Tự tạo cơ hội - Kỳ 32: Làm giàu từ chiếu cói

08/05/2014 01:30 GMT+7

Nhờ sự cần cù, sáng tạo, ý chí vươn lên, ông Dương Anh Tuấn (xã Nga Thủy, H.Nga Sơn, Thanh Hóa) đã trở thành tỉ phú nhờ nghề chiếu cói.

  Hàng thủ công mỹ nghệ
Ông Dương Anh Tuấn đang kiểm tra mặt hàng thủ công mỹ nghệ của công ty tạo ra - Ảnh: Nhật Linh

Nga Sơn (Thanh Hóa) nổi tiếng với những làng nghề chiếu cói truyền thống. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Liên Xô (cũ) tan rã, thị trường rộng lớn bị mất, làng nghề điêu đứng. Nhiều người phải dùng xe đạp, xe máy chở chiếu đi bán dạo khắp các huyện trong tỉnh nhưng cũng không thể sống được với nghề.

Trước thực trạng này, cựu chiến binh Dương Anh Tuấn (thôn 9, xã Nga Thủy, H.Nga Sơn) đã quyết chí đi tìm đầu ra cho chiếu cói quê mình. Một mình ông lặn lội sang Trung Quốc, dù một chữ tiếng Trung cũng không biết. “Nghiên cứu thị trường nước này, tôi đã tốn kém không biết bao nhiêu là tiền bạc và công sức. Cuối cùng, ông trời không lấy của ai tất cả và chẳng bao giờ phụ người có công, tôi đã thuyết phục được bạn hàng khó tính”, ông Tuấn nhớ lại.

Từ đó, ông bắt tay ngay vào việc đẩy mạnh sản xuất chiếu cói. Ông quyết định vay ngân hàng 90 triệu đồng thành lập Xí nghiệp chiếu cói Hoàng Long vào năm 1994, cải tiến lại chi tiết máy sản xuất, đầu tư mua sắm thêm máy chẻ cói tự động, áp dụng khoa học kỹ thuật, mời các chuyên gia về huấn luyện... để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Tuấn, để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng cói, cho đến các giai đoạn thu hoạch, chọn, chẻ, phơi, nhuộm cói, đan và hoàn thiện sản phẩm. “Nhiều đêm tôi phải thức trắng để thiết kế các mặt hàng mới, lạ rồi chuyển giao cho bộ phận kỹ thuật, rồi lại phải đến tận nơi giao cho từng hộ gia đình làm hàng”, ông Tuấn nói.

Sản phẩm của xí nghiệp được đưa đi giới thiệu tại các hội chợ, khu du lịch, thương mại trong ngoài nước… Những tấm thảm lót sàn, giỏ, làn, dép đi trong nhà, đồ dùng trang trí... sau đó lần lượt có mặt tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... 

Khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, ông Tuấn quyết định thành lập Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Hoàng Long vào năm 2005. Từ khi thành lập đến nay, công ty tập trung vào các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có giá trị kinh tế cao như: giỏ, hộp, túi, đệm, bát, khăn trải bàn, ví... sử dụng nguyên liệu từ cói, bèo tây... xuất sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha; đồng thời, liên tục đổi mới mẫu mã, tăng cường việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các hội chợ tại Đức, Trung Quốc... để tìm kiếm thêm bạn hàng mới. Đến nay, sản phẩm cói mỹ nghệ của Nga Sơn đã có mặt tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi năm, doanh thu của công ty hơn 40 tỉ đồng. Hiện công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động và hơn 2.000 lao động vệ tinh tại H.Nga Sơn và H.Kim Sơn (Ninh Bình)... với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhật Linh

 >> Mai một nghề đan chiếu cói
>> Hẩm hiu làng nghề dệt chiếu cói 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.