Từ V-League đến đội tuyển quốc gia: Bản sắc là bản sắc nào?

05/05/2014 14:14 GMT+7

(TNO) Giờ có nhắm mắt lại người ta cũng thuộc lòng câu: 'Bóng đá Việt Nam sẽ hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật' mà những tân quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 7 nói đến.

(TNO) Giờ có nhắm mắt lại người ta cũng thuộc lòng câu: 'Bóng đá Việt Nam sẽ hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật' mà những tân quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 7 nói đến. 

>> Ứng viên HLV đội tuyển Việt Nam: HLV người Nhật áp đảo
>> Tuyển Việt Nam sẽ có HLV người Nhật
>> Chọn HLV cho đội tuyển Việt Nam: Rờ voi rồi đoán

Nhưng nếu hỏi ngược lại: Hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật có nghĩa chúng ta sẽ đi theo bản sắc nào và cái bản sắc ấy liệu có mâu thuẫn với bản sắc mà chúng ta đã có hay không, thì chưa chắc người ta đã có thể trả lời rành rọt.

Nhìn từ V-League

 
CLB Thanh Hóa (áo vàng) có khả năng tung vào sân một lúc những... 7,8 ông "Tây" - Ảnh: Minh Tú 

Sau khi Ninh Bình giải tán và một vài cầu thủ nhập tịch Ninh Bình đầu quân cho Thanh Hóa thì người ta đã bàn tán rôm rả về việc Thanh Hóa có khả năng tung vào sân một lúc những... 7,8 ông "Tây", tính cả "Tây" xịn, lẫn "Tây" nhập tịch. Ở Thanh Hóa bây giờ, những cầu thủ gốc Thanh cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và những "cái đầu tay hiếm hoi" ấy luôn phải đánh đu với ghế dự bị.

Một đội bóng 11 người nhưng lại có tới 7,8 người gốc ngoại (hiểu theo nghĩa ngoại quốc) và 2,3 người còn lại cũng thuộc nhân tố ngoại (hiểu theo nghĩa ngoại tỉnh) có phải là đội bóng có bản sắc hay không?

Thực ra thì bản sắc và tính địa phương của một đội bóng không phải là hai khái niệm đồng nhất, nhưng thực tế thì giữa hai yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau và ở những nền bóng đá chuyên nghiệp không tới nơi tới chốn như bóng đá Việt Nam, thì yếu tố thứ hai luôn có sự tác động mạnh mẽ trong việc hình thành yếu tố đầu.

Ai cũng biết Thanh Hóa là một mảnh đất bóng đá giàu truyền thống, một mảnh đất mà từ thời bao cấp tới nay luôn sảnh sinh ra những thế hệ cầu thủ tài năng (thế hệ xưa có Quang Hà, Hồng Minh, Quang Minh, Văn Thuận... thế hệ nay có Tiến Thành, Văn Thắng, Đình Tùng...) thế mà bây giờ lại trở thành điển hình của một đội bóng tứ xứ. Và thật ảo tưởng nếu tin rằng đội bóng tứ xứ ấy có thể phát triển một cách có bản sắc trong một lộ trình dài.

Sở dĩ phải cận cảnh trường hợp Thanh Hóa vì họ là đội bóng chiếm giữ ngôi đầu V-League lâu nhất, tính đến thời điểm hiện nay. Còn nếu phải kể thêm những trường hợp khác thì đó là Bình Dương - đội vừa  "cướp" ngôi số 1 của Thanh Hóa hay đương kim vô địch Hà Nội T&T - đội luôn duy trì được tính ổn định cao, nhưng ngay cả với những đội bóng này cũng thật khó hình dung xem họ sẽ thi đấu ra sao nếu không có sự phục vụ của những cầu thủ ngoại hoặc ngoại nhập tịch vốn đã được "đóng chốt" từ nhiều năm nay.

Với những đội bóng tràn ngập chất ngoại như thế, phải chăng bản sắc của V-League chính là... bản sắc ngoại?

Và nếu cứ cố phải gọi đấy là "bản sắc" thì cái gọi là "bản sắc" ấy có mang tính bền vững hay không, có giúp đội tuyển quốc gia phát triển tử tế hay không là điều khỏi nói ai cũng hiểu.

Nhìn từ đội tuyển

 
Falko Goezt là HLV ngoại cuối cùng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong thời gian gần đây - Ảnh: Bạch Dương

Năm 2011, khi chọn Falko Goetz thế chỗ Calisto dẫn tuyển Việt Nam, Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (lúc bấy giờ) cho biết: "Tôi quyết định chọn ông ấy vì khi tôi hỏi "sẽ dạy gì cho các cầu thủ Việt Nam?" thì ông ấy bảo "sẽ dạy cho họ biết là khi ra sân chỉ có một ngôi sao, đó là ngôi sao trên ngực áo mỗi người".

Câu nói của Goetz thật rung cảm lòng người. Không biết có phải vì sự rung cảm ấy không mà khi quyết định đặt niềm tin vào Geotz người ta đã bỏ qua cái nguy cơ một ông thầy với "triết lý Đức" điển hình như Goetz có khả năng sẽ phá bỏ tất cả cái triết lý mà một ông thầy mang màu sắc Latin như Calisto từng xây dựng. Thực tế thì đội tuyển Việt Nam dưới thời Goetz đã bị ép vào lối đá dài, đá bổng, chứ không đá kiểu nhỏ - nhuyễn như thời Calisto nữa.

Bây giờ thì đội tuyển Việt Nam lại chuẩn bị đón một ông thầy ngoại mới, có đến 99,9% khả năng sẽ là thầy Nhật. Vậy thì thầy Nhật sẽ "ép" cầu thủ Việt Nam đá theo phong cách gì đây?

Nên nhớ là bóng đá Nhật ở thời kỳ đầu hội nhập đã quyết định đi theo phong cách Brazil và đã liên tục mời thầy Brazil cầm đội tuyển quốc gia, nhưng trong những năm gần đây lại đã mời thầy châu Âu và ít nhiều ngả theo hướng kỷ luật, thực dụng của người châu Âu.

Rõ ràng là mỗi lần chọn thầy ngoại là một lần chúng ta lại phải "đánh bạc" với vấn đề phong cách, lối chơi của Đội tuyển.

Ở những nền bóng đá phát triển, người ta có ông giám đốc kỹ thuật đảm nhiệm công việc xây dựng, bảo vệ và uốn nắn các đội tuyển quốc gia đi theo một phong cách, một bản sắc nhất định. Ở ta, tuy không có ông giám đốc kỹ thuật nhưng lại có ông Phó chủ tịch chuyên môn cùng Hội đồng HLV Quốc gia đảm nhiệm nhiệm vụ này.

Nhưng trách ông Phó chủ tịch chuyên môn hay Hội đồng HLV Quốc gia cũng khó, vì cái chính là ngay ở V-League - cái nền cung cấp nhân sự cho đội tuyển quốc gia, có bói mỏi con mắt cũng chẳng biết là các đội bóng V-League đang đi theo bản sắc nào.

Mà có lẽ đừng nói tới những chuyện "xa xỉ" như bản sắc, ở V-League bây giờ, chỉ cần các đội không đua nhau bỏ cuộc là người ta đã thấy hạnh phúc lắm rồi!

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.