Vén màn vũ khí hạt nhân Triều Tiên

07/05/2014 09:00 GMT+7

CHDCND Triều Tiên đã phát triển đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa, đủ sức đặt Hawaii, Alaska và bờ Tây nước Mỹ vào tầm ngắm.

 Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng  - Ảnh: AFP
Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

Chính quyền Obama đang nỗ lực che giấu thực tế rằng CHDCND Triều Tiên đang sở hữu các đầu đạn hạt nhân, theo báo cáo của ông Mark Schneider, cựu chuyên gia phân tích chiến lược của Lầu Năm Góc. Trong báo cáo dài 16 trang đăng trên tờ Comparative Strategy, chuyên gia Schneider dẫn tài liệu của Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) nhận định Bình Nhưỡng hiện nắm trong tay các vũ khí hạt nhân có thể được lắp cho tên lửa đạn đạo.

Mỹ che đậy chứng cứ

Dù trước đây Bình Nhưỡng thường xuyên đưa ra các tuyên bố về hạt nhân, nhưng phạm vi, mức độ và tần suất của những đe dọa dạng này đặc biệt tăng mạnh từ năm 2013, theo DIA. Trong vài tháng gần đây, Bình Nhưỡng liên tục phát ra thông điệp khiêu khích, với nội dung xoay quanh chuyện dùng vũ khí hạt nhân tấn công các thành phố ven biển của Mỹ và những quốc gia đồng minh của nước này. Theo báo cáo mới, Nhà Trắng đang cố gắng che đậy những thông tin tình báo gây báo động vì lo ngại có thể làm ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực loại bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Do vậy, các quan chức phát ngôn của Nhà Trắng từ chối cung cấp thông tin tình báo về diễn biến hạt nhân của Triều Tiên và chỉ đưa ra các tuyên bố vô thưởng vô phạt rằng khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân của nước này vẫn còn hạn chế hoặc chưa được thử nghiệm.

Theo trang Washington Free Beacon, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel từng khẳng định thông tin tình báo thu được cho thấy cả Iran lẫn Triều Tiên đều không đủ khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) James Clapper cũng bất đồng ý kiến với DIA. Tuy nhiên, chuyên gia Schneider khẳng định có đầy đủ lý do để tin rằng tính toán của DIA là chính xác. Việc tiết lộ về phân tích của DIA xảy ra cùng lúc với những biến động nhân sự cấp cao của DIA. Theo đó, Giám đốc DIA, trung tướng Michael Flynn đột ngột tuyên bố từ chức trong tuần qua. Cấp phó của ông Flynn là David Shedd cũng rời ghế sau cuộc cãi vã trong nội bộ Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo. Một số quan chức Mỹ cho hay ông Flynn có bất đồng với các quan chức tình báo cấp cao, bao gồm Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo Michael Vickers.

Thực lực tên lửa Bình Nhưỡng

Theo một báo cáo được giải mật của tình báo Mỹ, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Taepodong-2 của Triều Tiên có thể mang theo đầu đạn có trọng lượng vài trăm kg bắn đến khoảng cách tối đa gần 10.000 km, tức đủ sức tấn công Alaska, Hawaii và một số nơi thuộc các bang miền tây của Mỹ. Bên cạnh đó, CHDCND Triều Tiên cũng được trang bị các bệ phóng di động do Trung Quốc sản xuất, hiện được dùng để triển khai ICBM KN-08 loại mới, hay còn gọi là Nodong C.

Đến nay, vẫn khó đoán được số lượng chính xác đầu đạn hạt nhân hiện nằm trong tay CHDCND Triều Tiên, nhưng theo một số chuyên gia, con số phải lớn hơn 10. Điều này dựa trên ước tính Bình Nhưỡng đã sản xuất được từ 30 đến 50 kg plutonium. Theo báo cáo của ông Schneider, mối đe dọa tên lửa hạt nhân từ Triều Tiên bị giới chức Mỹ xem nhẹ dựa trên luận cứ mơ hồ rằng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng quá lớn để lắp vào các ICBM. Tuy nhiên, việc chế tạo đầu đạn hạt nhân nhỏ không quá khó khăn dựa trên sự cải tiến công nghệ và sức mạnh máy tính trong nhiều thập niên qua. Ngoài ra, Triều Tiên cũng được cho là sở hữu thiết kế đầu đạn hạt nhân nhỏ của Trung Quốc, mua lại từ đường dây buôn bán công nghệ hạt nhân “chợ đen” do cha đẻ chương trình hạt nhân Pakistan A.Q.Khan đứng đầu. Những người Triều Tiên đào tẩu cũng từng khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã phát triển được đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào ICBM. Theo tờ The Korea Times, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện vào đầu tháng 4, tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, nói rằng Triều Tiên “vẫn là mối đe dọa đáng kể cho lợi ích của Mỹ”.

Việc Bình Nhưỡng có thực sự phát động tấn công hạt nhân Mỹ hay không vẫn là chuyện khó có thể đoán trước. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, chính quyền Bình Nhưỡng đã leo thang đối đầu với Hàn Quốc, từ vụ nã pháo đảo tiền tiêu Yeonpyeong đến việc triển khai do thám nhiều lần bằng thiết bị bay không người lái. Các chuyên gia lo ngại diễn biến trên nếu xảy ra chiều hướng xấu có thể dẫn đến leo thang xung đột và kết quả tồi tệ nhất là kích động chiến tranh hạt nhân do tính toán sai lầm của các bên, theo báo cáo.

Dượng ông Kim Jong-un vẫn còn sống ?

Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman vừa có tiết lộ gây chấn động khi khẳng định ông Jang Song-thaek, dượng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, vẫn chưa bị hành quyết.

Vào tháng 12 năm ngoái, truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên đưa tin ông Jang Song-thaek đã bị xử tử sau khi bị kết tội phản bội. Tuy nhiên, Rodman, người nổi tiếng vì quan hệ gần gũi với ông Kim và mới có chuyến thăm Triều Tiên vào tháng 1 năm nay, nói với tạp chí DuJour: “Lần cuối cùng tôi ở đó, khi người ta nói bạn gái ông ấy bị xử tử, dượng ông ấy bị xử tử và ném xác cho chó ăn... thì họ đang đứng ngay sau tôi”. Khi được phóng viên đề nghị nói rõ hơn, Rodman tiếp tục khẳng định: “Ông ấy (Jang Song-thaek) đứng ngay sau tôi”.

Sơn Duân

Thụy Miên

>> Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân
>> Mỹ thừa nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân
>> Truyền thông Triều Tiên ví Mỹ là 'địa ngục trần gian
>> Triều Tiên có thêm một Phó thủ tướng
>> Trung Quốc công bố hình ảnh căn cứ không quân Triều Tiên
>> Triều Tiên lại tập trận bắn đạn thật
>> Triều Tiên tập trận bắn đạn thật sát biên giới trên biển với Hàn Quốc
>> Triều Tiên tuyên bố tập trận bắn đạn thật sát biên giới Hàn Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.