Chợ bản quyền truyền hình và tư duy mua - bán

07/04/2014 08:55 GMT+7

(TNO) Chuyện bản quyền truyền hình các giải bóng đá ở ta, từ bản quyền V.League, bản quyền giải Ngoại hạng Anh hay bản quyền Euro, World Cup đã nóng lên từ rất lâu rồi. Hơn khi nào hết người ta cần một tư duy mua bán thật chuẩn mực trong vấn đề này.

(TNO) Chuyện bản quyền truyền hình các giải bóng đá ở ta, từ bản quyền V.League, bản quyền giải Ngoại hạng Anh hay bản quyền Euro, World Cup đã nóng lên từ rất lâu rồi. Hơn khi nào hết người ta cần một tư duy mua bán thật chuẩn mực trong vấn đề này.

>> Vật lộn với bản quyền truyền hình World Cup 2014
>> Bản quyền truyền hình ASIAD giá 'cắt cổ
>> Bản quyền truyền hình World Cup 2014 vẫn... ế

 
Bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam được kêu giá đến hơn 10 triệu USD - Ảnh: AFP

Qua lâu lắm rồi cái thời bản quyền truyền hình các giải bóng đá được "rót" về về sóng của VTV theo kiểu "tình cho không biếu không" hay kiểu "anh muốn trả cho tôi bao nhiêu thì trả".

Cái thời ấy kể cũng sướng, nhưng đó là cái sướng của một em bé bị suy dinh dưỡng, được người ngoài nhìn với ánh mắt xót xa, thương cảm. Bây giờ thì em bé đã trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú - một chàng trai đủ tiềm lực và vị thế để sòng phẳng mua những cái mình muốn mua. Vấn đề là mua như thế nào cho hợp lý mà thôi.

Mua như kiểu FPT từng mua bản quyền truyền hình World Cup 2006 hay VTC từng mua  bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa, (từ 2007 đến 2010), rồi K+ từng mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh trong 6 mùa (từ 2010  đến 2013, rồi từ 2013 đến 2016) được không?

Kể ra cũng có cái được, đó là nó đã phá thế độc tôn, độc quyền kéo dài nhiều năm trước của VTV, khiến ông anh cả này phải chuyển mình nhanh nhạy hơn, sắc nhọn hơn. Nhưng cái được cỏn con chỉ vừa diễn ra thì ta lại bị người ngoài lạm dụng đến kiệt cùng. Lạm dụng ở chỗ: miếng bánh chỉ có thế, nhưng người đi chợ lại nhiều hơn và máu mặt hơn, thế là kẻ sở hữu miếng bánh cứ có thể dễ dàng "cắt cổ" hơn.

Vì biết rõ tâm lý của người đi chợ, cũng hiểu rõ đặc điểm của cái chợ mà người ta đã bán bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa 2013 - 2016 với một cái giá kỷ lục lên tới 40 triệu USD. Còn giá bản quyền truyền hình World Cup 2014 này thì sao? Cả làng đều biết rồi, cái giá được chào lên tới 10 triệu USD, nghĩa là gấp hơn 3 lần so với kỳ World Cup 4 năm về trước.

Tới nước này thì những người đi chợ ở ta (các nhà đài) lại nhận định rằng "World Cup chỉ diễn ra 1 tháng, trong khi giải Ngoại hạng Anh diễn ra 10 tháng. Mà 1 tháng thì quá ngắn, quá ít để kêu gọi quảng cáo, thu hồi lợi nhuận. Thế nên ngoài anh cả VTV, chẳng nhà đài nào máu me sở hữu". Rồi người ta đẩy vấn đề vấn đề theo kiểu: Nếu không chịu bán cho VTV, kẻ bán hàng kia - MP Silva chỉ có nước mất không món hàng.

Nghĩ thế không sai, nhưng cứ khăng khăng nghĩ thế cũng không hẳn đã là người đi chợ khôn ngoan. Cần biết rằng trong những năm trước đây, khi chào hàng các nhà đài Việt Nam, đại diện của MP Silva từng đưa ra thông điệp: "Nếu không ai mua, chúng tôi sẵn sàng mất trắng".

Đừng tưởng họ dọa, bởi đời sống truyền thông, truyền hình và bản quyền truyền hình quốc tế đã từng có chuyện: tôi sẵn sàng mất trắng một lần để anh "sáng mắt ra" và để lần sau anh "nắn gân" tôi không dễ.

Vậy nên vấn đề ở đây không phải là chúng ta cứ ỷ vào cái thế "nếu không bán cho tôi thì anh chẳng bán được cho ai", mà là phải tính toán làm sao để có thể mua cái mình cần mua một cách đúng thời điểm, hợp giá trị và  hợp túi tiền.

Cái kiểu có đến 4,5 đài cùng để cho người ta "chào hàng" và lại "chào hàng" theo dạng gặp từng người riêng rẽ, rồi khéo léo sắp xếp để mỗi người đều biết những người còn lại đang được "chào" như những gì đã diễn ra chắc chắn không giúp chúng ta đạt được mục tiêu trên.

Cái kiểu cùng ngồi lại với nhau để cùng "cắt máu ăn thề": "Chúng tôi chỉ quan tâm tới gói 1, chứ không quan tâm đến gói 3", nhưng sau khi thấy một người sở hữu được gói 1 thì những người còn lại bỗng nhao nhao "xin" được mua gói 3 như những gì diễn ra trong vụ mua - bán bản quyền giải Ngoại hạng Anh năm ngoái  chắc chắn cũng không giúp chúng ta đạt mục tiêu trên.

Và cái kiểu một người đi chợ nào đó...miễn cưỡng nhận lời sẽ đại diện cho tất cả các người đi chợ đứng lên mua món hàng, nhưng trước đó lại tìm cách để "hàng" về tay một mối ruột của mình càng không giúp chúng ta đạt mục tiêu trên.

Ngày xưa thì không có chợ, nên chúng ta phải nhặt... đồ bố thí. Bây giờ có chợ rồi thì ta lại không có những người đi chợ đủ niềm tin.

Trọng Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.