ngày, còn ăn nhẹ chỉ phục vụ từ 2 giờ chiều trở đi... Có hề gì, khu vực Food Court ngay bên cạnh Mani Yadana Jada Hall có sức chứa đến 100 bàn - bàn 6 người - phục vụ suốt ngày với thực đơn thuần túy Myanmar và thức ăn nhanh kiểu gà rán, hamburger...

Điều kiện làm việc cho giới truyền thông khá ổn, chỉ tiếc là cho đến 1 tuần trước ngày khai mạc SEA Games, ở đây hoàn toàn chưa có tài liệu gì để cung cấp cho những người săn tin. Ngoài lịch thi đấu trong ngày được photocopy, thì bản đồ không, lịch đến các đoàn không, lịch trình xe buýt đưa đón cũng không... Ngay cả những tờ báo tiếng Anh cũng phải đọc tại chỗ rồi trả lại. Ấy thế mà bạn cũng đừng hy vọng tìm được một tờ báo cũ của ngày hôm trước.

Tố Loan
(từ Nay Pyi Taw)

>> Myanmar đoạt HCV đầu tiên SEA Games
>> Coi chừng bị phạt nặng khi đi xem SEA Games 2013
>> Kỳ vọng gì ở SEA Games ?
>> U.23 Việt Nam háo hức trước ngày lên đường dự SEA Games 2013 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.