Kỳ nhân làng võ - Kỳ 16: Quyền sư Tây Sơn Bắc phái

19/05/2014 01:40 GMT+7

Từ thời trai trẻ đến nay, quyền sư Nguyễn Xuân Bình không hút thuốc lá, cũng chẳng đụng đến rượu bia, mà suốt ngày chỉ làm bạn với bao cát, tạ sắt, côn, kiếm và hít đất. Có lẽ nhờ vậy mà đến nay dù đã 97 tuổi, lão võ sư vẫn minh mẫn, hoạt bát, ít khi ốm đau bệnh tật.

Từ thời trai trẻ đến nay, quyền sư Nguyễn Xuân Bình không hút thuốc lá, cũng chẳng đụng đến rượu bia, mà suốt ngày chỉ làm bạn với bao cát, tạ sắt, côn, kiếm và hít đất. Có lẽ nhờ vậy mà đến nay dù đã 97 tuổi, lão võ sư vẫn minh mẫn, hoạt bát, ít khi ốm đau bệnh tật.

 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 15: Cao thủ Tây Sơn Nhạn
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 14: Thầy 'võ gà' ở chợ Rạch Ông

Quyền sư Xuân Bình năm nay 97 tuổi - Ảnh: Ngọc Thiện
Quyền sư Xuân Bình năm nay 97 tuổi - Ảnh: Ngọc Thiện 

Lão võ sư Nguyễn Xuân Bình sinh năm 1917 tại thôn Phú Hậu, H.Phù Cát, tỉnh Bình Định, sớm được ông ngoại là cụ Phó Kính truyền thụ võ Thiếu lâm. Khi lớn lên thì được làm đệ tử nhị vị sư phụ Sĩ Ba và Đoàn Phong, hai quyền sư nổi tiếng đất võ Bình Định. Đến năm 22 tuổi, Xuân Bình tình cờ hội ngộ và được cao thủ Phước Kiến là Tiêu Bảo Chấn dốc lòng chân truyền tinh hoa Thiếu lâm bắc phái.

Năm 1944, ông bắt đầu dạy võ thuật cho trai tráng trong thôn. Tuy nhiên, chỉ được hơn một năm, chàng nông dân bỏ ruộng đồng nhà cửa phiêu bạt giang hồ. Trên đường hành hiệp đã đem vốn sở học truyền bá cho lớp hậu bối kháng Tây đánh Nhật, sau đó mở 6 võ đường ở Nha Trang (1949), Phan Rang-Tháp Chàm (1950), Đơn Dương (1955), Buôn Ma Thuột (1957), Biên Hòa (1959) và Sài Gòn (1960). Năm 1964, được đồng đạo Nguyễn Son tiến cử, Xuân Bình gia nhập Tổng cuộc Quyền thuật VN đào tạo võ sĩ.

Lão quyền sư Xuân Bình trầm ngâm: “Sự nghiệp thi đấu của tôi khoảng 13 trận, trong đó có những trận nhớ đời như hòa “Con cáo già” Huỳnh Tiền tại Phan Rang (1946), thắng Châu Long ở Hoài Nhơn, Bình Định (1947), thắng K.O Cao Thành Sang tại Ninh Hòa (1948), thắng “Gấu đen miền Trung” Trọng Đãi ở Phú Khánh (1949), thắng “Hùm xám Khánh Hòa” Trịnh Thiếu Anh (1950) tại Nha Trang, hòa Lư Hòa Phát tại Hội chợ Thị Nghè (1951). Sau trận hòa “vua boxing” Kid Dempsey tại sân Tinh Võ (1951) tôi giã từ sàn đấu! Trong cuộc đời tôi có hai kỷ niệm khó quên. Đó là trận hòa “tượng đài” Huỳnh Tiền tại rạp hát Thanh Bình (Phan Rang), anh Tiền đánh rất mưu mẹo, khôn khéo, đôi chân di chuyển linh hoạt, uyển chuyển, ra đòn cực nhanh và chuẩn xác, còi dứt trận vang lên, tôi vẫn nghĩ rằng mình thua điểm, không ngờ trọng tài Nguyễn Trung tuyên bố hòa. Và một kỷ niệm đau lòng là vào tháng 2.1975, tôi đứng ra tổ chức thi đấu võ đài tại Biên Hòa, ngay đêm đầu học trò tôi là Trần Quyền bị dính cú đấm dập hộp sọ, hôn mê rồi qua đời khiến tôi vô cùng đau khổ day dứt suốt mấy năm trời”.

Năm 1964, quyền sư Xuân Bình sáng lập “Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình võ thuật đạo” (73 Hàm Nghi, Biên Hòa) cho ra “lò” nhiều tay đấm gạo cội như Xuân Nghĩa (52 kg, lực sĩ quốc gia 1971), Xuân Phước (vô địch quyền tự do 1973), Xuân Thịnh (hạ K.O võ sĩ Hồng Kông Ngũ Chí Cường sau 15 giây nhập cuộc tại sân Tinh Võ), Xuân Liễu (nữ võ sĩ “độc cô cầu bại” hạng cân 48 kg), Xuân Cúc (con gái của quyền sư Xuân Bình)… được Tổng cuộc Quyền thuật VN cấp bằng khen do thành tích đào tạo nhiều tay đấm giỏi cho làng võ miền Nam.

Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình võ thuật đạo được kết tinh từ võ Bình Định và Thiếu lâm bắc phái kết hợp thủ pháp môn quyền anh. Do đó, đòn thế vô cùng ảo diệu, 3 bài trấn môn của võ phái là Ngũ Hổ Bình Tây, Miêu Tẩy Diện, Tứ Trụ Long Môn cùng nhiều bài binh khí nổi tiếng của Bình Định như Tấn Nhứt, Thái Sơn và Bạch Long Kiếm. Quyền sư Xuân Bình chọn ngày Quang Trung đại thắng quân Thanh (mồng 5 tháng 5) làm ngày kỷ niệm võ phái. Năm 1971, ông giữ chức Phó đoàn quyền thuật VN tranh tài quốc tế tại Nhà hát Olympic (Phnom Penh, Campuchia), các đệ tử của ông là Xuân Thơm, Xuân Thịnh đều toàn thắng.

Sau ngày đất nước thống nhất, vị chưởng môn Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình võ thuật đạo cùng gia đình lập nghiệp tại Thiện An, xã Buôn Hồ, H.Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk. Ông cùng các con Xuân Sơn và Xuân Hà tiếp tục đào tạo những tài năng võ thuật cho tỉnh nhà. Ông được Ủy ban TDTT trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp TDTT” và vẫn tiếp tục dành hết thời gian tâm sức ghi chép lại những tinh hoa của võ phái nhằm truyền lại cho lớp hậu bối vùng sơn cước.

Ngọc Thiện

 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 13: Tay đấm hạ knock-out võ sĩ Thái Lan
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 12: Độc chiến giang hồ cầu Muối
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 11: Tuyệt kỹ Tứ mã liên hoàn
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 10: Cao thủ Thiếu Lâm Nghè Bế
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 9: Thầy võ vùng đất dữ
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 8: Đại võ sư Huỳnh Tiền
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 7: Thiết chỉ Huỳnh Chí Dân
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 6: Hổ Hình quyền Trần Cây
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 5: Thái Tử Nghiêu và tuyệt kỹ Mai Hoa chưởng
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 4: Truyền nhân Vịnh Xuân quyền
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 3: Trần cao thủ với tuyệt kỹ Cổn Đường đao
 >> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 2: 'Bát quái côn' của Đàm sư phụ
 >> Kỳ nhân làng võ: Cao thủ 'đao thương bất nhập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.