Brasil 2014: Tôi 'xem' bóng đá qua radio

15/06/2014 01:31 GMT+7

Carlos Henrique bảo anh mơ được một lần đến sân cổ vũ cho đội tuyển vàng xanh. Nhưng khi World Cup diễn ra, ngay cả xem truyền hình trực tiếp cũng là chuyện xa vời.

Carlos Henrique bảo anh mơ được một lần đến sân cổ vũ cho đội tuyển vàng xanh. Nhưng khi World Cup diễn ra, ngay cả xem truyền hình trực tiếp cũng là chuyện xa vời.

 
Trước mặt là một vùng nhà ổ chuột mênh mông - Ảnh: Đỗ Hùng

Buổi sáng, tôi đón chuyến xe buýt 2703-10 từ nhà ga Itaquera kế bên sân Sao Paulo đi về khu ổ chuột Jardim Irene. Tôi từng có những ngày sống bình yên ở khu ổ chuột Rocinha trên miệt Rio de Janeiro, nhưng hôm nay tìm đến Jardim Irene không phải như một sự hoài niệm hay để so sánh.

Tôi tìm đến Jardim Irene vì đây là nơi mà Cafu đã chào đời. Tôi muốn có một hình dung rõ hơn con đường từ một cậu bé đá bóng trong khu ổ chuột trở thành nhà vô địch thế giới. Hôm trước tôi đã gặp Cafu ở nhà anh, nhưng đó là chuyến đi được tổ chức chu đáo và có lịch trình chặt chẽ. Tôi không thể tranh thủ đi ra ngoài ngó nghiêng.

Jardim Irene là một khu ổ chuột nằm ở phía đông Sao Paulo. Sau cái thời của Cafu thì khu ổ chuột này gần đây đã dần thay da đổi thịt, trông có vẻ phát triển hơn Rocinha hoặc các favela mà tôi từng biết đến tại Rio de Janeiro. Cafu hiện có một quỹ từ thiện mang tên anh đóng tại đây, với mục đích giúp đỡ trẻ em nghèo chơi bóng và học tập.

“Anh đi đâu đấy? Sao ra khu đông làm gì?”, chàng trai trẻ làm phụ xe hỏi tôi. Tôi bảo đi tác nghiệp báo chí. Ban nãy ở bến xe nằm dưới ga tàu điện ngầm Itaquera, tôi có chụp hình cho anh ta và một người bạn, lúc tôi lên xe đưa tiền vé anh ta không lấy, kiểu như trừ vào tiền chụp ảnh ban nãy hay sao ấy. Cũng nhờ vậy mà làm quen rất nhanh. “Anh đừng ra đấy, lại đeo theo máy ảnh thế này. Dân giang hồ khu đông kinh lắm”, Carlos Henrique, giờ thì tôi đã biết tên chàng trai, nói với tôi. Tôi bảo mình từng ở favela lớn nhất Brazil, tôi còn chìa dây đeo tay có ghi chữ Rocinha cho anh ta xem, nhưng Carlos vẫn lắc đầu: “Ở đây rất nguy hiểm. Cướp của giết người kinh lắm. Anh phải nghe lời tôi. Tôi sống ở đây từ nhỏ”.

 

Tôi phải đi làm. Phải cày để có tiền mua sắm và cưới vợ chứ. Những lúc trận đấu diễn ra thì tôi thường ở trên xe buýt. Tôi theo dõi qua radio

Carlos Henrique

Bữa đó, tôi nhảy xuống Jardim Irene và đi một vòng, ngắm cảnh khu ổ chuột im lìm với một tâm trạng thấp thỏm. Một vài người đàn ông vẫy tôi, bảo đi với họ có cái gì hay lắm. Chưa có chuyện gì xảy ra nhưng cảm giác bất an cứ lớn dần, đặc biệt là sau khi tôi có một trải nghiệm nhớ đời ở trung tâm Sao Paulo vào hôm trước: những kẻ cướp ngày tấn công tôi. Tôi chợt nhớ một cuốn cẩm nang du lịch Brazil có ghi rõ: “Bạn đừng bao giờ cho rằng mình khôn khéo hơn người bản xứ”. 

Nhà Carlos nằm trong một con hẻm sâu, như hầu hết nhà tại các khu ổ chuột mà tôi đã đi qua. Anh ta mới 18 tuổi và làm nghề phụ xe được hai năm. “Tôi chạy xe khoảng hai năm nữa rồi cưới vợ”, Carlos nói và đưa tấm hình anh ta chụp chung với một cô gái da nâu xinh xắn. Rồi anh ta mở tủ khoe những chiếc áo thun hiệu  Abercrombie, Tommy Hilfiger mà anh ta dành tiền mua được. Tôi không đủ kinh nghiệm để phân biệt hàng hiệu với hàng nhái, nhưng cũng ngộ ra được nhiều điều. Những chiếc áo thun hàng hiệu kia phải chăng là biểu hiện của một dạng ý chí vượt thoát khỏi chốn tồi tàn? Sống trong favela không nhất thiết phải rách rưới, con người ở đó cũng điện thoại thông minh, cũng áo hàng hiệu và cũng có giấc mơ gia đình hạnh phúc như chàng Carlos Henrique trước mặt tôi.

Từ chốn tối tăm, Cafu đã vươn lên để trở thành nhà vô địch thế giới. “Anh sinh ra và lớn lên trong một nơi chốn mà điều kiện sống rất khắc nghiệt, tuổi thơ của anh đầy khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa là anh không thể vượt qua được. Khó khăn đôi khi cần thiết cho một vài người. Tôi đã học được rất nhiều điều tại khu ổ chuột nơi tôi sinh ra. Lớn lên ở nơi chốn ấy cho tôi một tính cách khiêm nhường, kính trọng và vị tha. Tôi phải làm việc cật lực để vượt qua nghịch cảnh, và đó là lý do vì sao tôi ở đây nói chuyện với bạn”, hôm trước Cafu đã trả lời câu hỏi của tôi như thế. Giờ đây, Carlos trả lời tôi bằng những chiếc áo thun hàng hiệu và bằng tấm ảnh người vợ tương lai của chàng.

Nhưng dù có những chiếc áo thun mà Carlos luôn nâng niu, thì việc đến sân xem bóng đá vẫn là một giấc mơ xa vời. “Cậu có xem đội tuyển Brazil đá tại World Cup này không?”, tôi hỏi Carlos. “Tôi phải đi làm. Phải cày để có tiền mua sắm và cưới vợ chứ. Những lúc trận đấu diễn ra thì tôi thường ở trên xe buýt. Tôi theo dõi qua radio”, Carlos nói. Thông điệp “Tôi phải đi làm” cũng mang trong nó ý chí vượt thoát khỏi chốn tối tăm.

Đỗ Hùng
(từ Sao Paulo)

>> Dân Thái không được xem World Cup miễn phí
>> Cựu danh thủ Cafu: World Cup khó nhất của tuyển Brazil
>> 1 tỉ người xem khai mạc World Cup
>> Thể lệ Cuộc thi dự đoán World Cup qua tin nhắn
>> Cuộc thi viết cảm xúc World Cup 2014: Sẽ có nhiều lời hay ý đẹp
>> Cùng nhau dự đoán kết quả World Cup 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.