Chuyện tình lính Trường Sa: Dằng dặc giữa đảo và bờ

14/02/2014 08:35 GMT+7

(TNO) Nói chuyện 'tình yêu người lính' cảm động nhất là những mối tình của lính đảo Trường Sa (Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân). Những câu chuyện tình yêu của họ cũng dằng dặc cùng thời gian ngoài đảo - trong bờ, mà không phải ai cũng có thể tưởng tượng ra.

(TNO) Nói chuyện 'tình yêu người lính' cảm động nhất là những mối tình của lính đảo Trường Sa (Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân). Những câu chuyện tình yêu của họ cũng dằng dặc cùng thời gian ngoài đảo - trong bờ, mà không phải ai cũng có thể tưởng tượng ra.

Thiếu tá Trần Ngọc Thạch tại đảo Trường Sa Đông
Thiếu tá Trần Ngọc Thạch tại đảo Trường Sa Đông

Do đặc thù nhiệm vụ, thời gian công tác của cán bộ chiến sĩ (thường gọi tắt là “tăng”) ít nhất là 1 năm, nhiều thì 2-3 năm phải ở liên tục ngoài đảo.

“Đi đâu thì cũng về với em nhé”

Thiếu tá Trần Ngọc Thạch là một trong số ít cán bộ hiện đang công tác ở đảo Trường Sa Đông liên tục 2 năm nay. Vợ anh Thạch là chị Nguyễn Thị Lan Anh (33 tuổi, kém anh đến 8 tuổi) đang là giáo viên dạy lớp 4, Trường Tiểu học Trần Tất Văn (xã Thái Sơn, huyện An Lão, TP.Hải Phòng).

 
Ai cũng nghĩ thế, thì bộ đội ế hết à? Đi đâu thì đi, nhưng cứ phải về với em nhé!
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh,
vợ Thiếu tá Trần Ngọc Thạch

Câu chuyện tình yêu của anh Thạch đến bây giờ vẫn thường được những chiến sĩ trẻ trên đảo mang ra làm “tấm gương”, khi nói đến chuyện “vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau”.

Khi còn công tác tại Lữ đoàn Tên lửa bờ 679 (Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân), anh Thạch là Bí thư Đoàn của Ban Tham mưu Lữ đoàn, thường hay giao lưu, gặp gỡ với đơn vị kết nghĩa là Chi đoàn lớp của Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng. Từ công việc chung của hai chi đoàn, tình yêu giữa anh và cô Bí thư Chi đoàn Sư phạm Lan Anh nảy nở, duy trì suốt 3 năm liền, từ khi cô còn học trong trường cho đến khi ra trường, đi dạy gần nhà.

Biết Lan Anh sắp lấy bộ đội Hải quân, nhất là Hải quân của một đơn vị chiến đấu, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng, không ít bạn bè, người thân can ngăn: “Xinh đẹp, tương lai thế này, sao lại lấy người hơn mình những 8 tuổi, lại biền biệt nay đây mai đó, hết trong bờ lại ra đảo?”.

Nghe vậy, Lan Anh cười: “Ai cũng nghĩ thế thì bộ đội ế hết à?” và phụng phịu ra điều kiện với anh Thạch: “Đi đâu thì đi, nhưng cứ phải về với em nhé!”.

Do đặc thù công tác xa nhà nên lấy nhau vài năm, vợ chồng anh Thạch mới sinh cháu gái Trần Ngọc Mai Hiền vào năm 2009 và 2 năm sau (2011) sinh tiếp bé trai Trần Ngọc Duy Anh. Lúc con gái đầu 3 tuổi, con sau mới 1 tuổi thì Thiếu tá Trần Ngọc Thạch được phân công ra đảo Trường Sa công tác (2012).

Nhớ ngày khoác ba lô lên tàu ra đảo, anh Thạch kể: “Cũng tâm trạng lắm chứ, vì mình vợ trẻ con thơ, lại biền biệt 2 năm liên tục, không như các đồng đội khác” và cười: “Mới đầu, cứ chiều thứ bảy là tất bật sửa soạn đồ đạc về quê thăm con như ở trong bờ. Thấy anh em cười ầm lên, mới sực nhớ mình ngoài đảo!”.

 
Vợ em mới là trụ cột trong gia đình. Nếu không thực yêu nhau, không người phụ nữ nào chịu đựng được vậy!
Trung úy Bùi Công Hưng

Bây giờ, thằng cu Trần Ngọc Duy Anh của Thạch đã 3 tuổi, đã gọi chào rất sõi, nhưng khi tôi mang tấm hình chụp Thạch ngoài đảo đến nhà, cu cậu vẫn tò mò đứng ngoài cửa, nhìn mẹ và chị cầm tấm hình reo ầm lên “Bố Thạch ngoài đảo này!”, chỉ đến khi tôi về, cu cậu mới lại gần tấm hình, bi bô ngọng nghịu: “Bố Thạch! Bố Thạch!”.

Cô giáo Lan Anh cười, mắt như đọng nước: “Hồi anh ấy ra đảo, thằng cu còn ẵm ngửa. Hai năm trời, 3 mẹ con lọc cọc chăm nhau và em phải học để làm được mọi việc điện đóm, sửa chữa trong nhà, như hồi anh ấy chưa đi đảo!”, nhưng phấn khởi: “Theo kế hoạch, tháng 5 này anh ấy hoàn thành nhiệm vụ, về lại đất liền với mẹ con. Bây giờ đến đó còn 3 tháng, nên cả 2 vợ chồng đang tập trung... huấn luyện cho con quen dần ảnh bố, khi về đỡ bỡ ngỡ!”.

Thiếu tá Thạch thì thủ thỉ qua điện thoại với tôi: “Cũng phải cùng đảo đón chừng chục đoàn khách ra thăm, xong mới theo tàu vào đất liền!” và khoe: “Cả năm nay cứ chiều là ra bãi cát nhặt vỏ ốc đẹp, giờ em đang làm cây hoa về tặng mấy mẹ con. Riêng con trai, sẽ tặng riêng vỏ ốc biển rất to, áp vào tai nghe rì rào tiếng sóng. Đến chiến sĩ mới còn thích, nữa là con trai nhỏ?”. 

“Yêu anh, em thành trụ cột”

Trên tàu HQ-571 làm nhiệm vụ dịp giáp Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua, tôi chú ý đến một chiến sĩ khuôn mặt thư sinh nhưng rất dạn dày với sóng gió, cứ đều đặn sáng chiều bám lan can con tàu đang nghiêng ngả vì sóng gió cấp 8-9 để chăm sóc 2 con heo nhỏ và lồng gà 5 con.

Trung úy Bùi Công Hưng cẩn thận giữ chú lợn, trên xuồng chuyển tải từ tàu HQ-571 vào nhận nhiệm vụ tại đảo chìm Thuyền Chài A
Trung úy Bùi Công Hưng cẩn thận giữ chú lợn trên xuồng chuyển tải từ tàu HQ-571 vào nhận nhiệm vụ tại đảo chìm Thuyền Chài A

Hỏi ra mới biết anh là Trung úy Bùi Công Hưng, bác sĩ Đội Điều trị 486 (Phòng Hậu cần, Vùng 4 Hải quân) ra nhận nhiệm vụ quân y tại đảo chìm Thuyền Chài A, thời gian công tác 1 năm.

Một buổi sáng, Hưng hớt hải lay tôi dậy: “Em tìm mãi chỉ còn một con lợn anh ơi!” khiến mấy anh bạt khỏi giường, lần tìm khắp boong sau giữa ầm ào sóng gió. Không thấy bóng dáng của chú lợn, Hưng thở dài thườn thượt: “Sóng to quá, chắc hôm qua lắc ngang khiến nó rơi xuống biển rồi!” và tiếc nuối: “Vợ em đi chọn mua mãi, để mang ra gây giống lâu dài cho đảo!”.

Chục ngày ở với nhau suốt hành trình ra đảo, mới biết năm 2009, khi đang là học viên năm cuối của Học viện Quân y, chàng cán bộ đi học Bùi Công Hưng về thăm quê Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình) và quen cô giáo Phạm Thị Thoa mới ra trường. Từ quen đến yêu và sau gần một năm trời, cả 2 quyết định gắn bó lâu dài.

Hưng kể: Trước cũng có quen biết mấy cô, nhưng ai nấy đều khăng khăng “phải công tác Hà Nội hoặc ít nhất cũng phải thành phố, thị xã gần nhau, mới yêu và cưới”. Rút kinh nghiệm mấy lần trước, em đặt thẳng vấn đề với Thoa: “Anh là lính Hải quân, nên dù có học Học viện Quân y hay nhà trường nào khác, vẫn phải về phục vụ Hải quân, gắn bó với Trường Sa. Nếu em thông cảm được thì hãy đồng ý!”.

Không những đồng ý mà ngay sau khi cưới nhau và có đứa con đầu lòng, cô giáo Thoa đã chuyển công tác vào Cam Ranh (Khánh Hòa) lập nghiệp cùng chồng.

Trung úy Hưng (áo trắng quân phục, đứng trong lòng xuồng CQ) tại đảo Thuyền Chài A
Trung úy Hưng (áo trắng quân phục, đứng trong lòng xuồng CQ) tại đảo Thuyền Chài A

Tiếng là gần nhau nhưng Trung úy Hưng cũng nhoằng cái là khoác ba lô lên tàu HQ, ra biển làm nhiệm vụ liên tục 2 - 3 tháng, bặt không thể gọi điện thăm hỏi do đặc thù công việc. Những ngày ở bờ, Hưng lại trực đơn vị liên miên, có khi cả tuần mới đảo qua nhà thăm vợ nựng con. Tất cả việc nhà dồn lên đôi vai nhỏ của cô giáo năm nay mới 26 tuổi: vừa chăm sóc đứa con lớn (4 tuổi) và đứa sau (2 tuổi) sàn sàn trứng gà trứng vịt, vừa tất tả làm tròn thiên chức người dạy chữ cho trẻ làng chài, cách nơi ở trọ của gia đình cả chục cây số đường lầm lụi cát.

Trước khi Trung úy Hưng khoác ba lô ra đảo Thuyền Chài A nhận nhiệm vụ, gia đình hai bên đã định đón con đầu lòng 4 tuổi ra Bắc ở với nhà ngoại, mong đỡ vất vả cho Thoa. Nhưng Thoa dứt khoát: “3 mẹ con xa bố đã vất vả, giờ con lại xa mẹ, tội lắm. Con cố gắng một năm thôi, cũng được”, khiến Trung úy Hưng cũng thẫn thờ với tôi: “Vợ em mới là trụ cột trong gia đình. Nếu không thực yêu nhau, không người phụ nữ nào chịu đựng được vậy!”.

Ngoài Trường Sa, dù ở đảo nổi tương đối đầy đủ hoặc đảo chìm thiếu thốn đến nao lòng, vào giường ngủ nào của bộ đội, cũng thấy những tấm hình gia đình, người thân treo ngay đầu giường. Có những khi tấm hình gia đình còn được đặt cẩn thận trên bậu cửa sổ, góc bàn nơi thường làm việc. Anh em lính đảo gọi đó là những "góc tình yêu".

Góc Tình yêu tại một số đảo chìm

Góc Tình yêu tại một số đảo chìm 3
Góc tình yêu tại một số đảo chìm

Mỗi buổi chiều ngoài đảo, từ "góc tình yêu" những người lính lại tranh thủ gọi điện về đất liền nghe con bi bô, cùng vợ, mẹ thì thầm những câu chuyện sau một ngày nhung nhớ và những phút ấy gọi là "phút tình yêu".

Suốt 365 ngày sóng gió dằng dặc, những khoảnh khắc nhớ thương, câu chuyện nghĩa tình ấy đã trở thành điểm tựa cho những người lính can trường giữ đảo và ở ngoài đảo bao năm rồi, ngày nào cũng là ngày Tình yêu..., đâu chỉ có riêng ngày Valentines 14.2.

Bài, ảnh: Mai Thanh Hải

>> Vợ lính Trường Sa với 8.3
>> Tin yêu gửi đến Trường Sa
>> Cha-con và những cái tết ở Trường Sa
>> Bộ đội Trường Sa đón xuân nhưng không quên nhiệm vụ
>> Biên đảo không xa đâu: Trường Sa gửi quà Tết vào đất liền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.